Thủ đoạn “lách trần” của ngân hàng

Thứ sáu - 04/01/2013 21:52 - Đã xem: 1228
Những nỗ lực hạ lãi suất đang vướng phải rào cản lớn khi các ngân hàng tung ra hàng loạt thủ đoạn lách trần lãi suất tiền gửi.

Đủ kiểu lách lãi suất

Nam, nhân viên ngân hàng (NH) cổ phần A. có trụ sở tại TP.HCM, cho biết dù quy định hiện hành gửi tiền dưới 1 năm chỉ được hưởng lãi suất (LS) tối đa 8%/năm, nhưng để huy động được vốn, NH chấp nhận “cộng thêm 2 chấm 2” cho khách hàng. Phần chênh lệch này được NH trả trực tiếp bằng tiền mặt, khách hàng nhận ngay khi làm sổ không phải đợi đến cuối kỳ.

 


Ngân hàng vẫn đang âm thầm chi thêm tiền cho khách hàng để lách trần huy động - Ảnh: Ngọc Thắng

Trong khi đó, NH V. có trụ sở tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng sẵn lòng trả khách hàng mức lãi 11%/năm. Một cán bộ NH V., tên T.H, khẳng định 11%/năm hiện nay đang là mức “kịch kim” trên thị trường. Thế nhưng, nhân viên của NH M., cũng tại Hà Nội, khẳng định với khoản tiền gửi 5 tỉ đồng/khách có thể được trả 11,5%/năm. “Mức này của bên em mới là kịch kim”, cô này nói.

 

 
 

Anh yếu lách trần, anh khỏe sợ hút hết vốn, mất khách nên cũng phải đua theo. Nếu không xử lý được các NH huy động đầu vào cao thì làm sao giảm được LS cho vay. NHNN phải làm cho thị trường lành mạnh, xử lý ngay các NH lách trần, sắp xếp lập tức các anh yếu kém không để châm ngòi cuộc đua

 

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm

 

Một số NH lại lợi dụng cả việc được phát hành trái phiếu để lách trần. Vẫn cán bộ tên T.H của NH cổ phần V. cho biết, “sếp” của NH này chỉ đạo các nhân viên sẵn sàng trả cho khách hàng phần LS hưởng thêm 3%/năm, kỳ hạn 1 tháng, 2 hay 3 tháng, nhưng khách nhận bằng trái phiếu do NH phát hành. T.H dẫn ví dụ để giải thích: Khách hàng có 10 tỉ đồng, NH sẽ làm sổ tiết kiệm 3 tỉ đồng với trần LS quy định là 8%/năm, 7 tỉ đồng còn lại khách hàng mua trái phiếu. Phần lãi chênh lệch 3%/năm của 10 tỉ đồng, được trả trọn gói vào LS trái phiếu phát hành vào cuối kỳ đáo hạn. “Thực ra nghĩ thì hơi phức tạp, nhưng làm rồi thì nhiều người thích vì lãi được nhiều hơn các NH trả trực tiếp. Bọn em phải làm vậy để NHNN đỡ gây khó dễ thôi”, nhân viên này nói và khẳng định khác với trái phiếu DN, trái phiếu của NH được đóng dấu cam kết sẽ mua lại, nên khách hàng không có gì phải đắn đo, suy nghĩ.

Lãi vay khó hạ

Trao đổi với PV Thanh Niên, một lãnh đạo Vụ Tín dụng của NHNN cho biết theo quy định hiện hành, khi phát hành trái phiếu các NH phải xin phép cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN, phát hành lượng tiền bao nhiêu, nhằm vào mục đích gì. LS huy động được ấn định nhưng đảm bảo ở mức phù hợp với LS thị trường, nếu không đủ hấp dẫn khách hàng sẽ không mua. Năm 2012, chỉ có một số NH được phát hành trái phiếu, số lượng không nhiều. Trong khi đó, nhận định về thủ đoạn lách trần này, nguyên Thống đốc NHNN Cao Sĩ Kiêm nói trái phiếu là công cụ để các nhà băng huy động vốn, nhưng việc lợi dụng quá dễ dàng do cơ quan quản lý nhà nước đã lơ là trong kiểm tra, giám sát.

Tuy nhiên, vấn đề hệ trọng hơn cả, theo TS Cao Sĩ Kiêm, việc lách trần hiện nay đang khiến lộ trình giảm LS cho vay càng trở nên khó khăn, dù lạm phát 2012 chỉ ở mức 6,81% và năm 2013 Chính phủ quyết tâm giữ lạm phát ở mức thấp hơn, rất thuận lợi cho việc giảm LS đầu ra. Theo TS Kiêm, khoảng cách giữa LS huy động và cho vay còn quá xa, người gửi tiền đã chấp nhận chịu thiệt vì trần huy động giảm nhưng lãi vay thì vẫn cao. Nguyên nhân, một số NH lách trần huy động LS tiền gửi khiến cho chi phí tăng, bên cạnh đó nợ xấu và trình độ quản trị yếu kém, bộ máy cồng kềnh khiến chi phí của các NH bị đội lên quá nhiều. “Các nhà băng yếu vẫn đang ngày đêm rình rập chạy ra thị trường 1 (thị trường dân cư) để huy động vốn. Bởi số nhà băng này không có tài sản thế chấp, không đủ hệ số tín nhiệm để được vay trên thị trường 2 (thị trường liên NH). Anh yếu lách trần, anh khỏe sợ hút hết vốn, mất khách nên cũng phải đua theo. Nếu không xử lý được các NH huy động đầu vào cao thì làm sao giảm được LS cho vay. NHNN phải làm cho thị trường lành mạnh, xử lý ngay các NH lách trần, sắp xếp lập tức các anh yếu kém không để châm ngòi cuộc đua”, TS Kiêm đề xuất.

 

Tăng trưởng tín dụng 2013 có thể ở mức 8-9%

Một lãnh đạo Vụ Tín dụng của NHNN cho biết năm nay cơ quan này vẫn tiếp tục kiểm soát tổng mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế, ở mức khoảng 8-9%, cao hơn so với 2012 (gần 7%). Việc có tiếp tục chia hệ thống NH thành 4 nhóm như năm ngoái để phân hạn mức tín dụng hay không cũng đang được xem xét.




ĐÃ ĐẾN THỜI ĐIỂM NHNN SỚM ÁP DỤNG TRẦN LÃI SUẤT CHO VAY CHO TẤT CẢ CÁC DOANH NGHIỆP
Hiện nay hàng chục ngàn doanh nghiệp trong cả nước ta bị nợ nần chồng chất nợ thuế nhà nước, nợ lương công nhân, nợ phải thanh tóan trong hợp đồng đã ký kết vv.. Mặc dù vừa qua Ngân hàng nhà nước liên tục giảm lãi suất huy động xuống 8%/năm, nhưng thực tế các doanh nghiệp cũng rất khó khăn để tiếp cận được nguồn vốn vay. Không có vốn để họat động đã làm tình hình sản xuất bị ngưng trệ, người lao động bị mất công ăn việc làm ,đây là vấn đề trăn trở, nỗi lo cho các ngành các cấp có trách nhiệm. Có rất nhiều ý kiến, kiến nghị bỏ trần lãi suất huy động, thay vì áp trần lãi suất đầu vào, NHNN nên quy định trần lãi suất đầu ra, vừa đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền, vừa tạo điều kiện cho DN vay được vốn với lãi suất phù hợp.
Ông Tống Minh Tuấn - Trưởng bộ phận phân tích, công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) nhận định: "Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ khiến cho ngân hàng thực hiện chức năng cấp vốn cho nền kinh tế một cách chủ động hơn. Việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ đồng nghĩa với việc tín dụng có nguồn để tăng trưởng, và là yếu tố hỗ trợ thanh khoản lên thị trường". Vì vậy, theo ông Tuấn, ngay thời điểm này, việc bỏ trần lãi suất là hoàn toàn hợp lý, tuy nhiên cho đến nay Ngân hàng nhà nước không đồng tình quan điểm này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình vẫn tiếp tục khẳng định không quy định trần lãi suất cho vay. Điều này không nhận được sự đồng thuận của dư luận vì các chuyên gia kinh tế và ngay cả Bộ Tài chính đang thúc giục NHNN phải thiết lập cả trần lãi suất cho vay để hạn chế tình trạng NH “mua rẻ, bán đắt”, gây khó khăn cho doanh nghiệp (DN) khi tiếp cận nguồn vốn vay. Thực tế tại thời điểm hiện nay các doanh nghiệp phải vay với mức lãi suất từ 17 đến 19 % /năm, qua đó chứng tỏ NHNN đang bảo vệ lợi ích của các ngân hàng thương mại chứ không vì lợi ích của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp đang chờ sự quyết định đúng đắn, kịp thời, linh họat của Thống đốc NHNN.
MINH TRÍ
Anh Vũ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây