Chưa cho lập công ty xử lý nợ

Thứ bảy - 30/03/2013 22:27 - Đã xem: 1089
Đề án thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia để xử lý nợ xấu nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước đệ trình đã không được Thủ tướng thông qua, khi nhiều thành viên trong Chính phủ lo ngại và thiếu tin tưởng vào tính khả thi trong thực tế.

 Chưa cho lập công ty xử lý nợ
Công ty xử lý nợ xấu vẫn chưa thể thành lập khi Chính phủ còn lo ngại về tính khả thi - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Trong phiên họp báo thường kỳ Chính phủ (CP) tháng 3 chiều qua (29.3), Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng CP Vũ Đức Đam cho biết, cuộc họp lần này CP dành khá nhiều thời gian thảo luận về dự thảo Nghị định thành lập Công ty quản lý tài sản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình. Đây là một trong nhiều biện pháp, công cụ để giải quyết nhanh nợ xấu. Qua thảo luận, CP chỉ đạo NHNN làm việc với Bộ Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư làm rõ thêm một số vấn đề. Đề án được Bộ Chính trị thông qua về mặt nguyên tắc, tuy nhiên còn nhiều nội dung cụ thể chưa tạo được lòng tin ngay trong các thành viên CP khi công ty này ra đời thì liệu nợ xấu của doanh nghiệp (DN) có được giải quyết. “Dự thảo mới dừng ở mức xử lý nợ giữa các NH. Từ nay đến tháng 4 chưa thể thông qua được. Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN phải phối hợp với các bộ liên quan để nghiên cứu lại đề án”, ông Đam thông báo.

Quan trọng là giảm lãi suất cho vay

Về tình hình kinh tế, xã hội trong quý 1, theo Bộ trưởng Đam có những tín hiệu đáng mừng. Hiện lạm phát đã được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3.2013 giảm 0,19% so với tháng trước, là tháng có chỉ số giảm sau 7 tháng tăng liên tiếp. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng GDP quý 1 cao hơn cùng kỳ năm trước, ước tăng 4,89%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đã tăng trưởng tốt hơn. Ngoài ra, trong quý 1 có khoảng hơn 7.600 DN, chiếm 60% trong tổng số 13.000 DN gặp khó khăn đã quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, xen lẫn những tín hiệu không tốt, số lượng DN đăng ký mới tăng không nhiều, số DN lâm vào khó khăn, đình trệ sản xuất vẫn rất lớn.

Cũng theo ông Đam, vừa qua CP có nhiều giải pháp về thuế hỗ trợ DN, tuy nhiên trước kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới, các bộ ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất thêm các giải pháp giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế giá trị gia tăng. “Giải pháp phải làm sao vừa đảm bảo cân đối ngân sách, không để tăng thâm hụt, nhưng cơ bản nhất phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN”, ông Đam nói.

Về chính sách tiền tệ, theo Bộ trưởng Đam khi chỉ số CPI giảm là điều kiện để các NH tiếp tục giảm lãi suất, giảm chi phí vốn cho DN. Bởi nếu không, sẽ khó cạnh tranh khi các DN nước ngoài chỉ phải chịu lãi suất vốn 5-6%/năm, còn DN Việt Nam chịu mười mấy phần trăm, thậm chí có lúc 20%/năm. “CP chỉ đạo NHNN không chỉ có giải pháp cần thiết hạ lãi suất huy động đầu vào, mà điều quan trọng cuối cùng là giảm lãi suất cho vay ra đối với các DN”, Bộ trưởng Đam nói.

 

Người dân sẽ được mua nhà xã hội lãi suất 6%/năm

Trả lời Báo Thanh Niên về việc CP có chỉ đạo NHNN bổ sung vào Thông tư hướng dẫn hỗ trợ lãi suất 6%/năm cho người dân được mua nhà xã hội, bên cạnh hình thức thuê, thuê mua không, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, quan điểm của CP là phải sửa các quy định cần thiết để người dân được vay vốn mua nhà, chứ không phải chỉ vay vốn để thuê, thuê mua nhà. CP cũng đã nói rõ thời hạn hỗ trợ lãi suất cũng phải nên kéo dài ra.

Ngoài ra, CP yêu cầu NHNN có phương án cụ thể để đảm bảo lãi suất hỗ trợ tối đa ở mức đó (6%/năm - PV), sau đó có thể sẽ điều chỉnh, nhưng cố gắng theo hướng giảm xuống nữa và chắc chắn sẽ không vượt qua mặt bằng lãi suất trong tương lai để tạo điều kiện cho người nghèo

Anh Vũ

 

VIỆC XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA CÁC NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CÁC ĐƠN VỊ GÂY RA PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM.
Vừa qụa Đề án thành lập công ty quản lý tài sản quốc gia để xử lý nợ xấu nền kinh tế của Ngân hàng Nhà nước đệ trình đã không được Thủ tướng thông qua. Quyết định trên của Chính phủ rất đúng, bởi vì không thể có tình trạng khi các ngân hàng thương mại kinh doanh có lãi thì được hưởng toàn bộ, phân phối thu nhập cho các thành viên trong ngân hàng là cao nhất so với các ngành kinh tế khác, đến khi gây ra để lại nợ xấu không tự mình xử lý từ lãi có được trong quá trình kinh doanh hàng năm, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước đứng ra thành lập công ty để mua lại nợ xấu đây là điều hết sức vô lý, số nợ theo báo cáo trên 200 ngàn tỷ đồng của các ngân hàng, như vậy sẽ lấy từ nguồn nào để công ty mua lại nợ xấu? Đã là công ty của nhà nước thì nguồn vốn để hoạt động chắc chắn là từ nguồn ngân sách nhà nước, do vậy không thể chấp nhận được. Chúng ta nhận thấy trong những năm qua Ngân hàng nhà nước cho phép thành lập các ngân hàng thương mại quá dễ dãi, trong cả nước hàng lọat các ngân hàng thương mại mới ra đời tranh nhau tự quy định lãi suất cho riêng mình, bất chấp các quy định ràng buộc của ngân hàng nhà nước để huy động vốn cho ngân hàng mình, làm cho khách hàng không biết nên giao dịch với ngân hàng nào. Khách hàng thấy ngân hàng kia có huy động lãi suất cao hơn vội vàng rút tiền chuyển từ ngân hàng này đến ngân hàng kia, làm cho thị trường tiền tệ bị rối lọan. Đồng thời việc cho vay không đảm bảo thế chấp, không có phương án kinh doanh hiệu quả, lãi suất vay quá cao, doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ. Chính vì vậy đã để lại hệ lụy như ngày hôm nay. Để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trước tiên cần phải khắc phục những tồn tại trong thời gian qua. Nhà nước cần kiểm tra thống kê có bao nhiêu ngân hàng họat động không hiệu quả ,nợ xấu quá lớn. Đề nghị các đơn vị này chủ động liên hệ với các ngân hàng khác làm ăn có hiệu quả, nếu ngân hàng bạn đồng ý thì chủ động xây dựng phương án sáp nhập. Nhà nước cần quy định thời gian cụ thể nếu họ không thực hiện được ,thì thực hiện theo luật phá sản, vì ngân hàng thương mại thực chất cũng là doanh nghiệp . Còn các ngân hàng khác mặc dù hiện nay đang làm ăn có hiệu quả nhưng với quy mô quá nhỏ bé, cần khuyến khích họ liên doanh hay sáp nhập với ngân hàng khác để tạo thành một tập đòan tài chính ngân hàng với quy mô lớn họat động mạnh hơn, vững chắc hơn trong tương lai. Các ngân hàng thương mại sau khi tự nguyện sáp nhập, các khoản nợ xấu phải được xử lý từ nguồn lợi nhuận, trừ vào vốn của đơn vị mình và cho phép các NH thương mại sử dụng nguồn dự phòng rủi ro của từng khoản vay và nguồn dự phòng chung 0,75% để xóa nợ xấu.
MINH TRÍ

 

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây