Qúa nhiều quy định "trên trời": Đừng làm cho có

Thứ ba - 04/06/2013 20:58 - Đã xem: 908
Quy định được ban hành thì trái luật, luật ban hành thì xa rời cuộc sống... là những vấn đề đã và đang gây bức xúc cho người dân.
“Ban hành nhiều quy định đẩy khó cho người dân và dễ dàng cho cơ quan quản lý?”, đây là câu hỏi của nhiều bạn đọc đặt ra với bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Qua đó cũng phản ánh một thực tế là nhiều quy định của các cơ quan chức năng “làm cho có”, thiếu thực tế và đang làm khổ người dân.

Những quy định... chết yểu

 
Quy định bắt buộc trẻ em đội mũ bảo hiểm có hiệu lực thi hành hơn một tháng qua nhưng thực tế như thế nào? Chẳng có gì thay đổi. Hằng ngày các bà mẹ đưa đón con đi học vẫn vô tư không đội mũ bảo hiểm. Quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng cũng thế, bước ra các nơi công cộng là thấy nhiều người phì phèo thuốc lá mà chẳng ai nói đến chuyện phạt. Thậm chí tại những nơi rất đặc biệt như: bệnh viện, cơ quan nhà nước, trường học... vẫn đầy người hút thuốc.
 
Bạn đọc Nguyễn Tấn dẫn chứng thêm: “Chỉ việc xe chính chủ thôi mà ban hành tới lui bao nhiêu năm, thay đổi xoành xoạch, người dân chả biết đâu mà lần. Nhà tôi 3 người, đi 3 xe máy mà chả ai trong chúng tôi đứng tên cả, toàn mượn tên bà con họ hàng. Còn bây giờ đùng đùng lại bắt phải đứng tên, rồi đóng phạt, rồi chúng tôi phải vất vả ngược xuôi tìm lại họ hàng để ký giấy xác nhận... Tôi không làm vì những chiếc xe này cũng sắp quá đát rồi, ráng đi thêm một thời gian nữa thì bỏ cho rảnh nợ”.
Mũ bảo hiểm dỏm bán đầy đường nhưng chẳng thấy cơ quan chức năng nào xử phạt. Ảnh: Tấn Thạnh
 
Còn quy định về việc đăng ký “hộ khẩu” cho vật nuôi mới càng “sốc”. Cái này chắc học được ở các nước phương Tây chứ ở Việt Nam thì sao mà áp dụng được. Ví dụ như nuôi chó chẳng hạn: sáng nó ở với chủ, chiều có khi đã vào quán thịt cầy thì đăng ký làm gì. Tréo ngoe là các cửa hàng bán vật nuôi như chó, mèo, kỳ nhông, nhím... thì chẳng ai kiểm tra, xử lý.
 
Trong khi đó, những vấn đề thiết thực, bức xúc với người dân như nạn trộm chó, rải đinh, lấn chiếm không gian công cộng... thì làm không đến đâu. “Đinh tặc” hoành hành, thậm chí người dân bắt giao cho cơ quan công an nhưng cũng chẳng xử lý được. Riêng vụ mũ bảo hiểm dỏm thôi, các cơ quan tranh luận với nhau bao năm rồi mà cũng chưa ngã ngũ, chỉ chăm chăm phạt người dân. Trong khi mũ dỏm bán đầy đường mà chẳng có cơ quan nào dẹp được.
 
Chúng tôi có chọn lầm người!

Bạn đọc lấy tên Single Fierfly, bày tỏ: “Cách nay không lâu, một vị luật sư lớn tuổi nhận xét: “Nước ta có cả một rừng luật”... Cũng vì có quá nhiều luật nên nhiều khi chồng chéo, thậm chí là mâu thuẫn với các luật khác, không khả thi, khó đi vào cuộc sống. Cụ thể: ghi đủ họ tên cha mẹ trong CMND, cắt khẩu nếu rời khỏi địa phương hai năm, buộc xe máy đóng phí đường bộ...
 
Đến nay người dân vẫn mệt mỏi với quy định xe chính chủ. Ảnh: Tấn Thạnh
 

Đối với vấn đề áp dụng những quy định của pháp luật vào cuộc sống, bạn đọc Trương Xuân Hiệp, nói thẳng: “Nhìn chung những quy định mà có thu tiền thì rất hăng hái thực hiện như: phí bảo trì đường bộ, giá xăng dầu, phạt mũ bảo hiểm, xe chính chủ... Còn những việc thể hiện vai trò quản lý, điều tiết thực sự của cơ quan chức năng thì cứ từ từ, thậm chí lâu ngày cũng quên mất, như: kiểm tra, xử lý chất lượng thực phẩm tại các chợ, nhà hàng, quán ăn; hạn chế xe công đắt tiền; xử lý cán bộ, công chức ăn cắp giờ công...”.

Bạn đọc Lê Quang kết luận: “Không có luật nào mạnh và ảnh hưởng bằng ý thức tự giác của người dân làm theo luật. Muốn như vậy thì luật phải nghiêm, phải phục vụ tốt cuộc sống của người dân; khi thực hiện phải công tâm, cơ quan chức năng phải minh bạch. Luật mà có thể gia giảm, né tránh và áp dụng thiếu công bằng thì làm sao người dân tự giác tuân thủ”.
 

Quy định trách nhiệm các bộ, ngành


Bạn đọc Minh Trí, cho biết: Trong thời gian vừa qua, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã phát hiện một số văn bản của một số bộ, ngành ban hành không đúng theo trình tự, thủ tục và đã bị đề nghị thu hồi, như: Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Bộ GD-ĐT, Bộ Y tế… được dư luận rất đồng tình.
 
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều văn bản dưới luật ban hành hướng dẫn không thống nhất, nội dung mâu thuẫn với nhau nhưng chưa được Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật kiến nghị sửa đổi kịp thời. Nhiều luật vẫn chưa có những văn bản hướng dẫn để thực hiện, do vậy các cơ quan áp dụng pháp luật không thể thực hiện được. Quốc hội cần sớm bổ sung, sửa đổi Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cần quy định thời gian cụ thể ban hành văn bản hướng dẫn, đình chỉ kịp thời các văn bản dưới luật do các bộ ngành ban hành dưới dạng thông tư, công văn hướng dẫn trái luật, trái nghị định cùa Chính phủ. Đồng thời quy định trách nhiệm pháp lý nếu văn bản hướng dẫn chậm so với thời gian quy định, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
 
Phạm Hồ

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây