Cách đây gần 10 năm, khi quyết định trồng hồ tiêu, ông Lê Hữu Dũng ở xã Đăk N’Drung, huyện Đăk Song chọn cách trồng tiêu trên trụ sống. Vào thời điểm đó, cách trồng hồ tiêu trên trụ sống của ông Dũng còn khá xa lạ. Nhiều người vẫn hoài nghi về hiệu quả kinh tế mà trụ sống mang lại. Thực tế cho thấy, trồng tiêu trên cây trụ chết trong điều kiện không che bóng có thể đạt được năng suất cao, nhưng kèm theo đó là sự suy kiệt nhanh chóng do ra hoa quả quá độ và sự bùng phát của nhiều loại bệnh nguy hiểm. Vào thời điểm khi không ít vườn tiêu trên địa bàn xã đang bị bệnh chết nhanh, chết chậm tấn công thì vườn tiêu của ông Dũng vẫn xanh mướt.
Các loại trụ sống phổ biến mà người trồng tiêu áp dụng là hông, keo, lồng mức, gòn… được trồng bằng cành hoạc ươm bằng hạt. Mỗi loại cây dùng làm trụ sống cho tiêu đều có công dụng và thế mạnh riêng. Theo đánh giá của nhiều nông dân, keo là loại cây có ưu thế hơn cả vì lá của cây này nhỏ vừa có khả năng che mát nhưng vẫn có tán xạ đủ ánh sáng cho tiêu quang hợp. Bên cạnh đó, keo là cây họ đậu nên nó không cạnh tranh đạm với cây tiêu và có ưu điểm lớn rất nhanh và có tuổi thọ cao. Để đảm bảo vườn tiêu trồng trên cây trụ sống sinh trưởng tốt, đồng đều, cho năng suất cao, người trồng tiêu cần phải chú ý tới các biện pháp kỹ thuật về thời gian trồng, khoảng cách trồng giữa cây hồ tiêu và cây trụ sống.
Theo nghiên cứu của Viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, trồng tiêu trên cây trụ sống là kiểu canh tác bền vững, hạn chế được các bệnh nguy hiểm và có thể giảm bớt chi phí đầu tư ban đầu. Mặt khác, phần lớn người có nhu cầu trồng tiêu đều thiếu trụ gỗ, vì để trồng được 1 ha tiêu, người ta phải phá mất 4 -5 ha rừng. Việc mở rộng diện tích, thâm canh hồ tiêu theo hướng bền vững được ngành Nông nghiệp khuyến cáo đối với nông dân là cần chú trọng các giải pháp giống, ưu tiên trồng trên trụ sống, hạn chế gỗ rừng; thực hiện các giải pháp tổng hợp nâng cao trình độ đồng đều và chất lượng hạt tiêu.
Toàn tỉnh hiện có hơn 8.300 ha hồ tiêu. Việc trồng tiêu trên trụ sống không những không làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây tiêu mà còn góp phần làm giảm tình trạng chặt phá cây rừng làm trụ tiêu. Đây cũng là hướng canh tác an toàn trước tình trạng ồ ạt trồng tiêu và dịch bệnh trên hồ tiêu thường xuyên xuất hiện như hiện nay.
Bảo Ngọc – Chấn Hưng
Nguồn tin: Đài PT-TH Đăk Nông
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...