Đưa chợ tư nhân vào hoạt động - Cần những giải pháp đồng bộ
Thứ ba - 25/06/2013 09:49
- Đã xem: 1108
Theo Sở Công Thương Bến Tre, toàn tỉnh hiện có 6 chợ mới do tư nhân đầu tư xây dựng nhưng hoạt động không hiệu quả; trong đó có hai chợ không có tiểu thương kinh doanh, bốn chợ còn lại hoạt động cầm chừng, không hiệu quả do “người mua ít hơn người bán”.
Đây đều là các chợ mới được xây dựng đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, hệ thống phòng cháy chữa cháy và đều đã khánh thành từ 6 tháng đến 3 năm. Trong số này, chợ mới Quới Sơn (xã Quới Sơn, huyện Châu Thành) đặt cạnh Khu Công nghiệp Giao Long có quy mô lớn nhất với diện tích hơn 5.000 m2 và tổng vốn đầu tư 18 tỷ đồng.
Theo Sở Công Thương, nguyên nhân chính khi quy hoạch và tiến hành xây dựng, chính quyền địa phương cũng như doanh nghiệp không lấy ý kiến các hộ tiểu thương nên khi đi vào hoạt động,̀ tiểu thương không chịu di dời. Thậm chí, tiểu thương một số nơi phản ứng gay gắt. Nguyên nhân thứ hai là tình trạng các chợ tự phát, mua bán lấn chiếm lòng lề đường hoạt động dai dẳng, cả tiểu thương lẫn người mua đều không muốn thay đổi thói quen do ngại di chuyển vào chỗ mới. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại chưa quyết liệt trong việc chấn chính những vi phạm này. Tại nhiều địa phương, tình trạng chợ mới khang trang, sạch đẹp, đạt chuẩn thì vắng khách, trong khi mua bán lấn chiếm lòng lề đường, vi phạm hành lang an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường thì lại tấp nập gây bức xúc và lãng phí trầm trọng.
Ông Huỳnh Hữu Lợi, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại, tư vấn thiết kế và thi công xây dựng Đông Đô, đơn vị chủ đầu tư xây dựng chợ mới Quới Sơn cho biết: Công ty đã đầu tư 18 tỷ đồng để xây dựng chợ nhưng không cạnh tranh được với các “điểm chợ” tự phát lấn chiếm lòng lề đường. Nếu chính quyền địa phương không có các biện pháp quyết liệt chấn chỉnh tình trạng này và hỗ trợ doanh nghiệp thì Công ty ông sẽ tiến hành các thủ tục trả lại chợ cho Nhà nước vì không thể nuôi nổi. “Đã gần một năm qua, chợ mới Quới Sơn vẫn chưa đi vào hoạt động chính thức, trong khi tiền lãi doanh nghiệp phải đóng cho Ngân hàng mỗi tháng hàng trăm triệu đồng” – ông Lợi bức xúc.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ chợ Long Hòa (xã Long Hòa, huyện Bình Đại) cũng cho biết: UBND xã Long Hòa quy hoạch di chuyển khu trung tâm hành chánh của xã ra dọc đường tỉnh 883, cách vị trí cũ chừng 3km. UBND huyện Bình Đại đã vận động ông bỏ đất, vốn đầu tư xây chợ Long Hòa khang trang và đưa vào hoạt động từ tháng 2/2011. Tuy nhiên, đến nay các hộ tiểu thương vẫn chưa chịu di dời, chính quyền địa phương yêu cầu thì họ phản ứng, thành ra chợ của ông gần như “bỏ hoang” hơn 2 năm nay.
Theo ông Trần Văn Đấu, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre, để giải quyết các khó khăn này, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền và phối hợp với nhà đầu tư giải quyết tới nơi tới chốn các thắc mắc của bà con tiểu thương, đồng thời kiên quyết xử lý hành vi lấn chiếm lề đường, hành lang an toàn giao thông để kinh doanh buôn bán và siết chặt các điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, việc xây mới chợ nông thôn cần tính toán về quy hoạch, phong tục tập quán của người dân địa phương để sớm đưa ra các điều chỉnh phù hợp, tránh tình trạng lãng phí và dư luận xã hội không tốt./.
Hưng Thịnh
Nguồn tin: Báo Tầm Nhìn Online