Siết quản lý chất lượng công trình

Thứ hai - 20/05/2013 03:21 - Đã xem: 980
Ngày 17.5, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng cho 38 địa phương phía nam theo hướng siết chặt quản lý chất lượng công trình, đặc biệt là công trình có vốn ngân sách.

Quy trách nhiệm cơ quan quản lý

Theo ông Lê Quang Hùng, Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) - điểm mới trong Nghị định (NĐ) 15 là cho phép cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng kiểm soát chặt hơn chất lượng công trình, từ khâu khảo sát thiết kế, thi công, nghiệm thu đến khi đưa công trình vào hoạt động. Cơ quan nhà nước sẽ thẩm tra về thiết kế, tính an toàn của công trình, nghiệm thu công trình, nếu đảm bảo mới cho sử dụng. Trước đây, chất lượng công trình do chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn... toàn quyền quyết định. Khi có sự cố thì cơ quan quản lý nhà nước mới can thiệp.


Các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách sẽ được kiểm tra chặt  về chất lượng - Ảnh: Đình Sơn

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định hiện vốn đầu tư xây dựng chiếm khoảng 70% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vì vậy công tác quản lý chất lượng công trình, chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư rất quan trọng, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. “Sự hạn chế về năng lực của các chủ đầu tư là một trong những nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, làm giảm chất lượng công trình, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư”, Bộ trưởng phân tích.

Chính vì vậy, NĐ 15 sẽ quy định rõ các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải có trách nhiệm kiểm soát về chất lượng công trình và chi phí xây dựng ngay từ giai đoạn đầu - “tiền kiểm”, thông qua việc thẩm tra thiết kế kỹ thuật, thẩm tra dự toán (với công trình có sử dụng vốn ngân sách), những việc mà trước đây đều do chủ đầu tư thực hiện. Đồng thời làm rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong việc đảm bảo chất lượng công trình.

Đề phòng nảy sinh nhũng nhiễu

Trước quy định mới này, nhiều doanh nghiệp (DN) lo rằng thời gian làm thủ tục sẽ kéo dài. Ông Nguyễn Văn Đực, PGĐ Công ty địa ốc Đất Lành, cho biết với quy định cũ, chủ đầu tư chỉ mất khoảng 1-2 tháng là xong giấy phép xây dựng. Còn nay phải thẩm tra thiết kế kỹ thuật sẽ mất thêm 6-7 tháng. Trong khi tại TP.HCM mỗi năm cấp khoảng 30.000 giấy phép xây dựng. Nếu phải thẩm tra thiết kế số hồ sơ trên thì TP phải có khoảng 400 nhân viên làm việc mới xong. Ngoài ra, với những công trình không thẩm tra được, cơ quan quản lý sẽ chỉ định công ty khác thẩm tra. Không khéo có thể sẽ nảy sinh tình trạng “sân sau”, xảy ra tiêu cực. Kể cả không loại trừ trường hợp cán bộ chuyên môn cố tình làm khó để “đẩy” hồ sơ ra ngoài.

Đồng tình với quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Văn Hiệp, Ủy viên Ban Chấp hành, Tổng hội Xây dựng VN, cho rằng để hạn chế khả năng này, cần tăng hơn trách nhiệm của các đơn vị tư vấn, kể cả tư vấn thẩm tra, tư vấn định giá. Ban hành chi tiết chế độ kiểm tra thường xuyên của các đơn vị quản lý nhà nước, kể cả cấp bộ đối với công trình xây dựng. Chế độ kiểm tra phải đảm bảo hiệu quả, ngăn ngừa những thỏa hiệp, tiêu cực từ đầu.

Ông Lê Quang Hùng cho biết sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp để đưa vào thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 15 trong tháng 5 này.  

 

Chỉ thẩm tra an toàn với công trình tư nhân

Theo ông Ngô Lâm, Cục phó Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, khi NĐ 15 bắt đầu có hiệu lực, các công trình sẽ được cơ quan quản lý nhà nước thẩm tra thiết kế và kiểm tra lúc đưa công trình vào sử dụng nên sẽ hạn chế được sự cố, ví dụ như vụ tháp truyền hình Nam Định, đập thủy điện Đăk Rông 3... Công tác thẩm tra chỉ mất khoảng 1 tháng. Đối với công tác nghiệm thu công trình trước khi cho phép công trình đi vào hoạt động mất tối đa 15 ngày. Với những công trình lớn, mất khoảng 1,5 tháng. Đối với những công trình vốn tư nhân, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không thẩm tra về chi phí mà chỉ thẩm tra về đảm bảo an toàn. Riêng công trình sử dụng vốn ngân sách, cơ quan quản lý nhà nước thẩm tra cả về chi phí và đảm bảo an toàn.

Đình Sơn - Lê Quân
 

KIÊN QUYẾT XỬ LÝ ĐỐI CÁC ĐƠN VỊ THI CÔNG CÔNG TRÌNH KÉM CHẤT LƯỢNG
Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính T.Ư, đã từng chỉ rõ điểm "rò rỉ" lớn nhất trong quản lý đầu tư xây dựng chính từ "mấy anh tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát". Trước đây Đồng chí Thăng Bộ trưởng Giao thông vận tải khi đi kiểm tra các công trình giao thông các tuyến đường quốc lộ đã từng phát biểu: “Hiện nay chất lượng, tiến độ nhiều công trình của ngành GTVT còn chưa tốt, văn bản quy phạm pháp luật thiếu đồng bộ, chưa bám sát thực tiễn cuộc sống, đi đến đâu dân cũng kêu. Trong khi đó, những người đứng đầu chẳng có trách nhiệm gì cả”, việc đánh giá trên đúng thực tế hiện nay .
Để có thể chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư, nâng cao được chất lượng công trình giao thông, cần xác định rõ trách nhiệm thật cụ thể của từng ngành từng cấp , trách nhiệm của người đứng đầu , để từ đó mới có biện pháp kiên quyết để khắc phục ngay .
Trước tiên cần xác định rõ trách nhiệm của Ban quản lý dự án , đơn vị tư vấn thiết kế , đơn vị thi công , đơn vị tư vấn giám sát công trình , đây là những đơn vị chủ công trong việc quyết định đến chất lượng công trình, tiến độ thi công . Đối với các Chủ đầu tư kiên quyết không để các đơn vị thi công đã từng thi công công trình chất lượng kém tham gia đấu thầu , cần ưu tiên cho các đơn vị nhà thầu nào có nhiều công trình đạt chất lượng được dư luận xã hội công nhận . Không phải đơn vị nào tham gia đấu thầu bỏ giá thấp là được trúng thầu, cấm tuyệt đối các đơn vị trúng thầu lại không thi công mà bán nhượng lại cho đơn vị khác thi công lấy tỷ lệ hoa hồng .Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chất lượng công trình kém chất lượng, vì đơn vị nhận lại thi công buộc phải bớt xén nguyên vật liệu mới có lãi. Do vậy cần sớm sửa đổi luật đấu thầu để phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay, đơn vị nào trúng thầu phải có đủ năng lực về tài chính mới được nhận thầu, nếu trong quá trình thi công nếu phát hiện bán lại cho đơn vị khác thi công thì Nhà nước phải phạt nặng đơn vị trúng thầu, cấm tham gia dự thầu các dự án công trình khác trong phạm vi cả nước, đồng thời buộc đơn vị trúng thầu phải thi công đảm bảo chất lượng công trình như đã cam kết.
Để đảm bảo chất lượng công trình bền vững Đơn vị thiết kế cần phải chú ý đến kết cấu công trình chịu đựng được vận chuyển tải trọng nặng, tùy theo địa hình thổ nhưỡng đất đai mà thiết kế loại bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng, nhất là ở các khu vực miền núi tây nguyên hết 6 tháng mùa mưa, nhưng lại sử dụng loại vật liệu nhựa đường là không không phù hợp, nếu kết cấu bằng betông xi măng thì chắc chắn công trình sẽ bền vững hơn, tuổi thọ công trình sẽ cao.
Đối với các Đơn vị tư vấn giám sát phải giám sát phải hết sức khách quan trung thực, thường xuyên có mặt tại hiện trường. Có như vậy mới có chuyển biến đối với chất lượng các công trình giao thông.
Đối với Đơn vị thi công đây là đơn vị có tính quyết định đến chất lượng công trình , đòi hỏi đơn vị thi công phải có lương tâm và trách nhiệm của mình.
Bên cạnh đó các đơn vị chuyên ngành quản lý nhà nước, tăng cường kiểm tra chất lượng công trình, phải xử lý nghiêm khắc đối với các đơn vị thi công thiếu trách nhiệm để công trình kém chất lượng, thu hồi giấy phép vĩnh viễn đối các nhà thầu thiếu trách nhiệm, cần thiết truy cứu trách nhiệm hình sự .
Bên cạnh đó cần tăng cường vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, cũng như cơ chế giám sát của người dân và các tổ chức xã hội đối với các công trình đang thi công, thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng công trình thi công kém chất lượng , chống thất thoát, lãng phí xây dựng đường giao thông như hiện nay.

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây