Có thể bỏ trần lãi suất tiền gửi

Thứ tư - 09/01/2013 17:08 - Đã xem: 1149
Nếu lạm phát năm 2013 thấp hơn năm 2012 thì Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất phù hợp với lạm phát, xem xét gỡ bỏ trần lãi suất tiền gửi
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thông báo về hoạt động ngân hàng năm 2012 và nhiệm vụ của năm 2013.
 
Theo đó,  năm 2013, NHNN sẽ điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, đảm bảo kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với định hướng điều hành tổng phương tiện thanh toán, tín dụng, nhằm thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ.
 

Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét bỏ trần lãi suất khi thị trường tiền tệ ổn định
 
Cụ thể,  NHNN tiếp tục áp dụng trần lãi suất tiền gửi bằng VNĐ để ổn định mặt bằng lãi suất thị trường, nhưng sẽ xem xét bỏ trần lãi suất khi thị trường tiền tệ ổn định và thanh khoản của hệ thống ngân hàng (NH) thương mại  được cải thiện vững chắc. Trường hợp lạm phát của năm 2013 được kiểm soát ở mức thấp hơn năm 2012, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát.
 
Về giải pháp điều hành tín dụng, NHNN sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng năm 2013 khoảng 12% và sẽ linh hoạt điều chỉnh theo tình hình thực tế. Đặc biệt, NHNN sẽ không kiểm soát tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực không khuyến khích; tiếp tục cho phép các NH thương mại tự quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn để thanh toán ra nước ngoài tiền hàng nhập khẩu xăng dầu của các doanh nghiệp không có nguồn thu ngoại tệ và cho vay trong nước để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu đối với doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ, thực hiện đến hết năm 2013; phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành, hướng dẫn Quy chế cho vay mua nhà ở xã hội theo các đối tượng phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ....
 
Thy Thơ

 
NHNN CÓ THỂ BỎ TRẦN LÃI SUẤT TIỀN GỬI NHƯNG CẦN PHẢI ÁP DỤNG TRẦN LÃI SUẤT CHO VAY CHO TẤT CẢ CÁC DOANH NGHIỆP
Hiện nay hàng chục ngàn doanh nghiệp trong cả nước ta bị nợ nần chồng chất nợ thuế nhà nước, nợ lương công nhân, nợ phải thanh tóan trong hợp đồng đã ký kết vv.. Mặc dù vừa qua Ngân hàng nhà nước liên tục giảm lãi suất huy động xuống 8%/năm, nhưng thực tế các doanh nghiệp cũng rất khó khăn để tiếp cận được nguồn vốn vay. Không có vốn để họat động đã làm tình hình sản xuất bị ngưng trệ, người lao động bị mất công ăn việc làm ,đây là vấn đề trăn trở nổi lo cho các ngành các cấp có trách nhiệm. Có rất nhiều ý kiến, kiến nghị bỏ trần lãi suất huy động, thay vì áp trần lãi suất đầu vào, NHNN nên quy định trần lãi suất đầu ra, vừa đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền, vừa tạo điều kiện cho DN vay được vốn với lãi suất phù hợp. Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ khiến cho ngân hàng thực hiện chức năng cấp vốn cho nền kinh tế một cách chủ động hơn. Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ đồng nghĩa với việc tín dụng có nguồn để tăng trưởng, và là yếu tố hỗ trợ thanh khoản lên thị trường. Vì vậy ngay thời điểm này, việc bỏ trần lãi suất là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên cho đến nay Ngân hàng nhà nước không đồng tình quan điểm này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình vẫn tiếp tục khẳng định không quy định trần lãi suất cho vay. Điều này không nhận được sự đồng thuận của dư luận vì các chuyên gia kinh tế và ngay cả Bộ Tài chính đang thúc giục NHNN phải thiết lập cả trần lãi suất cho vay để hạn chế tình trạng NH “mua rẻ, bán đắt”, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) khi tiếp cận nguồn vốn vay.Thực tế tại thời điểm hiện nay các doanh nghiệp phải vay với mức lãi suất từ 17 đến 19 % /năm, qua đó chứng tỏ NHNN đang bảo vệ lợi ích của các ngân hàng thương mại chứ không vì lợi ích của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đang chờ sự quyết định đúng đắn, kịp thời, linh họat của Thống đốc NHNN bỏ trần lãi suất tiền gửi và áp dụng trần lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp, chứ không để ngân hàng thương mại tự thỏa thuận mức tỷ lệ vay được; có như vậy mới tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tránh việc các ngân hàng thương mại gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
MINH TRÍ
 

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây