Mới thu phí ôtô, chưa thu xe gắn máy

Thứ sáu - 04/01/2013 03:39 - Đã xem: 1331
Ghi nhận của PV, ngày 2.1.2013, các trạm đăng kiểm trên địa bàn TPHCM, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai việc thu phí bảo trì đường bộ đối với xe ôtô tới kỳ đăng kiểm. Tuy nhiên, với xe gắn máy...
Chủ xe ôtô tự giác

Tại trạm đăng kiểm 50-04V nằm trên xa lộ Hà Nội (P.Hiệp Phú, Q.9, TPHCM) có khá đông xe tải, xe container vào đăng kiểm, nộp phí bảo trì đường bộ. Theo ông Nguyễn Xuân Hải - trạm trưởng - tính đến chiều 2.1, trạm đã tiến hành đăng kiểm và cấp giấy chứng nhận đóng phí bảo trì đường bộ được gần 100 đầu phương tiện. Nhìn chung, các DN vận tải chấp hành nghiêm việc đóng phí bảo trì đường bộ; việc thu phí thực hiện đúng quy trình và chưa xảy ra sự cố nào.

Tại Cần Thơ, ông Tống Hoàng Kha - Giám đốc Trung tâm Kiểm định kỹ thuật phương tiện, thiết bị giao thông thủy bộ (Sở GTVT TP.Cần Thơ) cho biết: Tính đến 16 giờ chiều 2.1, tại trung tâm đã thu phí bảo trì đường bộ được 67 xe ôtô các loại; trong đó có 52 xe đến kỳ kiểm định nên nộp phí luôn, còn 15 xe phải đến cuối năm 2013 hoặc đầu năm 2014 mới đến kỳ kiểm định, nhưng chủ phương tiện tự đến để nộp phí.

Ông Kha cho biết thêm, nhìn chung, việc nộp và thu phí đường bộ diễn ra khá suôn sẻ mặc dù phải đến ngày 29.12.2012, phần mềm thu phí mới được đơn vị cài đặt và đến chiều ngày 1.1.2013 mới tiến hành chạy thử. Sáng 2.1, tại Trung tâm 29.03S (Hà Nội), xe đến đăng kiểm đông hơn thường lệ. Ngoài những xe đến hạn đăng kiểm, nhiều người còn đến chỉ nộp phí bảo trì đường bộ.

Chủ xe 30Y-6280 cho biết: Chưa đầy 1 tiếng, xe mình đã được kiểm định và đóng phí xong. Mỗi tháng phải đóng thêm 180.000đ, tức là một năm sẽ mất thêm 2.160.000đ. Giờ đang chờ nhân viên dán tem lên xe. Tem đăng kiểm sẽ được dán song song với tem nộp phí sử dụng đường bộ ở góc cao bên trái của kính trước xe, ghi rõ thời hạn phải đăng kiểm và thời hạn phải nộp phí sử dụng đường bộ lần kế tiếp.

Đại diện Trung tâm đăng kiểm 29.03 S cho hay: Trong buổi sáng 2.1, trung tâm đã đăng kiểm và thu phí của 54 phương tiện. Tương tự, tại Trung tâm đăng kiểm 2901V cũng có 66 xe hoàn thành thủ tục; Trung tâm 2903V có 190 xe…

Sẽ giải quyết những vấn đề phát sinh

Mặc dù vẫn chấp nhận đóng phí, song nhiều DN vận tải tỏ ra không hài lòng với quy định thu phí đối với rơmoóc, sơmi rơmoóc. Ông Trần Đình Trung- Cty vận tải An Phúc Lộc (ngày 2.1 đến kỳ đăng kiểm một số phương tiện đầu kéo và rơmoóc)- cho biết, Nhà nước đã quy định thì DN vận tải phải chấp hành. Tuy nhiên, việc quy định vừa thu phí đối với xe đầu kéo lẫn rơmoóc, sơmi rơmoóc là hết sức vô lý, không phù hợp với thực tế. Bởi lẽ, rơmoóc, sơmi rơmoóc là một tổ hợp cơ khí đơn giản, không gắn động cơ và không thể tự hành trên đường bộ mà được kéo bằng ôtô, máy kéo.

Đối với xe ôtô đầu kéo được quy định phải nộp phí, vì vậy thu phí cả rơmoóc, sơmi rơmoóc khiến các chủ xe bị “thu phí kép” trên một phương tiện. Mặt khác, một số DN vận tải khác cũng cho rằng, việc thu phí bảo trì theo kỳ đăng kiểm giống như áp đặt DN vận tải, trong khi xe chưa hoạt động, chưa sử dụng dịch vụ và chưa có doanh thu thì lại bị ép nộp phí trước là chưa công bằng.

Riêng việc thu phí bảo trì đường bộ đối với phương tiện môtô gắn máy, hiện nay trên địa bàn TPHCM vẫn chưa triển khai thu phí. Bởi theo quy định, mức thu phí cụ thể do HĐND thành phố xem xét thông qua và UBND thành phố ban hành. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa đến kỳ họp HĐND nên các quận – huyện vẫn chưa có hướng dẫn và mức thu cụ thể như thế nào. Khi nào thành phố ban hành mức thu phí cụ thể, các địa phương sẽ triển khai thu phí luôn cho cả năm 2013.

Về việc có thể cho các đơn vị có nhiều xe không phải nộp thuế một lần quá lớn, ông Trịnh Ngọc Giao- Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN- cho biết: Những DN lớn, có số lượng đầu xe lớn thì phải bàn với trung tâm đăng kiểm ký hợp đồng riêng để thống nhất việc nộp phí theo tháng. DN phải tập trung xe vào một đơn vị, tránh tình trạng ký hợp đồng với trung tâm đăng kiểm này nhưng lại nộp phí tại một trung tâm khác. Thứ hai, DN phải chấp hành về mặt thời gian, không thể nay nộp vài xe, mai nộp vài xe.
     
Cũng theo ông Giao, hệ thống cơ quan đăng kiểm trên cả nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ xe, lái xe trong quá trình kiểm định và nộp phí sử dụng đường bộ. Trước mắt, trong tháng đầu tiên sẽ áp dụng hình thức thu phí bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Trong thời gian tới, sẽ trang bị các đầu đọc thẻ để chủ xe, lái xe có thể thanh toán qua thẻ một cách dễ dàng.

 
Ông Trịnh Ngọc Giao- Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam- cho biết, tính đến 12 giờ trưa ngày 2.1, trên 108 trung tâm đăng kiểm và chi nhánh đăng kiểm của cả nước đã có khoảng gần 4.000 xe ôtô hoàn tất việc đăng kiểm và đóng phí quỹ bảo trì đường bộ, với số tiền phí đường bộ thu được là hơn 7 tỉ đồng. Trong đó, Trung tâm 5007B ở TPHCM kiểm định và thu cao nhất trong buổi sáng với 107 xe, Trung tâm 2906b ở Hà Nội thu 80 xe, với số tiền hơn 80 triệu đồng.

Bích Liên

 

 

Nguồn tin: Lao Động Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây