Ai lợi từ sự độc quyền vàng?

Thứ hai - 29/04/2013 08:15 - Đã xem: 1084
Việc Nhà nước độc quyền nhập vàng về bán nhưng lại không kéo giảm được giá vàng trong nước so với thế giới là rất bất thường. Giá vàng trong nước thấp hơn thế giới đã vô tình “khuyến khích” buôn lậu vàng.
Rất nhiều phiên đấu thầu, hàng chục tấn vàng đã được bán ra nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng thế giới hơn 6 triệu đồng/lượng. Mục tiêu Nhà nước độc quyền về vàng để bình ổn giá vàng trong nước đã phá sản, chỉ có điều đơn vị nhập khẩu vàng  lời khủng. Trước thực tế phũ phàng này, những “kiến trúc sư” của kế hoạch bình ổn giá vàng này đã im hơi lặng tiếng.
 

Sự bất ổn của giá vàng nhưng trong nước đã quá rõ ràng nhưng những người có trách nhiệm vẫn chưa có ý kiến gì cụ thể. Càng khó hiểu hơn là đến nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan vẫn chưa có chính sách điều chỉnh thích hợp. Tình hình càng trầm trọng khi vàng được tiếp tục tung ra thị trường bán với giá cao. “Điều gì đang xảy ra? Ai được lợi trong sự bất cập này?” là điều người dân muốn biết và phải được biết.
 
Bạn đọc Nguyễn Hanh, ngán ngẩm: “Việc độc quyền thị trường vàng của NHNN đã không theo cơ chế thị trường và đi ngược với xu hướng thế giới. Ngày 3 - 4 - 2012, Nghị định 24/CP về quản lý thị trường vàng đã được ban hành thay thế Nghị định 174/CP (có hiệu lực từ ngày 25 - 5 - 2012). Gần 1 năm sau, thị trường vàng ngày càng đầy rẫy xáo trộn, bất ổn. Hãy giải thích cho người dân hiểu với”.
 
Người dân mua vàng tại Công ty SJC -TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh 
 
Nói thẳng vào sự bất cập này, bạn đọc Lê Văn Dốt, chỉ rõ: “Khi giá vàng thế giới sụt giảm sẽ là cơ hội tốt dể người dân lựa chọn mua vào, đó là quyền lợi chính đáng của người dân muốn dự trữ tài sản. Các nước như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc… người dân đang được hưởng lợi vì mua vàng giá rẻ. Còn ở Việt Nam thì sao? Có lẽ NHNN sợ người dân rút hết tiền tiết kiệm đi mua vàng chăng?”. Nhiều nhà kinh tế cũng đã lên tiếng: Không ở đâu có cách bình ổn giá vàng như ở Việt Nam: NHNN độc quyền nhập khẩu vàng, quyết định thương hiệu, ấn định giá bán, là người mua bán cuối cùng. Hậu quả đã rõ, tất cả là do chính sách, chủ trương sai lầm về độc quyền vàng miếng.

Một số nhà kinh tế cũng đã bày tỏ quan điểm trước thực trạng này và cũng nhiều ý kiến cho rằng có thể có lợi ích nhóm trong việc điều hành giá vàng.

Bạn đọc Văn Văn, bức xúc: Đây là một kiểu điều hành quản lý vàng hết sức phi lý của NHNN. Không có một quốc gia nào trên thế giới lại đi "bốc" một thương hiệu để biến thành độc quyền như ở Việt Nam. Các quốc gia đều luôn tôn trọng quy luật của thị trường, giá cả luôn có tính so sánh tiệm cận với thế giới. Đằng này NHNN trải qua một thời gian nắm giữ quyền điều hành trong tay nhưng giá càng ngày càng chênh lệch. Đó chính là kiểu điều hành phi thị trường. Người dân đã bị “tước” mất quyền tiếp cận giá vàng một cách bình đẳng như mọi công dân các nước khác. Chênh lệch giá vàng càng cao thì tất yếu buôn lậu sẽ tăng. Nói cách khác buôn lậu sẽ sinh sôi nảy nở một cách nhanh chóng ngay trong lòng chính sách bất cập”.
Độc quyền nhập khẩu, định thương hiệu vàng đã không bình ổn được thị trường vàng. Ảnh: Tấn Thạnh


Trước ý kiến của cơ quan chức năng là nhập khẩu độc quyền vàng đã ổn định được tỉ giá ngoại tệ, bạn đọc Thanh Bằng, cho rằng tỉ giá ổn định thời gian vừa qua là do kinh tế suy giảm, sản xuất giảm, nhu cầu nhập khẩu giảm (chúng ta còn xuất siêu) dẫn đến giảm nhu cầu ngoại tệ. Với cái cách đấu thầu vàng và giữ chênh lệch cao với giá thế giới như hiện nay đang làm cho buôn lậu vàng tăng mạnh và tỉ giá tăng mạnh.

Nhiều bạn đọc cho rằng nếu một chính sách kinh tế khi đưa ra áp dụng bị thất bại thì hãy thay đổi nó ngay, để càng lâu tác hại của nó gây ra cho nền kinh tế càng lớn. Trong bối cảnh NHNN lời khủng khiếp khi nhập vàng độc quyền thế như này mà không chịu thay đổi thì người dân có quyền nghi ngờ chính sách này được thực hiện không vì quyền lợi của số đông người dân.
 
 

“Mong thanh tra Chính phủ thanh tra đến nơi đến chốn việc quản lý thị trường vàng của NHNN và để cho SJC độc quyền thương hiệu vàng. Thương trường như chiến trường, phải để các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, không thể để riêng cho một cá nhân, một nhóm lợi ích nào đó độc quyền. Vàng có đúng là vàng hay không chính là dựa vào tuổi của nó chứ không phải vào bất cứ thương hiệu nào. Xóa bỏ ngay độc quyền là nguyện vọng chính đáng của người dân hiện nay” – bạn đọc Sao Mai.

“Vui lòng thanh tra giùm số tiền chênh lệch của NHNN trong đợt nhập vàng độc quyền thời gian qua và công bố cho người dân biết tiền này sử dụng vào mục đích gì và sử dụng ở đâu và ai là người có quyền quyết định sử dụng số tiền trên?” – bạn đọc Hồ Gia.
 
Phạm Hồ
 

VÀNG CẦN PHẢI HỌAT ĐỘNG THEO CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG
Mỗi quốc gia đều có điều kiện hòan cảnh khác nhau để có giải pháp để thực hiện trong việc quản lý tiền tệ, dịch vụ gửi vàng vào ngân hàng là cần thiết để bảo đảm an tòan vàng kể cả tính mạng của người dân, tránh xãy ra tình trạng trộm cướp tại nhà mà vừa qua có nhiều trường hợp xãy ra đối với các hộ dân. Đối với nước ta nhu cầu của người dân mua sắm vàng trang sức theo phong tục tập quán như lễ hỏi, cưới vv.. rất lớn. Cũng như nước Ấn độ nhu cầu mua sắm vàng của người dân rất lớn mỗi năm không biết bao nhiêu tấn vàng. Đã có nhiều quốc gia trên thế giới dự trữ vàng nhằm ổn định thị trường tiền tệ khi cần thiết, trong khi đó nước ta tiềm năng nguồn vàng trong nhân dân còn rất lớn, ước tính trên 500 tấn vàng, nhưng đến nay chưa được huy động vào các ngân hàng, đây là một sự lãng phí rất lớn trong xã hội, là nguồn tiền tệ cần thiết để góp phần phát triển kinh tế, đồng thời ổn định thị trường tiền tệ trong nước.

Theo ý kiến chỉ đạo của chính phủ, Ngân hàng nhà nước đã xây dựng đề án huy động vàng trong dân, đây là một chủ trương đúng đắn nhưng đến nay đề án vẫn chưa được triển khai thực hiện. Hiện nay thì NH Nhà nước ra Thông tư yêu cầu các NH thương mại dừng việc huy động và cho vay bằng vàng, do vậy người dân có nhu cầu không biết gửi vàng ở đâu, để tại nhà thì không yên tâm. NH Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và tiến hành kinh doanh vàng với vai trò người kiến tạo thị trường, mua bán cuối cùng. Từ 8 thương hiệu vàng miếng đang sản xuất, lưu thông trên thị trường, NH Nhà nước tuyên bố chỉ duy nhất SJC là thương hiệu vàng quốc gia. Mỗi khi giá vàng biến động, người dân đổ xô mua vàng làm một lượng tiền lớn chảy vào vàng nhưng không tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Không biết hiện nay Đề án huy động vàng theo chủ trương của Chính phủ có tiếp tục triển khai hay không? Được biết theo quy định của Ngân hàng nhà nước, nếu có dịch vụ gửi vàng thì buộc người gửi vàng phải nộp phí khi gửi vàng vào mà không áp dụng lãi suất khi gửi vàng, đây là điều bất hợp lý vì vàng cũng là một loại tiền tệ. Chúng ta chứng kiến trong thời gian vừa qua nhu cầu tiêu thụ sử dụng vàng trong dân rất lớn, các ngân hàng không có khả năng đáp ứng, vì vậy ngân hàng nhà nước phải bỏ ngoại tệ rất lớn để mua vàng từ nước ngoài, đáp ứng nhu cầu cho nhân dân, đồng thời ổn định thị trường tiền tệ trong nước. Do vậy việc thực hiện đề án huy động vàng là việc rất cần thiết, phù hợp với tình thực tế của nước ta hiện nay. Còn ngân hàng thương mại là đơn vị kinh doanh, Ngân hàng nhà nước nên cho phép kinh doanh vàng, họ được sử dụng vàng do người dân gửi vào phục vụ cho việc kinh doanh, nếu giá vàng lên xuống thất thường thì phải chịu rủi ro trong việc kinh doanh. Đề nghị ngân hàng nên quy định lãi suất tỷ lệ % hợp lý để khuyến khích thêm cho người dân gửi vàng vào ngân hàng, không nên để tại nhà là sự lãng phí trong xã hội, đồng thời đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng cho người dân.

MINH TRÍ


Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây