Rất cần có sự đầu tư đồng bộ để phát triển bền vững ngành nông nghiệp

Thứ sáu - 04/01/2013 21:16 - Đã xem: 960
Trong năm 2012, ngành nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn với 56% và tiếp tục khẳng định vị trí quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, tỉnh vẫn chưa có sự đầu tư đúng tầm về nhiều mặt cho lĩnh vực này. Chỉ đơn cử, thời gian qua, nhiều địa phương đã chú trọng đầu tư vào những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nhưng đều gặp khó khăn chung về nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng.
Cây sắn là một trong những loại cây trồng phá vỡ quy hoạch về diện tích. Ảnh: Ngọc Tâm

Nhiều mô hình được triển khai, nhưng chưa có hệ thống điện lưới, công trình thủy lợi, giao thông đi lại khó khăn đã là bước cản lớn trong quá trình phát triển. Chưa kể đến một “điệp khúc” mà hầu như năm nào cũng được nhắc đến đó là tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” do còn lệ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, nhất là khí hậu, thời tiết. Chỉ cần một cơn mưa trái mùa, hay sự “đỏng đảnh” của thời tiết là người nông dân lại chịu một năm mất mùa do năng suất thấp.
 
Nói gì thì nói, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo, liên quan đến gần 80% dân số của tỉnh. Vì thế, để nâng cao mặt bằng thu nhập cho đại bộ phận người dân, thúc đẩy xóa đói giảm nghèo thì con đường ngắn và hiệu quả nhất vẫn là đầu tư đúng tầm cho ngành nông nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, một thực trạng là cơ cấu các loại cây trồng luôn đặt trong tình trạng cảnh báo “vỡ quy hoạch” do nông dân vẫn đang sản xuất theo kiểu phong trào, chạy theo thị trường mà chưa có định hướng phát triển chiến lược.
 
Chưa nói đến, một số bài học nhãn tiền trong vấn đề này đã khiến nhiều nông dân điêu đứng như phát triển ồ ạt cây điều, cây chanh dây, cây sắn… thời gian vừa qua. Khảo sát mới đây còn cho thấy, diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh hiện là 306.749 ha, vượt 150% so với quy hoạch, nhất là các loại cây trồng như cà phê, tiêu, cao su…
 
Suy cho cùng, để xảy ra vấn đề trên trước hết một phần là do vai trò của Nhà nước tham gia vào công tác định hướng còn hạn chế. Ðiều đáng nói là ai cũng biết  chuyện giá cả tăng, người nông dân sẽ mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch là chuyện “lợi bất cập hại”, nhưng, quản lý đến đâu, bằng biện pháp nào thì vẫn chưa làm được.
 
Có thể nói, những vấn đề trên sẽ được khắc phục nếu có sự can thiệp đúng mức như đầu tư nhân lực về khoa học ứng dụng, tăng cường công tác dự báo, quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch vùng, loại cây trồng để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Vì vậy, đã đến lúc, tỉnh cần phải can thiệp mạnh mẽ vào ngành nông nghiệp như xây dựng lộ trình tiến đến hình thành những tổ chức chuyên ngành dạng trung tâm hay viện nghiên cứu chuyên đề về nông nghiệp để có sự nghiên cứu mang tính chiều sâu về hệ thống cơ chế, chính sách, hành lang pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước cũng như nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo, cập nhật kịp thời, đầy đủ những thông tin nông vụ cần thiết cho nông dân…
 
Ðối với công tác quản lý quy hoạch, nếu xây dựng được một hệ thống cơ chế, chính sách chặt chẽ, phù hợp thì sẽ hạn chế được tình trạng ”vỡ quy hoạch”. Ví dụ như trên cơ sở quy hoạch vùng, diện tích các loại cây trồng đã công bố, nếu hộ dân nào tự ý mở rộng diện tích nằm ngoài quy hoạch chung đó, Nhà nước sẽ can thiệp bằng việc không tạo cơ chế cho tiếp cận vốn vay ưu đãi đầu tư sản xuất, không được hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật, thủy nông cũng như khi gặp rủi ro về giá cả, mất mùa do thiên tai…
 
Nếu làm được điều này, một mặt sẽ hạn chế được tình trạng “vỡ quy hoạch”, mặt khác sẽ tập trung quan tâm cho những diện tích cây trồng nằm trong quy hoạch, khuyến khích người dân làm nông nghiệp theo một cơ chế phối hợp chặt chẽ, mang tính bền vững.
 
Bên cạnh đó, ngoài việc tiếp tục đầu tư đồng bộ cho hạ tầng nông nghiệp, tỉnh cũng nên quan tâm đến việc tái cấu trúc loại hình kinh tế tập thể như hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp. Bởi vì, những mô hình kinh tế này là tổ chức của mối liên kết tự nguyện của nông dân có cùng sở thích, chí hướng.
 
Khi Nhà nước giúp đỡ trong việc xây dựng thương hiệu, định hướng phát triển đúng sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững. Từ đây, nông dân sẽ dần làm chủ được khoa học kỹ thuật, thị trường đầu ra và quan tâm đầu tư cho nông nghiệp theo hướng chiều sâu, mang tính bền vững.
 
Hà An

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây