Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Vùng biển chủ quyền của ta, bà con cứ đánh bắt”

Thứ năm - 18/04/2013 04:33 - Đã xem: 893
Nói chuyện với hàng trăm ngư dân chiều qua (15.4) ngay tại cảng cá Lý Sơn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: "Quốc gia nào cũng có chủ quyền. Do vậy vùng biển chủ quyền của ta thì bà con cô bác cứ đánh bắt".

Ngư dân “tố” tàu Trung Quốc

 

 
 
Quốc gia nào cũng có chủ quyền. Do vậy vùng biển chủ quyền của ta thì bà con cô bác cứ đánh bắt. Khi gặp thiên tai, địch họa, ngư dân nhanh chóng thông báo cho các cơ quan chức năng để có biện pháp can thiệp kịp thời, bảo vệ tính mạng và tài sản
 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

 

Báo cáo với Chủ tịch nước, ngư dân Nguyễn Quốc Chinh, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải (H.Lý Sơn, Quảng Ngãi), cho biết từ bao đời nay ngư dân Lý Sơn vẫn vươn khơi bám biển tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ngư trường này là nơi che chắn, bao bọc ngư dân mỗi khi có bão tố song trong những năm qua không những thiên tai mà nhân tai thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, tại ngư trường Hoàng Sa, việc tàu Trung Quốc bắt bớ, lấy tài sản khiến nhiều ngư dân lâm vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất.

Ngư dân Bùi Văn Phải, chủ tàu cá QNg 96382 TS, kể thời gian gần đây liên tục “đụng” tàu của phía Trung Quốc, ngang ngược rượt đuổi, tấn công khiến nhiều chuyến biển thua lỗ nặng. Mới đây nhất, ngày 20.3 tàu cá của ông bị tàu Trung Quốc bắn cháy ca bin... “Để vươn khơi bám biển an toàn, ngư dân Lý Sơn mong muốn nhà nước, Chính phủ cần có nhiều cơ chế, chính sách, trong đó hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp để sắm tàu, mua sắm ngư lưới cụ, đồng thời các cơ quan chức năng có biện pháp hữu hiệu bảo vệ ngư dân hành nghề hợp pháp ở vùng biển chủ quyền của Việt Nam”, ông Phải kiến nghị.

Theo ông Võ Xuân Huyện, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, ngư nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn của Lý Sơn. Số lượng tàu thuyền, nhất là tàu công suất lớn và sản lượng hải sản hằng năm đều tăng. Nhưng điều khiến ngư dân lo lắng mỗi khi ra khơi là việc nước ngoài đòi tiền chuộc, lấy tài sản liên tục xảy ra. Tính từ năm 2012 đến nay, cả huyện có 28 tàu cá bị nước ngoài đòi tiền chuộc, bắt giam giữ ngư dân, đập phá, lấy tài sản và ngăn cản không cho khai thác ở Hoàng Sa, gây thiệt hại gần 1,7 tỉ đồng. “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ riêng cho những ngư dân bị thiệt hại, mỗi tàu cá khoảng 50% vốn để ngư dân có thể kết hợp với các nguồn khác đóng mới lại tàu thuyền, mua sắm ngư cụ tiếp tục bám biển; đồng thời chỉ đạo lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư tiến hành tuần tra thường xuyên bảo vệ ngư dân yên tâm hành nghề”, ông Huyện đề nghị.

Biểu dương tinh thần kiên cường vươn khơi, bám biển của ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Chủ tịch nước khẳng định: “Quốc gia nào cũng có chủ quyền. Do vậy vùng biển chủ quyền của ta thì bà con cô bác cứ đánh bắt. Khi gặp thiên tai, địch họa, ngư dân nhanh chóng thông báo cho các cơ quan chức năng để có biện pháp can thiệp kịp thời, bảo vệ tính mạng và tài sản.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Vùng biển chủ quyền của ta, bà con cứ đánh bắt”
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà cho ngư dân Lý Sơn - Ảnh: Hiển Cừ

Chuyện quốc gia đại sự

Chủ tịch nước cho rằng, các cơ quan chức năng lúc nào cũng sẵn sàng hỗ trợ ngư dân khi gặp nạn trên biển. Tuy nhiên, hoạt động trên biển xa đòi hỏi tính cộng đồng càng cao. Do vậy ngư dân phải đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, cùng nhau chia sẻ lợi ích để tăng hiệu quả kinh tế trong đánh bắt. Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Sống bằng nghề biển thì chỉ có đánh bắt cá nhưng đánh bắt gần bờ lạm sát hải sản, nên cũng phải mức độ thôi. Phải tăng cường khai thác xa bờ. Sắp tới, nhà nước sẽ tiếp tục bổ sung nhiều chính sách, nhất là hoạt động đánh bắt xa bờ mang tính bền vững để phát triển kinh tế biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.   

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và huyện đảo Lý Sơn, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế biển. Theo Chủ tịch nước, sản lượng hải sản tăng, nhiều tàu thuyền công suất lớn chính là kết quả của tinh thần bám biển của ngư dân cũng như những chính sách hỗ trợ của nhà nước bước đầu phát huy hiệu quả. “Có chính sách tốt rồi nhưng cũng phải cần tiếp tục hoàn thiện. Nghề cá nằm trong Chiến lược biển Việt Nam, là chuyện quốc gia đại sự nên các bộ, ngành T.Ư liên quan cần rà soát các loại phí, thuế, trong đó quan trọng nhất là tổ chức lại hậu cần nghề cá nhằm giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân. Trước mắt cần triển khai thí điểm ở những tỉnh, huyện trọng điểm về nghề cá”, Chủ tịch nước lưu ý.

Chủ tịch nước cho rằng, chuyện “đụng” nhau trên biển không phải là vấn đề giải quyết một sớm một chiều mà cần phải có thời gian. Đây là chuyện cơ đồ, chuyện lâu dài. “Mỗi khi ngư dân gặp nhân tai trên biển, chính quyền huyện Lý Sơn cần xác minh thật kỹ nguyên nhân vụ việc, báo cáo kịp thời để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng T.Ư can thiệp”, Chủ tịch nước nói.

 

Truy tặng Huân chương Sao Vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng

Ngày 15.4, tại hội trường Huyện ủy Tiên Phước (Quảng Nam), lãnh đạo nhà nước cùng chính quyền tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức lễ truy tặng Huân chương Sao vàng cho cụ Huỳnh Thúc Kháng - nguyên quyền Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876  - 1947), tự Giới Sanh, hiệu là Mính Viên, sinh ra tại làng Thạnh Bình (nay là xã Tiên Cảnh). Cuộc đời cụ là một là tấm gương sáng ngời về truyền thống vượt khó, hiếu học, về nếp sống thanh cao, giản dị; không màng danh lợi, suốt một đời vì nước vì dân. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dù tuổi đã cao nhưng với lòng yêu nước nhiệt thành, cụ đã nhận lời mời của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra gánh vác việc nước...

Phát biểu tại buổi lễ hôm qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: “Là một sử gia, cụ đã để lại nhiều công trình giá trị, nhiều nguồn tư liệu quý về lịch sử nước nhà. Trong đó có những chứng cứ về chủ quyền lãnh thổ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam chúng ta. Suốt đời vì nước vì dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc...”.

Hoàng Sơn

Hiển Cừ
 

MUỐN BẢO VỆ TÍNH MẠNG TÀI SẢN NGƯ DÂN PHẢI CÓ LỰC LƯỢNG BẢO VỆ BỜ BIỂN NGĂN CHẶN CÁC TÀU VI PHẠM
Ngày 21/6 Quốc hội đã thông qua luật biển, Luật Biển Việt Nam là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng, bảo vệ chủ quyền, đặc biệt là tạo hành lang phát triển kinh tế biển. Thời gian vừa qua Trung quốc liên tục có những hành vi gây hấn trên vùng biển Đông thuộc chủ quyền nước ta, thậm chí bắn vào tàu cá của ngư dân nước ta khi bà con ngư dân đang đánh bắt hải sản.Việc làm trên của Trung quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, đây là hành động không thể chấp nhận được. Bộ ngoại giao nước ta đã nhiều lần lên tiếng phản đối nhưng Trung quốc vẫn cứ tiếp tục vi phạm. Để bảo vệ được chủ quyền biển đảo,vùng đặc quyền kinh tế của nước ta ,cần tổ chức lực lượng thường trực 24/24h, có trang thiết bị hiện đại để bảo vệ ngư dân yên tâm khai thác hải sản. Đề nghị các lực lượng Cảnh sát biển, Biên phòng tăng cường tuần tra, nếu phát hiện các tàu lạ các nước khác đến xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, cần thiết phải kiên quyết bắt giữ các tàu vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật Việt nam.
MINH TRÍ

 

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây