Dự án mở rộng QL1: 13 km làm 5 năm chưa xong !

Thứ ba - 25/06/2013 10:45 - Đã xem: 1155
Phát biểu tại lễ khởi công dự án QL1 mở rộng đoạn qua Quảng Trị sáng 23.6 do Tập đoàn Trường Thịnh liên danh với Tổng công ty xây dựng Trường Sơn làm chủ đầu tư, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhở Bộ GTVT và chủ đầu tư về tình trạng chậm trễ của nhiều dự án.

“Các đồng chí nên kiểm điểm xem vì sao đoạn BOT QL1 qua Đông Hà, Quảng Trị dài hơn 12 km làm 5 năm không xong. Trong chất vấn Quốc hội, anh Phạm Đức Châu có hỏi tôi: đồng chí cho biết ở quê tôi có đoạn đường dài hơn 12 km làm 5 năm không xong, vậy thì 1.800 km làm đến năm 2016 có xong không? Tại đây chúng ta cũng làm BOT thêm 15 km nữa, rút ra bài học kinh nghiệm nào để tổ chức thành công 15 km này và 12 km trước kia. Đây là câu hỏi thuộc về trách nhiệm của chúng ta trước nhân dân, lời hứa trước Đảng và Nhà nước”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

 

 

Phải rút kinh nghiệm tổ chức thi công quyết liệt, làm vượt thời gian. Không làm theo kiểu sáng xách ô đi tối ô về, vài ba người làm lục cục

 

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

 

Khởi công rầm rộ, triển khai lưa thưa

Trên thực tế, đã có 16/17 đoạn tuyến mở rộng QL1 theo hình thức BOT được khởi công với mục tiêu tới năm 2016 cơ bản hoàn thành mở rộng đoạn Hà Nội - Cần Thơ. Tuy nhiên, các lễ khởi công chưa dứt thì bài toán tiến độ lại đang được đặt ra, khi một số chủ đầu tư đang bộc lộ vấn đề năng lực.

Cuối năm 2008, dự án nâng cấp QL1A đoạn từ TP.Đông Hà đến thị xã Quảng Trị do Tập đoàn Trường Thịnh thi công đã được khởi công, theo kế hoạch đến năm 2010 phải hoàn thành, nhưng tới nay mới chỉ hoàn thiện được khoảng 65% kế hoạch.

Nguyên nhân ngoài việc giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, còn do đơn vị thi công chưa tích cực triển khai. Bộ GTVT cũng đã nhiều lần yêu cầu địa phương xử lý dứt điểm GPMB, nhà thầu phải tích cực thi công nhưng tiến độ vẫn rất chậm chạp. Tuy nhiên, Trường Thịnh lại được tiếp tục giao làm chủ đầu tư 2 dự án mở rộng QL1 theo hình thức BOT là đoạn 15 km qua huyện Gio Linh, Quảng Trị và đoạn tuyến qua tỉnh Quảng Bình dài 33 km.

Nhấn mạnh các chủ đầu tư phải có trách nhiệm lớn, cam kết làm dứt điểm dự án trước năm 2015, Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Trị phải đảm bảo mặt bằng, tái định cư, đặc biệt chủ đầu tư phải đảm bảo tiến độ. “Phải rút kinh nghiệm tổ chức thi công quyết liệt, làm vượt thời gian. Không làm theo kiểu sáng xách ô đi tối ô về, vài ba người làm lục cục. Hai chủ tịch Trường Thịnh, Trường Sơn phải làm, nếu không làm được sẽ xử lý nghiêm 2 đồng chí”. Dẫn ra câu chuyện tiến độ dự án mở rộng QL1 đoạn qua Thừa Thiên- Huế, Phó thủ tướng cho biết: “Tôi mới đi Thừa Thiên-Huế, đi trên đường vắng lắm, không có ai làm cả. Khởi công rầm rộ rồi phải làm ngay chứ, người dân đứng xem, lên ti vi quá trời ngày mai không có gì cả, chỉ làm hình thức”.

 

Dự án mở rộng QL1: 13 km làm 5 năm chưa xong !
Đoạn quốc lộ 1A từ TP.Đông Hà - thị xã Quảng Trị thi công dàn trải, kéo dài tiến độ - Ảnh: C.T.V

“Anh đừng cãi”

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư phát triển VN (BIDV) nhắc: “Trường Thịnh là khách hàng lâu năm, nhưng tôi cũng xin nói đoạn hơn 13 km nâng cấp QL1 anh làm chậm quá, Phó thủ tướng phê bình, thiết bị máy móc có nhiều, đổ tại mưa là không được”. Trước khi đại diện Trường Thịnh phản ứng, ông Hà cũng nhắc luôn: “Anh đừng cãi, anh không nên cãi với nhà tài trợ”. Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói thẳng nếu Trường Thịnh làm không xong đoạn hơn 13 km trước đây sẽ không được thu phí.

Mặt khác, ông Hà cũng cho rằng, nhiều doanh nghiệp BOT làm dự án mở rộng QL1 đã thành lập nhưng vẫn đang phải chờ đợi để xin các giấy phép liên quan như giấy chứng nhận đầu tư của Bộ KH-ĐT, chứng nhận tác động môi trường của Bộ TN-MT, GPMB các tỉnh, hợp đồng BOT chính thức với Bộ GTVT... Theo ông, đây đều là các thủ tục hành chính, có thể cho nhà đầu tư nợ để triển khai dự án nhanh hơn.

Về gói trái phiếu chính phủ cho phần còn lại của dự án mở rộng QL1, theo ông Hà, trong khi chờ đợi Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới, Bộ GTVT đã đề xuất và Chính phủ đã quyết định NHNN cho vay tái cấp vốn để GPMB. BIDV cũng cam kết giải ngân trực tiếp cho Bộ GTVT 5.000 tỉ vốn tái cấp vốn để Bộ chủ động trong việc này.

Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cũng cho biết, trong tuần tới Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì làm việc với các bộ ngành liên quan giải quyết các vấn đề về cơ chế, đảm bảo tiến độ và hoàn thành cơ bản tuyến Hà Nội - Cần Thơ. Trong quý 3/2013 cũng sẽ tiến hành khởi công 18 dự án vốn trái phiếu chính phủ trên QL1 và 3 dự án vốn trái phiếu chính phủ trên QL14.

“Bộ GTVT hứa cùng các bộ ngành tháo gỡ khó khăn vướng mắc về cơ chế để triển khai các dự án tốt nhất”, ông Thăng nhấn mạnh.

 

Sáng qua 23.6, tại xã Gio Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị diễn ra lễ khởi công dự án BOT QL1 dài 15,54 km (tiếp giáp với dự án BOT mở rộng từ TP.Đông Hà đến thị xã Quảng Trị), do liên danh Tập đoàn Trường Thịnh và Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư. Dự án dài gần 16 km, tổng vốn đầu tư 1.067 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2015. Cùng thời điểm, dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL1 qua Quảng Bình theo hình thức hợp đồng BOT do Tập đoàn Trường Thịnh làm chủ đầu tư cũng được khởi công. Dự án có chiều dài hơn 33 km, vốn đầu tư hơn 982 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành vào năm 2015. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 22 năm, nhà đầu tư được sử dụng trạm thu phí Quán Hàu.

Cùng ngày, Bộ GTVT, UBND tỉnh Đắk Nông, nhà đầu tư gồm liên danh Công ty CP đầu tư - xây dựng Toàn Mỹ 14 và Công ty TNHH đầu tư - xây dựng - thương mại Băng Dương tổ chức khởi công dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh, đoạn Km 1793+600 đến Km 1824+00 (trùng với Km 734+600 đến Km 765+00 của QL14) qua địa phận hai huyện Cư Jút và Đắk Mil (Đắk Nông), theo hình thức BOT, chiều dài khoảng 30 km; tổng vốn đầu tư 1.023 tỉ đồng. Dự kiến, nhà đầu tư được phép thu phí giao thông qua đoạn đường này từ tháng 1.2016, trong khoảng 21 năm 8 tháng.

 Nguyễn Phúc - T.Q.Nam - T.N.Quyền

Mai Hà

 

ĐỀ NGHỊ BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI CẦN LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ CÓ ĐỦ NĂNG LỰC TÀI CHÍNH ĐỂ HOÀN THÀNH DỰ ÁN
Trong thời gian vừa qua Bộ Giao thông vận tải liên tục tổ chức các buổi lễ khởi công để triển khai dự án nhằm nâng cấp mở rộng các tuyến đường quốc lộ 1a và đường Hồ chí Minh ( Quốc ộ 14). Người dân trong cả nước rất vui mừng hi vọng công trình sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, tuy nhiên qua theo dõi có một số nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và có trách nhiệm đã triển khai đúng tiến độ chất lượng công trình khá tốt đưa một số đoạn đường quốc lộ đã trúng thầu vào sử dụng phát huy được hiệu quả. Nhưng bên cạnh đó có một số nhà đầu tư năng lực tài chính quá yếu kém nên đã kéo dài thời gian thi công, nhiều đoạn đường quốc lộ 1a, hoặc quốc lộ 14 không biết bao giờ hoàn thành đưa vào sử dụng. Cụ thể như đoạn BOT QL1 qua Đông Hà, Quảng Trị dài hơn 12 km làm 5 năm không xong. Cuối năm 2008, dự án nâng cấp QL1A đoạn từ TP.Đông Hà đến thị xã Quảng Trị do Tập đoàn Trường Thịnh thi công đã được khởi công, theo kế hoạch đến năm 2010 phải hoàn thành, nhưng tới nay mới chỉ hoàn thiện được khoảng 65% kế hoạch. Tuy nhiên, Tập đoànTrường Thịnh lại được Bộ Giao thông vận tải tiếp tục giao làm chủ đầu tư 2 dự án mở rộng QL1 theo hình thức BOT là đoạn 15 km qua huyện Gio Linh, Quảng Trị và đoạn tuyến qua tỉnh Quảng Bình dài 33 km . Tương tự tại khu vực các tỉnh tây nguyên Dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ chí Minh ( quốc lộ 14) do Tập đoàn Đức long làm chủ đầu tư đã tiến hành khởi công hơn 3 năm nay nhưng chưa có một đoạn đường quốc lộ 14 nào hoàn thành đưa vào sử dụng . Cụ thể cuối năm 2010, Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 14, đoạn từ km 817 đến km 887, thuộc địa phận tỉnh Đắk Nông và đoạn đường Quốc lộ 14 từ thị xã Đồng Xoài - tỉnh Bình Phước đến giáp ranh với tỉnh Đăk Nông đều do Tập đoàn Đức Long - Gia Lai làm chủ đầu tư theo hình thức BOT bắt đầu triển khai thi công. Thế nhưng, khúc “dạo đầu” khá hoành tráng ấy cũng chỉ kéo dài được vài tháng thì tiến độ thi công dự án bắt đầu rơi vào tình trạng ì ạch, đến nay không tiếp tục triển khai thi công khiến tuyến giao thông huyết mạch qua địa bàn tỉnh trở nên nhếch nhác. Chính vì vậy đã gây ra nhiều vụ tai nạn trên đoạn đường đang thi công này. Theo phương án ban đầu, dự án đã được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư là 1800 tỷ đồng, quy mô mặt đường rộng 21m. Tuy nhiên, chỉ mới vừa thi công được 2 tháng thì đã tạm ngưng để điều chỉnh quy mô vì nguồn vốn đầu tư vượt khả năng của chủ đầu tư. Vì không có khả năng tài chính để gỡ khó cho chủ đầu tư , tỉnh Đăk Nông và tỉnh Bình Phước đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép thu hẹp điều chỉnh lại quy mô dự án từ 21 m xuống 12 m mặt đường với tổng mức đầu tư 1.100 tỷ đồng. Đến tháng 11/2011, chủ đầu tư mới bắt đầu khởi động lại dự án bằng việc đàm phán, ký hợp đồng với các nhà thầu. Thế nhưng, sau một thời gian thi công theo kiểu cầm chừng, đến tháng 5/2012, đã có 8/10 gói thầu chính thức ngưng hẳn hoạt động. Các chủ thầu quyết “đình công”, chấp nhận lãng phí nhân công, để không máy móc vì chủ đầu tư không thanh toán khối lượng theo cam kết. Điển hình như Công ty TNHH xây dựng Vạn Thành (Đắk Lắk) đã thi công khối lượng khoảng 4 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa được Tập đoàn Đức Long thanh toán kinh phí theo cam kết. Theo các nhà thầu thì khi ký hợp đồng kinh tế về việc thi công xây dựng công trình, chủ đầu tư đã thống nhất nếu khối lượng thi công đạt từ 2-3 tỷ đồng thì sẽ thanh toán 70% giá trị. Vậy mà sau khi thi công đủ và vượt hạn mức, các đơn vị thi công yêu cầu thanh toán khối lượng thì chủ đầu tư lại nhiều lần cố tình tránh né, không thanh toán. Với năng lực tài chính như vậy nhưng Bộ giao thông vận tải tiếp tục giao một số đoạn đường khác làm chủ đầu tư, cụ thể : Sáng 9.6, Bộ GTVT và Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn TP.Pleiku - cầu 110 (giáp tỉnh Đắk Lắk) dài gần 60 km. Công trình có tổng vốn đầu tư gần 1.800 tỉ đồng, do Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Đồng bào các dân tộc tây nguyên rất vui mừng, tuy nhiên qua theo dõi rất lo lắng đơn vị Tập đoàn đức long Gia lai làm chủ đầu tư không biết dự án khởi công không biết lúc nào sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Nếu năng lực tài chính và uy tín của các chủ đầu tư như Tập đoàn Trường thịnh và Tập đoàn Đức long Gia lai như vậy, liệu có đủ khả năng nguồn lực tài chính để triển khai dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường quốc lộ 1 và quốc lộ 14 đúng như cam kết không? Đề nghị Bộ Giao thông vận tải kiên quyết thanh lý hợp đồng đối với các chủ đầu tư nào không có đủ năng lực tài chính, không thực hiện đúng như cam kết thời gian bàn giao đưa dự án công trình vào sử dụng, chuyển giao cho đơn vị nào có trách nhiệm tiếp tục thực hiện để sớm hoàn thành dự án. Bộ Giao thông vận tải hết sức cân nhắc chọn Nhà đầu tư trong việc triển khai các dự án trọng điểm của quốc gia.

MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây