Doanh nghiệp cần gì?

Thứ sáu - 04/01/2013 01:38 - Đã xem: 1205
Một trong 6 nhóm giải pháp trọng tâm Chính phủ sẽ thực hiện, theo thông điệp đầu năm của Thủ tướng, là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ thị trường. Đây là điều doanh nghiệp đang mong đợi

TS Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX TPHCM - Saigon Co.op, nhận định: “Năm 2013, nền kinh tế vẫn sẽ khó khăn bởi chịu tác động từ tình hình suy thoái của thị trường thế giới và thể trạng suy yếu của kinh tế trong nước kéo dài vài năm nay”.

Hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng

“Trước đây, nền kinh tế chỉ cần bắt nhịp những tín hiệu lạc quan và các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô từ Nhà nước là có thể phục hồi; còn năm nay, rất cần những hành động quyết liệt và cụ thể, thể hiện qua các giải pháp kích hoạt lại sức mua thị trường, làm giảm giá các yếu tố đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất - kinh doanh như giá điện, xăng” - ông Hòa nói.

Về việc tạo cầu, hỗ trợ sức mua thay vì thông qua các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) như những năm trước, theo các DN, nên bắt đầu bằng các chính sách miễn giảm trực tiếp giá bán cho người tiêu dùng, không chỉ trong tiêu dùng mua sắm thường ngày mà cả mua sắm những tài sản lớn, lâu dài. Chẳng hạn, hỗ trợ lãi suất cho người tiêu dùng có nhu cầu mua nhà; miễn, giảm thuế GTGT… Song song đó, cần có những giải pháp kích cầu, tạo điều kiện cho các DN mở rộng sản xuất - kinh doanh; ưu đãi DN đầu tư vào các lĩnh vực được ưu tiên như công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp nông thôn…

Giảm DN Nhà nước, soát xét hệ thống ngân hàng

Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, tái cơ cấu ngân hàng (NH) và DN Nhà nước để đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế là cần thiết. Vấn đề là Nhà nước phải kiên quyết thực hiện.

Hiện nhiều DN Nhà nước đang độc quyền, cạnh tranh không sòng phẳng, sử dụng nguồn lực lớn nhưng hiệu quả không cao. “Chỉ nên để lại một số DN Nhà nước thực sự cần thiết và cổ phần hóa (CPH) tất cả số DN Nhà nước còn lại. Tiếp tục đẩy mạnh CPH, cho tư nhân tham gia sâu vào các lĩnh vực độc quyền lâu nay.
Thịt heo bán bình ổn giá tại một cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Vissan
 
Đối với DN Nhà nước đã CPH nhưng hoạt động không hiệu quả, có thể bán tiếp hoặc bán hết cổ phần của Nhà nước để thu hồi vốn. Muốn làm được vậy, phải sớm sửa Nghị định 69 về xử lý nợ đọng và CPH DN Nhà nước. Từ khi nghị định ra đời (năm 2002) đến nay, do nhiều quy định không phù hợp với thực tế nên quá trình CPH DN Nhà nước đã chững lại” - ông Minh đề xuất. 
 
Về tái cấu trúc NH, các DN đề nghị nên tiến hành theo hướng tập trung quy mô và chuyên sâu: Giảm thiểu NH nhỏ lẻ, nâng quy mô các NH để tránh cạnh tranh lãi suất, tranh giành khách giữa các NH với nhau. Bên cạnh đó, phân công lại nhiệm vụ chính của từng NH, từ đó Nhà nước chủ động tập trung hỗ trợ vốn cho NH.
 
Theo ông Huỳnh Văn Minh, tình trạng cho vay đa ngành kéo dài lâu nay khiến các NH gặp nhiều vấn đề về thanh khoản, nợ xấu. Thời gian qua, tăng trưởng tín dụng thấp, quay vòng vốn chủ yếu là các NH cho vay lẫn nhau, mua trái phiếu Chính phủ chứ nguồn vốn từ NH đi vào sản xuất - kinh doanh khá ít. Ngoài ra, nên có đề án tái cơ cấu cụ thể, phổ biến rộng rãi cho các DN góp ý và tiếp thu ý kiến góp ý của DN để việc tái cơ cấu đạt hiệu quả.

Mấu chốt là khâu thực hiện

Từ đầu năm ngoái (ngày 4-1-2012), thông điệp của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Phải chuyển nhận thức, quyết tâm thành hành động và hành động quyết liệt để vượt qua sức ì của quá trình khởi động, đặt tiến trình phát triển của đất nước vào quỹ đạo mới - quỹ đạo phát triển bền vững”, trọng tâm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (được chi tiết hóa thành 5 điểm), cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng (tái cơ cấu các ngành sản xuất và dịch vụ; tái cơ cấu DN; điều chỉnh chiến lược thị trường).

Thông điệp năm mới 2013 (phát đi hôm 2-1) hẳn đã thấy tiến trình phát triển của đất nước đã chưa “vào quỹ đạo mới” nên phải thừa nhận năm 2012 là “một năm đầy khó khăn, thách thức”. Thủ tướng nhắc lại các giải pháp đã được đề ra mà trọng tâm là 6 giải pháp: Nâng cao chất lượng thể chế và khả năng phản ứng chính sách, tạo lập niềm tin cho thị trường; điều hành chính sách tiền tệ theo tín hiệu thị trường và theo lạm phát mục tiêu - kết hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh và hỗ trợ thị trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đề cao trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ; đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Các giải pháp định hướng trên chứng tỏ Chính phủ đã nhận ra khó khăn, thách thức và có hướng đi đúng (hướng đầu năm 2012 cũng vậy). Quan trọng là thực hiện ra sao.

Sự nhấn mạnh vị trí hàng đầu của việc nâng cao chất lượng thể chế, tính linh hoạt chính sách và tạo niềm tin cho thị trường là rất quan trọng.

Không có sự tái cơ cấu nào là không đau đớn. Phải chấp nhận điều đó và không nên cứu, khoanh nợ cho các DN cần “mai táng” nhanh để làm sạch thị trường thay cho việc kéo dài sự lay lắt, gây lãng phí nguồn lực, nhất là trong giải quyết nợ xấu và bất động sản.

Một điểm đáng ghi nhận của thông điệp là đã nhận ra Nhà nước không làm được mọi việc, khi nhấn mạnh rằng “các giải pháp chính sách tuy rất quan trọng nhưng cũng chỉ có tác động hỗ trợ, sự chủ động của các DN là yếu tố quyết định”.

Vấn đề mấu chốt là thực hiện. Nói thì dễ, còn làm mới khó. Mọi người, mọi DN hãy tự lo cho chính mình và hy vọng Chính phủ làm tốt việc của Chính phủ.
TS Nguyễn Quang A
THANH NHÂN

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây