Phiên giao dịch ngày 3-1, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vàng niêm yết quanh vùng 46,44 triệu đồng/lượng mua vào; 46,74 triệu đồng/lượng bán ra, giảm hơn 100.000 đồng/lượng so với đầu ngày và không thay đổi nhiều so với phiên trước đó. Cùng lúc, giá vàng thế giới sau khi không vượt qua được ngưỡng cản tâm lý 1.700 USD/ounce cũng giảm điểm về mức 1.685 USD/ounce.
Chờ giờ G
Trước đó, hôm 2-1, giá vàng thế giới chỉ tăng khoảng 10 USD/ounce (tương đương mức 250.000 đồng/lượng) nhưng giá trong nước nhảy vọt lên 360.000 đồng/lượng. Biến động không cùng nhịp khiến chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế lại dãn rộng lên mức 4,3 triệu đồng/lượng và kéo dài khoảng cách đến phiên hôm qua, 3-1.
Trên thị trường, dù khối lượng mua bán không nhiều nhưng giao dịch cũng khá hơn khi tâm lý chạy theo giá thế giới. Ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), cho biết khi giá thế giới tăng, giới đầu tư lo ngại còn tăng tiếp nên tăng mua vào. Đến ngày 3-1, thấy giá vàng thế giới không vượt qua ngưỡng cản 1.700 USD/ounce, giới đầu tư lại bán ra vì sợ giá giảm sâu...
Dù thị trường vàng có sôi động hơn trong những ngày đầu năm nhưng theo các công ty vàng, sắp tới, giá vàng trong nước sẽ rất khó đoán bởi không chỉ phụ thuộc vào giá thế giới mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách quản lý vàng. Đến nay, dù sát ngày 10-1, thời điểm áp dụng mạng lưới mua bán vàng miếng mới (thu hẹp từ hơn 12.000 DN chỉ còn 2.456 điểm giao dịch vàng miếng ở 63 tỉnh, TP trên cả nước) nhưng tâm lý DN vàng khá dè dặt bởi không biết phải làm gì. “Phải chờ sau mốc 10-1 một thời gian, khi thị trường “chạy” theo quy định mới, diễn biến tâm lý thị trường ra sao mới có thể phán đoán nhưng rất khó” - ông Tường nhận xét.
Quản lý kiểu “một mình một chợ”
Nghị định 24 quy định từ ngày 10-1, những đơn vị nào không đáp ứng đủ yêu cầu kinh doanh vàng miếng sẽ phải ngừng hoạt động mua bán sản phẩm này. Đến nay, theo Ngân hàng (NH) Nhà nước, chỉ có 17 tổ chức tín dụng và 14 DN đủ điều kiện mua bán vàng miếng với 2.456 điểm giao dịch ở 63 tỉnh, TP trên cả nước. Các điểm giao dịch phải niêm yết công khai giá mua bán vàng miếng.
Tuy nhiên, vấn đề thị trường lo ngại không phải chỉ là số điểm giao dịch vàng bị thu hẹp mà chính là thị trường ngầm mua bán vàng miếng có thể hình thành trái phép. Bởi, đa số điểm giao dịch của các NH thương mại, DN đều nằm ở khu vực trung tâm TP hoặc mỗi tỉnh chỉ có vài đơn vị, trong khi nhu cầu vàng từ người dân trải khắp từ nông thôn ra thành thị.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam (VGB), cho rằng sẽ khó tránh hiện tượng lách luật mua bán vàng tại các tiệm nhỏ lẻ. Chẳng hạn, tiệm vàng có thể giao tận nhà hoặc áp dụng biện pháp dùng tiệm cầm đồ, đổi nữ trang… để che mắt cơ quan quản lý khi mua bán vàng miếng. Với khách hàng có nhu cầu mua bán số lượng lớn, tiệm vàng có thể trao đổi tại NH thương mại mà không phạm luật...
Đáng lo ngại hơn, theo chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long, hệ lụy khi mạng lưới mua bán vàng miếng bị thu hẹp, không đáp ứng được nhu cầu của người dân là sẽ có một thị trường vàng ngầm, gây hỗn loạn mà NH Nhà nước khó lòng kiểm soát. Nhà nước cũng sẽ thất thu thuế từ các DN kinh doanh lén lút này.
“Tiện ích cho người dân nắm giữ vàng bị thu hẹp, đồng nghĩa với việc thu hút nguồn lực vàng từ người dân cũng khó hơn. Đã hội nhập thì không thể quản lý kiểu “một mình một chợ”, độc quyền như hiện nay” - PGS-TS Ngô Trí Long lo ngại.
Kẽ hở cho vàng nhẫn, vàng thỏi Nhiều chuyên gia am hiểu thị trường vàng lo ngại việc thu hẹp hoạt động kinh doanh vàng miếng nếu không được kiểm soát tốt rất có thể tạo kẽ hở cho vàng nhẫn, vàng thỏi các loại bùng phát, thay thế vàng miếng. Bởi khi giá vàng SJC chênh lệch quá cao so với giá thế giới, các loại vàng miếng khác, vàng nhẫn, vàng nguyên liệu có giá mềm hơn sẽ lên ngôi. Trong khi đó, các tiệm vàng kinh doanh với nhau chủ yếu bằng chữ tín nên dù vàng miếng có bị thu hẹp thị trường, họ vẫn mua bán bình thường mà Nhà nước càng khó kiểm soát. |