Giải pháp nào để gỡ “nút thắt” trong cấp GCNQSDÐ

Thứ ba - 14/05/2013 23:44 - Đã xem: 1056
Qua kết quả giám sát mới đây của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho thấy, đến nay, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) được gần 169.000 ha đất ở và đất nông nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình, đạt 92,49% tổng diện tích đất đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ. Nhưng xem ra, lĩnh vực này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn vì nhu cầu cấp GCNQSDĐ trong nhân dân hiện nay còn lớn hơn rất nhiều.

Ảnh minh họa


Chưa kể đến, để đạt mục tiêu đến hết năm 2013, các địa phương trong cả nước cơ bản hoàn thành kế hoạch cấp GCNQSDĐ đợt một và đến năm 2015 phải số hóa 100% bản đồ, hồ sơ cấp cho cá nhân, hộ gia đình theo Nghị quyết của Quốc hội thì tỉnh ta vẫn còn nhiều việc phải làm.
 
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thì Đắk Nông đứng trong tốp 20 tỉnh, thành đang có vướng mắc lớn trong việc cấp GCNQSDĐ. Cụ thể là toàn tỉnh đang có gần 64.000 ha đất nông nghiệp người dân canh tác ổn định, nhưng không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ, chiếm hơn 50% đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
 
Mặc dù các ngành, địa phương thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính, tuyên truyền, tổ chức đo đạc, cấp GCNQSDĐ, nhưng xem ra vẫn “lực bất tòng tâm” nếu Nhà nước không có chủ trương tháo gỡ khó khăn này. Bởi vì, đa phần diện tích đất không đủ điều kiện cấp GCNQSDĐ nêu trên đều có nguồn gốc từ đất rừng do các công ty lâm nghiệp bàn giao lại cho địa phương quản lý.
 
Để được cấp GCNQSDĐ, điều đầu tiên là Chính phủ phải cho chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất rừng sang đất nông nghiệp. Tại các cuộc giám sát, nhiều đơn vị, địa phương cho rằng, cái khó hiện nay là nếu không chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất này, thì không chỉ khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước mà hàng năm, tỉnh cũng thất thoát một khoản thu lớn từ thuế nông nghiệp.
 
Chưa kể đến, vấn đề quy hoạch vùng, quản lý cơ cấu cây trồng cũng bị “vướng”. Tuy nhiên, nếu có chủ trương “hợp thức hóa” là đồng nghĩa với việc công nhận hành vi phá rừng, lấy đất của một số cá nhân thời gian qua.
 
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng, Đắk Nông cũng cần đề xuất với Chính phủ một phương án khả thi hơn để xử lý rốt ráo vấn đề này. Đơn cử như trên cơ sở khảo sát, khoanh vùng từng diện tích đất, nếu xét thấy đủ điều kiện (tức đất rừng bị phá trước năm 2004) thì đề xuất phương án chuyển đổi; nếu không đủ điều kiện thì nên có phương án để người dân trồng xen cây rừng trong diện tích cây nông nghiệp, công nghiệp hiện có. Làm như vậy, vừa đảm bảo thu nhập, cuộc sống hiện tại cho người dân, vừa đảm bảo được mục tiêu trồng rừng của tỉnh.
 
Sau một thời gian, khi diện tích rừng đủ độ che phủ, chúng ta mới tính đến phương án khoán rừng cho chính các hộ dân quản lý, hưởng lợi. Một số ý kiến còn cho rằng, để vừa tạo điều kiện cho nhân dân, vừa đảm bảo về mặt quản lý Nhà nước, nên chăng tỉnh cần đề xuất phương án cấp GCNQSDĐ cho người dân, nhưng hạn chế bớt một số quyền lợi. Cụ thể như đối với diện tích đất có nguồn gốc từ đất rừng, Chính phủ cần cho chủ trương cấp  GCNQSDĐ, nhưng chỉ được thế chấp ngân hàng, làm căn cứ quyền sử dụng theo thời hạn chứ không có quyền mua bán, sang nhượng.
 
Suy cho cùng, để phát sinh vấn đề trên cũng là hệ quả từ công tác quản lý rừng, đất rừng quá lỏng lẻo trong nhiều năm của các địa phương, đơn vị. Hơn nữa, trong quá trình giao, nhận đất giữa các công ty lâm nghiệp với địa phương thì chỉ giao trên bản đồ chứ không giao thực địa nên mặc dù là giao đất rừng, nhưng thực chất đã là đất sản xuất nông nghiệp của người dân nhiều năm.
 
Để có cơ sở chứng minh là đất rừng do người dân khai phá, mua bán, sang nhượng trái phép thì căn cứ đầu tiên là biên bản xử phạt hành chính về hành vi này. Thế nhưng, căn cứ này hiện nay là gần như không có vì đơn vị quản lý rừng không phát hiện, xử lý kịp thời nên quá thời hạn xử lý hành chính.
 
Ông Trương Văn Hiển, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, để có căn cứ là đất phá rừng trái phép thì không khó, bởi vì qua các thời kỳ, giai đoạn, chúng ta đều có chụp ảnh vệ tinh về hiện trạng đất rừng, đất nông nghiệp. Cứ đem các ảnh chụp này đối chiếu với hiện trạng đất rừng hiện nay thì sẽ biết rừng bị phá vào giai đoạn nào.
 
Thế nhưng, vấn đề quan trọng hiện nay không phải là đi truy xét chuyện đã rồi mà là đưa ra giải pháp hữu hiệu để gỡ “nút thắt” trong cấp GCNQSDĐ. Nếu không làm được việc này thì không chỉ đến năm 2015 mà nhiều năm sau nữa, tiến độ cấp GCNQSDĐ của tỉnh cũng chỉ đạt mức trên dưới 50% diện tích đất thực tế mà người dân đang canh tác, sử dụng.
 
Hà An

Nguồn tin: Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây