Thống đốc phải chịu trách nhiệm về lạm phát

Thứ năm - 10/01/2013 21:20 - Đã xem: 982
Khẳng định việc xử lý nợ xấu trong năm 2013 là vấn đề cấp bách và nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh: “Ngân hàng phải là người xử lý nợ chủ yếu và đầu tiên. Xử lý nợ xấu trước hết trăm sự nhờ ngân hàng”.

Phát biểu tại Hội nghị ngành ngân hàng (NH) 2013 diễn ra sáng nay (9.1), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, trong năm 2013, các ngân hàng (NH) phải tập trung lại để giải quyết nợ xấu, đặc biệt các NH thương mại. Món nợ nào đưa được về công ty xử lý nợ phải đưa ngay, món nào trích lập dự phòng rủi ro được thì phải trích, xử lý để bán. Chính phủ, NHNN sẽ hỗ trợ bằng chính sách, cơ chế…

Tuy nhiên, Thủ tướng tái khẳng định: “Ngân sách không có tiền để xử lý nợ xấu. Nhà nước chỉ xử lý nợ xấu thông qua hỗ trợ chính sách, chẳng hạn như tái cấp vốn. Tóm lại, nợ xấu là do ngân hàng tự xử lý cùng doanh nghiệp (DN), không lấy tiền từ ngân sách ra”. Bên cạnh đó, việc xử lý cũng phải gắn với hàng tồn kho nên DN phải phối hợp với ngân hàng cùng làm.

Một nhiệm vụ quan trọng khác trong năm 2013 NHNN cần giải quyết, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải tập trung tái cơ cấu hệ thống theo hướng không để một NH nào yếu kém, không để một NH cổ phần lập ra công ty con, rút tiền ngân hàng, kê khống tài sản thế chấp.

“Đó là vi phạm pháp luật, lừa đảo, NH phải hoạt động theo đúng pháp luật và thông lệ quốc tế. Không được vi phạm pháp luật, rút tiền, lấy tiền xã hội để đầu tư cho mình. Tài sản thế chấp chỉ giá một đồng nhưng rút ra vài trăm đồng. Không có một đạo lý nào ở đất nước ngày chấp nhận như thế”, Thủ tướng kiên quyết nói và cho biết, Chính phủ chỉ đạo, nhắc nhở các cơ quan bảo vệ pháp luật không để tình hình này tiếp tục diễn ra. Mặt khác, NHNN phải rà soát lại những quy định, thể chế để không tạo ra những sơ hở trong hệ thống, nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng trở thành huyết mạch trong nền kinh tế.

Liên quan đến quản lý vàng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu NHNN bám sát mục tiêu ổn định vĩ mô, không để vàng tác động tới tỷ giá, lạm phát, và cơ cấu xuất nhập khẩu; không để vàng trở thành đồng tiền thứ 2 trong nền kinh tế. “Nhưng cũng đảm bảo nhu cầu vàng thiết yếu cho người dân. Đồng thời cũng phải tính toán lộ trình đưa vàng thành nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh có lợi cho quốc gia”, Thủ tướng nhấn mạnh.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Ngân hàng phải tập trung xử lý nợ xấu là chủ yếu" - Ảnh: Anh Vũ

Trước đó, Thủ tướng ghi nhận công lao của ngành NH trong năm 2012 khi đã kiểm soát tốt lạm phát ở mức 6,81% - thấp hơn mục tiêu đề ra, tỷ giá ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế thặng dư như cán cân thanh toán thặng dư hơn 8 tỉ USD, dự trữ ngoại tệ tăng hơn 10 tỉ USD, đảm bảo 12 tuần nhập khẩu, cán cân xuất nhập khẩu tạo thế cân bằng. “Lâu lắm rồi, dự trữ ngoại hối mới đạt kết quả thế này”, Thủ tướng vui mừng chia sẻ.

Trong năm 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tình hình thế giới còn nhiều bất ổn, trong nước vẫn chưa hết khó khăn. Sản xuất tiếp tục khó khăn, nợ xấu và tồn kho lớn là 2 đặc trưng nổi bật trong năm tới. Vì vậy, mục tiêu tổng quát mà Trung ương và Quốc hội đề ra tiếp tục tăng cường ổn định vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn, đảm bảo an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia.

Đối với riêng ngành NH, Thủ tướng yêu cầu toàn ngành phải đồng lòng, đồng thuận, lấy mục tiêu chung đất nước để phấn đấu.

“Tôi họp Chính phủ có nói trong mục tiêu kép lạm phát và tăng trưởng, trước hết, Thống đốc phải chịu trách nhiệm với Chính phủ về lạm phát. Lạm phát là tiền, tuy nhiên điều hành như nào để vừa kiểm soát lạm phát nhưng tăng trưởng cũng phải cao hơn. Nếu tăng trưởng thấp hơn 5% là thất nghiệp”, Thủ tướng chỉ đạo.

 

 

Năm 2013 tăng trưởng tín dụng 12%

Theo báo cáo của NHNN tại hội nghị, đến hết năm 2012, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,91%. Trong đó, tín dụng VND tăng 11,51%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 1,56% so với cuối năm 2011. Cụ thể, tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 8%, tín dụng xuất khẩu tăng 14%, tín dụng DN vừa và nhỏ tăng 6,15%. Dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích giảm và chiếm tỷ trọng khoảng 4% so với tổng dư nợ cho vay nền kinh tế.

NHNN đặt mục tiêu trong năm 2013 sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức 12% so với 2011, tiếp tục kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng các NH theo nhóm, và sẽ thông báo tới từng ngân hàng.


CHỐNG LẠM PHÁT NGÂN HÀNG SỚM XỬ LÝ NỢ XẤU HIỆN NAY
Không thể có tình trạng khi các ngân hàng thương mại kinh doanh có lãi thì được hưởng toàn bộ, phân phối thu nhập cho các thành viên trong ngân hàng là cao nhất so với các ngành kinh tế khác, đến khi gây ra để lại nợ xấu không tự mình xử lý từ lãi có được trong quá trình kinh doanh hàng năm, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước đứng ra thành lập công ty để mua lại nợ xấu. Đây là điều hết sức vô lý, số nợ theo báo cáo trên 200 ngàn tỷ đồng của các ngân hàng, như vậy nguồn vốn sẽ lấy từ đâu? không thể bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước được.
Chúng ta nhận thấy trong những năm qua Ngân hàng nhà nước cho phép thành lập các ngân hàng thương mại quá dễ dãi, trong cả nước hàng lọat các ngân hàng thương mại mới ra đời tranh nhau tự quy định lãi suất cho riêng mình, bất chấp các quy định ràng buộc của ngân hàng nhà nước để huy động vốn cho ngân hàng mình, làm cho khách hàng không biết nên giao dịch với ngân hàng nào. Khách hàng thấy ngân hàng kia có huy động lãi suất cao hơn vội vàng rút tiền chuyển từ ngân hàng này đến ngân hàng kia, làm cho thị trường tiền tệ bị rối loạn. Đồng thời việc cho vay không đảm bảo thế chấp, không có phương án kinh doanh hiệu quả, lãi suất vay quá cao, doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ. Chính vì vậy đã để lại hệ lụy như ngày hôm nay.
Để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, trước tiên cần phải khắc phục những tồn tại trong thời gian qua. Nhà nước cần kiểm tra thống kê có bao nhiêu ngân hàng hoạt động không hiệu quả ,nợ xấu quá lớn. Đề nghị các đơn vị này chủ động liên hệ với các ngân hàng khác làm ăn có hiệu quả, nếu ngân hàng bạn đồng ý thì chủ động xây dựng phương án sáp nhập. Nhà nước cần quy định thời gian cụ thể, nếu họ không thực hiện được thì thực hiện theo luật phá sản, vì ngân hàng thương mại thực chất cũng là doanh nghiệp.
Còn các ngân hàng khác mặc dù hiện nay đang làm ăn có hiệu quả nhưng với quy mô quá nhỏ bé, cần khuyến khích họ liên doanh hay sáp nhập với ngân hàng khác để tạo thành một tập đòan tài chính ngân hàng với quy mô lớn, họat động mạnh hơn, vững chắc hơn trong tương lai. Các ngân hàng thương mại sau khi tự nguyện sáp nhập, các khoản nợ xấu phải được xử lý từ nguồn lợi nhuận, trừ vào vốn của đơn vị mình và cho phép các NH thương mại sử dụng nguồn dự phòng rủi ro của từng khoản vay và nguồn dự phòng chung 0,75% để xóa nợ xấu.

 
 MINH TRÍ

Anh Vũ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây