Tìm hướng thay thế cây lúa: Ngô, đậu nành không lo đầu ra

Thứ ba - 25/06/2013 10:36 - Đã xem: 1058
Theo các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN), ngô (bắp) và đậu nành (đậu tương) của Việt Nam có chất lượng không thua kém gì nước ngoài. Nếu trong nước tăng cường sản xuất thì nông dân sẽ không lo đầu ra vì doanh nghiệp sẽ chuyển hướng sang mua nguyên liệu nội địa.

Cần chiến lược phát triển đúng đắn

Nhiều chuyên gia khẳng định, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nên hoàn toàn có thể tự sản xuất được những nguyên liệu đầu vào hỗ trợ cho ngành nông nghiệp trên cơ sở đưa ra những chiến lược đúng và cụ thể.

Ông Phạm Đức Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Sản xuất TACN Thanh Bình chỉ thẳng vấn đề: “Thiếu hụt nguyên liệu TACN, tôi muốn nói thẳng là do chính sách vĩ mô của ngành nông nghiệp. Nhiều năm qua, dù ngành sản xuất TACN lâm vào tình trạng đói nguyên liệu dài hạn, nhưng diện tích trồng ngô, đậu nành không những không được mở rộng mà ngày càng thu hẹp thêm, khiến doanh nghiệp phải lệ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu”.

Năng suất ngô ở Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Ông Bình cho rằng nếu trong nước tự chủ được nguyên liệu thì doanh nghiệp sẽ không phải tốn thêm các chi phí vận chuyển (khoảng 1.000 đồng/kg) hay thuế nhập khẩu nguyên liệu (5%)... Từ đó sẽ góp phần giảm giá thành sản xuất chăn nuôi, nông dân nuôi heo, gà dễ thở hơn.

Nhiều địa phương có điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi cho cây lúa, người dân vẫn tập trung trồng lúa dù năng suất thấp. Thực tế, nhiều năm qua, chính sách khuyến nông của Nhà nước vẫn tập trung vào cây lúa mà không hướng đến những loại cây trồng, vùng nguyên liệu khác với quy mô lớn để hỗ trợ cho ngành sản xuất TACN. “Tại sao ở những vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên quanh năm thiếu nước, người nông dân không thể chuyển sang trồng ngô với năng suất và lợi nhuận cao hơn trồng lúa? Hay vùng trồng lúa ĐBSCL hoàn toàn có thể chuyển sang trồng luân canh 1 vụ ngô hè thu rất thích hợp” - ông Bình đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Hữu Hiếu - quyền Trưởng phòng Kinh doanh liên kết, trợ lý Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nam cũng chỉ ra rằng, bất cập lớn nhất của ngành sản xuất TACN là do năng suất thâm canh của các loại nguyên liệu chính như ngô, đỗ tương... còn quá thấp so với thế giới. “Một ha trồng ngô ở Mỹ có thể đạt đến gần 20 tấn, còn ở Việt Nam chỉ trên dưới 5 tấn”- ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, với diện tích trồng manh mún, nhỏ lẻ với sản lượng thấp như hiện nay cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong công tác thu mua, vận chuyển.

Không lo đầu ra

Nhiều nông dân và chuyên gia ở ĐBSCL bày tỏ sự lo lắng khi cho rằng nếu bỏ 1 vụ lúa với diện tích lớn cả triệu ha sang trồng các loại màu như ngô, đậu nành thì ai sẽ lo đầu ra như cây lúa. Ông Bình khẳng định nông dân không phải lo đầu ra vì nhu cầu, năng lực chế biến của các nhà máy sản xuất TACN trong nước còn rất lớn. Ngô lại dễ bảo quản hơn lúa.

Ông Phạm Thanh Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội TACN cho rằng thật vô lý khi các cơ quan chức năng chưa cho trồng ngô, đậu nành biến đổi gen. “Hiện Nhà nước cấm sản phẩm biến đổi gen nhưng lại cho nhập các nguyên liệu sản xuất TACN từ Mỹ, Ấn Độ mà những nước này toàn trồng ngô, đậu nành biến đổi gen. Đây rõ ràng là sự mâu thuẫn trong khi nếu cho trồng, ngô, đậu nành biến đổi gen cho năng suất cao gấp 2 lần giống thường. Giá thành khi đó sẽ hạ gấp đôi, lợi nhuận của nông dân cũng tăng gấp 2 - 3 lần”.

“Hiện nay các nhà máy sấy ngô của hệ thống các DN sản xuất TACN đang rất ế hàng. Như nhà máy sấy của công ty tôi hiện đang chạy công suất có... 30 ngày trong 1 năm. Trong nước không có đủ hàng nên số ngày còn lại tôi đóng cửa nhà máy do toàn xài nguyên liệu nhập khẩu” - ông Bình tiết lộ.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng - Chủ tịch HĐQT Công ty Sản xuất TACN Proconco cũng khẳng định nếu trong nước có đủ nguyên liệu phục vụ cho ngành sản xuất TACN thì công ty bà sẽ mua nguyên liệu nội địa vì ngô trong nước có màu sắc đẹp hơn nước ngoài, chất lượng cũng bảo đảm.

Theo các DN sản xuất TACN, giá ngô Việt Nam ở nhiều thời điểm có thể cạnh tranh với giá ngô thế giới, nhưng giá đậu nành luôn cao hơn thế giới từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Cụ thể, đậu nành sản xuất trong nước hiện có giá 15.000 đồng/kg, trong khi giá đậu nành nhập khẩu chỉ 12.000 - 13.000 đồng/kg. Nếu sản xuất với số lượng lớn, giá bán giảm thì DN sẽ quay về mua sản phẩm sản xuất trong nước.

Ông Bình khẳng định, nếu cần thiết, Hiệp hội TACN sẽ phối hợp với Cục Trồng trọt và các địa phương trong việc liên kết vùng trồng, đặt hàng và ký hợp đồng sản xuất ngô với nông dân. Đổi lại, các địa phương phải xây dựng được một vùng nguyên liệu đủ lớn, đẩy năng suất lên, để giá thành hạ nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc vận chuyển và tiêu thụ. 

Nguồn tin: Báo Dân Việt

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây