“Bảo lưu” quy định thu hồi đất thực hiện dự án kinh tế xã hội

Thứ năm - 18/04/2013 04:31 - Đã xem: 912
Thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự luật Đất đai sửa đổi tại phiên họp sáng nay 17.4, đa số Ủy viên Thường vụ Quốc hội tán thành đề xuất của cơ quan thẩm tra về việc giữ quy định thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội.



Thừa ủy quyền của Thủ tướng, sáng nay, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Minh Quang đã báo cáo TVQH việc tiếp thu ý kiến nhân dân góp ý về dự luật Đất đai (sửa đổi).

Với nội dung được nhiều người quan tâm là thu hồi đất, Bộ trưởng cho hay có gần 133 nghìn lượt ý kiến góp ý đề nghị áp dụng cơ chế Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất thay cho cơ chế thu hồi đất để thực hiện các dự án và cũng tương đương chừng đó lượt ý kiến đề nghị không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội (KTXH).

Về đề nghị không thực hiện thu hồi đất để phục vụ các dự án phát triển KTXH, Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường mặc dù ở phần tiếp thu giải trình cho biết cơ quan soạn thảo “xin tiếp thu và chỉnh lý vào dự thảo Luật theo hướng rà soát để chuyển các dự án phát triển KTXH mà trong đó có lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng vào nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”, song vẫn đưa ra 2 phương án để xin ý kiến của Ủy ban TVQH.
 
Theo đó, phương án thứ nhất là giữ như quy định dự thảo hiện hành và phương án thứ 2 là chỉnh lý theo hướng “Nhà nước không thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội. Đối với trường hợp dự án phát triển kinh tế, xã hội quan trọng có tính chất phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì đưa vào các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”.

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế đề nghị “bảo lưu” quy định của dự thảo về trường hợp thu hồi đất phục vụ các dự án KTXH. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, việc thu hồi đất để thực hiện Chiến lược phát triển KTXH như: các dự án, công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, các dự án, công trình quan trọng do Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới… thì Nhà nước phải thực hiện.

“Khi thu hồi đất để tạo quỹ đất sạch và thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua hình thức đấu giá, Nhà nước sẽ điều tiết được phần giá trị tăng thêm từ đất không phải do người sử dụng đất tạo ra, tạo nguồn thu để thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và của nhà đầu tư. Việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KTXH là thể chế hóa đúng tinh thần của Nghị quyết số 19 của BCH T.Ư”, ông Giàu lý giải.

Liên quan đến quy định sở hữu toàn dân về đất đai vốn còn nhiều ý kiến khác nhau, cả ban soạn thảo lẫn cơ quan thẩm tra đều đề nghị giữ lại như quy định của dự thảo Luật sửa đổi.

Theo ông Giàu, chế độ sở hữu toàn dân đối với đất đai đã được quy định tại Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp 1992. Đất đai là thành quả do công sức khai phá, bồi bổ của các thế hệ người Việt Nam, thành quả cách mạng của nhân dân ta. Việc tiếp tục quy định sở hữu toàn dân đối với đất đai nhằm đảm bảo ổn định trong quản lý và sử dụng đất đai, ổn định xã hội.

Dẫn thêm các quy định trong văn kiện ĐH XI của Đảng, Kết luận Hội nghị T.Ư 5 và Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Giàu cho hay “thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”.

Sáng nay, Ủy ban TVQH cũng thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự Luật này để trình ra QH tại kỳ họp tới.

Bảo Cầm
 

CẦN THỐNG NHẤT MỘT CƠ CHẾ THU HỒI ĐẤT TRONG LUẬT ĐẤT ĐAI SỬA ĐỔI ĐỂ THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN KINH TẾ XA HỘI
Trong luật Đất đai 2003 có 2 cơ chế thu hồi đất, cơ chế thứ nhất là do nhà nước đứng ra thu hồi đất, tiến hành giải phóng mặt bằng. Cơ chế thứ hai là doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân trong thu hồi đất, bồi thường. Trong khi đó muốn xây dựng các trường học tư thục từ mẫu giáo mầm non đến đại học, các trường dạy nghề tư nhân, làm bệnh viện tư, xây dựng các khu văn hóa trung tâm thể dục thể thao các Nhà đầu tư (doanh nghiệp tư nhân) phải tự thỏa thuận với người dân, nếu người dân không đồng thuận với mức đền bù thì đành chịu không thể nào triển khai dự án được, Nhà nước không thể cưỡng chế thu hồi đất giao cho nhà đầu tư, nếu thực hiện vi phạm luật. Đây chính là nguyên nhân vì sao chủ trương xã hội hóa tại rất nhiều địa phương vẫn chỉ nằm trên giấy. Thực tế sau bốn năm từ ngày Chính phủ ban hành Nghị định 69/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa (XHH) đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, những nội dung quan trọng của nó vẫn chưa đi vào cuộc sống. Trên thực tế, việc khuyến khích, ủng hộ chủ trương xã hội hóa tại rất nhiều địa phương vẫn chỉ nằm trên giấy, vì nhà nước không có đất sạch để giao cho nhà đầu tư. Đất đai hiện nay thuộc sở hữu tòan dân do nhà nước thống nhất quản lý, trong khi đó lại giao cho doanh nghiệp tư nhân tự thỏa thuận với người dân trong thu hồi đất, sau đó Nhà nước làm thủ tục giao đất hoặc cho thuê đất đối với các doanh nghiệp. Đây chính là điều bất cập trong cơ chế chính sách, dẫn đến người dân khiếu kiện đông người kéo dài trong những năm qua, đến nay cũng chưa được giải quyết dứt điểm, khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Hiện nay hàng năm các địa phương xây dựng giá đất phục vụ cho hai mục đích là giá đền bù cho thu hồi đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng của địa phương và cũng là giá khi nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất. Khi áp dụng cho đền bù thì người dân kêu là giá đền bù quá thấp phải theo giá thị trường, khi giao đất có thu tiền sử dụng đất cũng là giá đó, thì người dân cho rằng giá quá cao không có khả năng nộp đề nghị nhà nước xem xét miễn giảm. Chính vì vậy cũng là khó khăn hiện nay của các Nhà đầu tư trong xã hội hóa lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa.Về giá đền bù đây là vấn đề nhạy cảm người bị thu hồi đất thắc mắc khiếu nại rất nhiều , người dân không hiểu khi thu hồi đất có nhiều lọai đất khác nhau như đất khu dân cư , đất nông nghiệp , đất rừng sản xuất vv…do vậy giá đền bù các lọai đất khác nhau .Các địa phương cũng rất khó khăn trong việc vận động tuyên truyền với các hộ dân bị thu hồi đất để làm dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương; vì nếu dự án địa phương thu hồi theo quy định pháp luật thì áp giá đền bù theo giá đất hàng năm được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua , còn các dự án khác do các doanh nghiệp chủ đầu tư thì theo giá thỏa thuận với người dân , do đó trên khu vực đất gần nhau nhà nước thu hồi làm công trình công cộng thì giá thấp hơn do các tổ chức khác thỏa thuận , vì vậy các hộ thắc mắc . Qua các đơn khiếu nại về đất đai người dân đòi hỏi phải công bằng và đề nghị đền bù phải theo giá thị trường, tuy nhiên, làm thế nào để xác định được giá thị trường và làm thế nào để xác định "sát với giá thị trường" là điều không đơn giản , đây là vấn đề khó, chính vì vậy mấy năm qua các địa phương vấp phải không giải thích thuyết phục được với các hộ dân , liên tục gửi đơn vượt cấp. Đất đai hiện nay thuộc sở hữu tòan dân do nhà nước thống nhất quản lý , đồng tình quan điểm của Ủy Ban kinh tế của Quốc hội “Bảo lưu” quy định thu hồi đất thực hiện dự án kinh tế xã hội, do vậy cần thống nhất một cơ chế thu hồi đất nhà nước đứng ra thu hồi đất, tiến hành giải phóng mặt bằng.Chính phủ nên tiếp tục quy định khung giá đền bù chung cho cả nước, hoặc ủy quyền UBND các tỉnh ,thành phố trực thuộc trung ương xây dựng giá đất. Trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng vận dụng, xây dựng giá phù hợp với tình hình thực tế của địa phương sát với giá thị trường, trình hội đồng nhân dân tỉnh thông qua để triển khai thực hiện áp dụng thời gian từ 3 năm trở lên để mang tính ổn định lâu dài để triển khai một dự án lớn, nếu hàng năm phải điều chỉnh giá đất như hiện nay, thì người nhận đền bù trước sẽ khiếu kiện vì người nhận đền bù năm sau giá đền bù sẽ cao hơn năm trước. Nếu các địa phương không có nguồn kinh phí để giải phóng mặt bằng tạo qũy đất sạch, có thể cho phép các nhà đầu tư ứng trước kinh phí để giải phóng mặt bằng và được trừ vào tiền thuê đất theo quy định của luật đất đai, có như vậy mới thúc đẩy chủ trương xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, sớm đi vào cuộc sống.

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây