Đầu tư nguồn lực cho lĩnh vực thủy lợi: Vẫn còn nhiều bất cập

Thứ hai - 14/01/2013 19:56 - Đã xem: 921
Ðược xem là “huyết mạch” của ngành nông nghiệp, nhưng thực tế cho thấy, việc huy động nguồn lực đầu tư cho thủy lợi thời gian qua vẫn còn hạn chế, phát sinh nhiều bất cập trong quá trình triển khai xây dựng, quản lý các công trình.
Hồ Nhân Cơ ở thôn 3, xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) đang bị người dân lấn chiếm sử dụng
 
Vô tư lấn chiếm công trình
 
Tính đến nay, toàn tỉnh có 206 công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác, trong đó 203 hồ chứa và đập dâng, 2 trạm bơm và 1 kênh tiêu phục vụ tưới cho khoảng 30.767ha cây trồng các loại, đảm bảo tưới tiêu chủ động cho khoảng 55% tổng diện tích cây trồng toàn tỉnh. Thế nhưng, trong số công trình đó, đã có gần phân nửa hiện đang bị người dân vô tư lấn chiếm để sử dụng cho các mục đích  khác nhau. 
 
Theo Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Ðắk Nông thì hiện công ty đang quản lý 156 công trình thủy lợi, nhưng đã có 74 công trình bị người dân lấn chiếm hành lang bảo vệ hoặc khai thác mặt thoáng lòng hồ. Cụ thể như địa bàn huyện Ðắk Song có 14/21 công trình; Ðắk R’lấp có 15/18 công trình; Ðắk Glong có 15/22 công trình; Krông Nô có 5/11 công trình; Chư Jút có 9/9 công trình và thị xã Gia Nghĩa có 4/14 công trình đang bị người dân lấn chiếm, vi phạm hành lang bảo vệ. Ngoài ra, những công trình còn lại trên địa bàn tỉnh không thuộc diện quản lý của công ty, nhưng cũng rơi vào tình trạng tương tự.
 
Thực trạng lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi cũng như các tồn tại về khai thác mặt thoáng hồ chứa để nuôi trồng thủy sản như hiện nay đang là những trở ngại rất lớn trong công tác quản lý, bảo vệ, duy tu sửa chữa và vận hành các công trình thủy lợi. Chưa kể đến việc hành lang an toàn hồ đập bị lấn chiếm sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác ứng phó khi có sự cố xảy ra.
 
Trước thực trạng đó, công ty đã thông báo và chỉ đạo các chi nhánh trực thuộc làm việc với chính quyền các địa phương nhằm tìm hướng giải quyết, nhưng lại gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do phần lớn dự án hiện không còn hoặc thiếu hồ sơ công trình cũng như công tác đền bù trước đây chưa rõ ràng, thiếu tính minh bạch và tinh thần hợp tác của chính quyền, người dân còn hạn chế.
 
Cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước
 
Suy cho cùng, để  xảy ra những bất cập nêu trên, nguyên nhân sâu xa vẫn là do thời gian qua, công tác quản lý về mặt Nhà nước trong lĩnh vực này còn thiếu tính đồng bộ, chặt chẽ. Bên cạnh những thuận lợi thì việc phân cấp, phân quyền đầu tư xây dựng cơ bản về các địa phương thời gian qua cũng đang nảy sinh những bất cập trong năng lực quản lý, giám sát hoạt đồng đầu tư, xây dựng và vận hành.
 
Ngoài việc thiếu đầu tư về kinh phí, thì vẫn chưa có sự đầu tư đúng tầm về quy hoạch, con người khiến các công trình khi bàn giao đưa vào sử dụng ít được quan tâm. Ðơn cử như đến nay, quy hoạch tổng thể phát triển thủy lợi trên địa bàn tỉnh cũng chưa được xây dựng khiến các địa phương không có cơ sở để xây dựng quy hoạch chi tiết. Vì thế, việc đưa vào danh mục đầu tư cần ghi vốn hàng năm rất khó khăn.
 
Nhiều công trình mang tính cấp bách sau khi đầu tư lại thiếu tính đồng bộ hoặc chưa hợp lý vì công tác khảo sát, thiết kế sơ sài…Thậm chí, một số công trình hồ đập đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng lại chưa được đầu tư hệ thống kênh mương.
 
Theo Sở Nông nghiệp-PTNT, giai đoạn 2013-2020, danh mục công trình thủy lợi đầu tư mới và nâng cấp, sửa chữa là rất lớn với khoảng 251 công trình. Vì vậy, nếu không nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong quy trình rà soát, đánh giá thực trạng và có giải pháp khắc phục hiệu quả những bất cập thì rất dễ sẽ tiếp tục đi vào “vết xe đổ” của những công trình thủy lợi hiện nay.
 
Bên cạnh đó, cùng với việc quan tâm xem xét, bố trí nguồn vốn theo phương châm ưu tiên những công trình mang tính cấp thiết cao, tránh tình trạng đầu tư dàn trải thì cơ quan quản lý Nhà nước cần chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn tư vấn, nhà thầu thi công, công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ dự án.
 
Ngoài ra, các địa phương cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân trong việc chung tay bảo vệ, đóng góp nguồn lực xây dựng, sửa chữa các công trình thủy lợi.
 
Bài, ảnh: Đức Khôi

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây