Phải kiềm giá!

Thứ hai - 14/01/2013 19:23 - Đã xem: 1169
Phải dự báo và theo kịp diễn tiến của thị trường cả nước mới có thể bình ổn giá trong dịp Tết

Bình ổn giá một số hàng thực phẩm, như: thịt, trứng... rất có ý nghĩa cho người nghèo trong điều kiện khó khăn, nhất là Tết Nguyên đán năm nay, người lao động có mức thưởng khá khiêm tốn. Thế nhưng thực tế, giá cả những mặt hàng này trong những ngày cận Tết đã nhấp nhổm tăng.

Hàng dồi dào, giá vẫn tăng

Với thông tin về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Quý Tỵ 2013 và các giải pháp ổn định thị trường trên địa bàn do bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, báo cáo với đoàn công tác liên bộ Công Thương - Tài chính do Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa làm trưởng đoàn vào chiều 3-1 là rất phấn khởi.
 
Từ đầu quý IV, TPHCM đã chuẩn bị hàng hóa cung ứng, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Đến nay, TP đã thực hiện đạt hơn 80% kế hoạch, lượng hàng tăng 20%; nhiều mặt hàng thiết yếu như thịt, trứng gia cầm, đường, dầu ăn có số lượng chuẩn bị vượt hơn 50% nhu cầu thị trường.

Nguồn cung quá dồi dào như thế thì chắc chắn giá bán không thể tăng là đúng quy luật cung cầu của thị trường. Nhưng thị trường những ngày qua không chiều lòng người quản lý. Giá thịt, trứng đã tăng dần rồi giá trứng lên “cơn sốt”, người quản lý phải “sốt” theo. Phải họp đột xuất, phải kiểm tra xem doanh nghiệp có làm giá không…

TPHCM đã có nhiều biện pháp để bình ổn giá trứng gia cầm. Ảnh: TẤN THẠNH

Từ tháng 6-2012, Bộ NN-PTNT đưa ra cảnh báo: Nếu không có các cơ chế, chính sách, biện pháp kịp thời hỗ trợ các trang trại, hộ chăn nuôi heo, gà trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, giá cả bấp bênh thì nguy cơ thiếu thịt vào những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp cận Tết Nguyên đán, hoàn toàn có thể xảy ra.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi - Bộ NN-PTNT, cho biết: Người chăn nuôi gia cầm trong thời gian qua đã giảm đàn khoảng 30% do giá trứng thấp, thua lỗ. Bên cạnh đó, cuối năm 2012, chúng ta đã kiểm soát chặt gia cầm và trứng nhập lậu từ Trung Quốc nên lượng trứng nhập lậu từ Trung Quốc đã giảm đáng kể.
 
Giảm nguồn cung đột ngột nên ngay trong vòng 1 tuần đầu tháng 12-2012, trứng gà bán lẻ trên thị trường TPHCM tăng từ 2.100 - 2.200 đồng lên 2.600 - 2.800 đồng/trứng; trứng vịt tăng 400  - 600 đồng/trứng lên 3.200 - 3.400 đồng/trứng. Ngay từ giữa tháng 12-2012, heo, gà “chen nhau” ra Bắc, những ngày gần đây thì giá trứng gia cầm ở Hà Nội cũng tăng rất nhiều nên giá thịt, trứng gia cầm ở TPHCM tăng vọt là không có gì khó hiểu.

Mất cân đối

Bà Lê Ngọc Đào vẫn cho rằng hiện hoạt động chăn nuôi gia cầm tại các địa phương diễn ra bình thường. Lượng cung trứng gia cầm của các doanh nghiệp Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt, CP, Vietfarm ổn định; lượng trứng nhập về các hệ thống phân phối, siêu thị lớn tại TPHCM đều tăng. Nhưng thị trường là của cả nước, miền Bắc có cầu cao - cung thấp, giá tăng thì hàng đổ đến.
 
Tất nhiên, tại các chợ ở TPHCM, lượng hàng phải giảm, ắt giá phải tăng. Người nghèo phần lớn không vào siêu thị để mua, những điểm bán theo giá bình ổn không phải rộng khắp các chợ thì người buôn bán ở chợ sẽ vào siêu thị mua rồi bán lại. Chuyện này không phải mới, từng xảy ra với các mặt hàng dầu ăn, đường...

Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai cũng cho biết nguồn cung trứng trên thị trường rất dồi dào, bảo đảm  đầy đủ, ổn định đến sau Tết. Trong khi ông Nguyễn Đức Trọng lại cho biết ở miền Bắc từ nay đến Tết Nguyên đán, nguồn cung trứng sẽ chưa được cải thiện. Còn bà Nguyễn Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TPHCM, lại cho rằng trong thời gian qua, giá trứng gia cầm trên địa bàn TP có biến động tăng trong khi chi phí đầu vào không tăng. Do vậy, không đủ yếu tố để điều chỉnh tăng giá, đồng thời các doanh nghiệp cũng cam kết giữ giá ổn định trong thời gian trước Tết.

Nhưng mất cân đối cung cầu ở miền Bắc, giá bán ở hai miền chênh lệch thì giá ở TPHCM làm sao ổn định. Bán giá rẻ để người khác mua về bán lại kiếm lời, hay giá bình ổn với giá thị trường khá chênh lệch thì doanh nghiệp sẽ khó chấp nhận. Một chính sách thiết thực với người nghèo nhưng cơ quan chức năng quản lý với thông tin chưa đầy đủ, chưa dự báo được thị trường, không theo kịp diễn biến của thị trường, lại chủ quan thì sẽ khó bình ổn giá trong khi Tết đã cận kề.

“Xử” doanh nghiệp tăng giá bất hợp lý

Dự kiến, ngày 14-1, Sở Công Thương, Sở Tài chính và các sở, ngành tại TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương sẽ có buổi làm việc với Công ty CP và một số doanh nghiệp khác để làm rõ về việc tăng giá bán trong thời gian qua. Nếu việc tăng giá của các doanh nghiệp này hợp lý thì sẽ tiếp tục theo dõi; còn nếu tăng giá không hợp lý thì sẽ xử lý theo pháp luật.

BÙI VĂN TRƯỜNG (Giảng viên Trường ĐH Kinh tế TPHCM)

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây