Liên quan tới vụ rửa tiền lớn nhất trong lịch sử thế giới có sự liên quan của một số ngân hàng ở Việt Nam, sáng nay, 31.5, bên hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội, TS Vũ Viết Ngoạn cho rằng: Nếu nói trực tiếp các ngân hàng có tham gia và biết đến việc rửa tiền không thì cũng chưa có cơ sở. Các thông tin đưa ra trên trang web có thể đưa tên tất cả các ngân hàng, những nơi đã từng giúp họ chuyển tiền.
“Theo nhận định của tôi thì chủ yếu là hoạt động cá nhân chứ không liên quan tới cả hệ thống ngân hàng. Nếu có đi chăng nữa thì ở đâu cũng có thể phát sinh ra chuyện đó. Nhưng qua đây, Việt Nam cần tăng cường theo dõi giám sát giao dịch thanh toán một cách chặt chẽ, để đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của hệ thống tài chính”, TS Ngoạn nhấn mạnh, vì đây là yêu cầu đặt ra không chỉ với Việt Nam mà còn với toàn thế giới.
TS.Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Ảnh: Dân Trí |
Phía Việt Nam đã ban hành Luật phòng, chống rửa tiền. Đây thể hiện một cam kết rất tốt của Việt Nam khi chúng ta hội nhập với quốc tế, nhất là trong điều kiện tài chính toàn cầu đang hết sức phức tạp.
Phía NHNN cũng đã có trả lời rằng đây là giao dịch tiền ảo nên khó xử lý?
- Không. Không thể nói là ảo mà không có cơ sở. Tiền ảo là danh nghĩa, còn sau nó là hành vi để rửa tiền thật. Ai tham gia vào những giao dịch này đều có thể sai phạm cả. Ví dụ như ở nước ngoài buôn bán ma túy rồi chuyển về đây, một người trong nước nhận thì đều có liên quan cả (nếu có).
Qua vụ này có thể thấy Việt Nam rất bị động trong việc kiểm soát dòng tiền. Khi thế giới phát giác ra chúng ta mới biết thông tin?
- Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả ở Mỹ cũng tồn tại bao lâu mới phát hiện ra. Nhiều nước cũng vậy. Ngay cả các ngân hàng lớn như HSBC, Standard C-hartered và các ngân hàng toàn cầu khác trước đây cũng đã bị phạt hàng tỷ USD vì liên quan đến hành vi rửa tiền. Đấy là trực tiếp giao dịch ngân hàng mà còn xảy ra những chuyện đó. Ở đây, chúng ta biết để tăng cường phòng tránh, phối hợp với các cơ quan an ninh tài chính trên thế giới. Vấn đề là chúng ta phải có ý thức, trách nhiệm quản lý vấn đề này.
Các ngân hàng đều khẳng định mình vô tội, nhưng chứng cớ như thế nào đưa ra để khẳng định ngân hàng mình không dính líu gì đến chuyện này?
- Các cá nhân này có mở tài khoản ở ngân hàng hay không và có giao dịch mờ ám hay không, cái này vẫn phải điều tra. Còn ở đây là nói qua mạng, hệ thống điện tử… nhưng cuối cùng phải xảy ra chuyện rút tiền, lấy tiền, hai bên thanh toán với nhau. Qua hệ thống mạng như vừa rồi, chưa nói là cuối cùng nó bù trừ như thế nào nhưng tôi hiểu rằng, họ có thanh toán cuối cùng.
Bao giờ cũng phải có những anh trung gian (cò) đứng ra làm chuyện đó. Phải làm rõ trung gian đó là ai? Nếu là ngân hàng thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm là mắt xích trong đường dây rửa tiền. Từ người gửi tiền, qua trung gian đến hệ thống điện tử ảo của Liberty Reserve…, cần làm rõ các ngân hàng tham gia vào khâu nào trong đường đi này.
Liệu có thể khẳng định việc một cá nhân nào đấy mở tài khoản ở ngân hàng nào đó rồi sau đó họ thực hiện hành vi rửa tiền thì không thể nói ngân hàng đó liên quan đến việc này, thưa ông?
- Đúng thế. Các bạn có thể hình dung, các bạn có tài khoản ở ngân hàng. Một tên ăn trộm cũng có tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc. Anh ta ăn cắp hàng ở Trung Quốc sau đó bán đi lấy tiền nộp vào tài khoản của họ, tiếp đó lại chuyển về Việt Nam mua hàng hóa của bạn bằng việc ký hợp đồng chính thức.
Các bạn nhận tiền của tên trộm này có sai phạm không, nếu các bạn không biết rằng đó là tiền ăn cắp? Rõ ràng là không. Nhưng nếu các bạn biết đó là tiền ăn cắp mà vẫn đồng ý thanh toán tiền hàng thì bạn có vấn đề.
Nhưng trong trường hợp này, ngân hàng phải có trách nhiệm kiểm soát dòng tiền đó trong trường hợp khách hàng có quan hệ với Liberty Reserve?
- Làm sao mà kiểm soát được. Chỉ biết rằng tiền từ đâu chuyển về, nhưng trong trường hợp này chắc gì đã là chuyển tiền từ ngân hàng mà từ một người A nào đó giao tiền cho người giao dịch, còn tất cả tiền của Liberty Reserve đều nằm ngoài ngân hàng hết.
Trong thời gian làm lãnh đạo ngân hàng Vietcombank, ông có nghĩ tới tình huống ngân hàng của mình sẽ gặp phải những giao dịch tương tự?
- Trước đây, một vấn đề đặt ra là hoạt động rửa tiền trên thế giới đã có nhiều và luôn là vấn đề được cả thế giới quan tâm. Nguồn tiền rất rộng, có thể từ buôn ma túy, vũ khí, thậm chí cả tiền tham nhũng. Những năm gần đây hoạt động rửa tiền liên quan đến khủng bố nên người ta càng quan tâm hơn. Việt Nam ngày càng hội nhập nên ngày càng phải đối phó với những tình huống phức tạp hơn.
Khi còn làm ở Vietcombank, tôi cũng hết sức quan tâm tới vấn đề này và đã có không ít trường hợp có những lời đề nghị từ nước ngoài về việc mở tài khoản giao dịch và Vietcombank đã từ chối khi cảm thấy nghi ngờ.
Xin trân trọng cám ơn ông!
Hải Phong (ghi)
Nguồn tin: Báo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...