Chị em lo lắng vì khoai tây nhiễm độc
Toàn bộ 26 tấn khoai tây nhiễm độc bị phát hiện đã bị các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng tiêu hủy.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong thời gian qua, cơ quan chức năng TP Đà Lạt (Lâm Đồng) và người dân đã nghi ngờ về việc khoai tây Trung Quốc kém chất lượng được đưa lên Đà Lạt để nhuộm đất đỏ, biến hóa thành khoai tây Đà Lạt. Khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt chất lượng cao và bán với giá của khoai tây Đà Lạt, cao gấp năm lần tại khắp các chợ dân sinh không chỉ ở Hà Nội, TP.HCM mà còn nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.
Khoai tây Trung Quốc được nhập về và gia công thành khoai tây Đà Lạt
Người dân băn khoăn, lo lắng, không biết nên chọn khoai tây như nào mới chính gốc là khoai tây Đà Lạt để không bị mua nhầm khoai tây Trung Quốc.
Chị Hương Trà (Khu đô thị Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay: “Từ khi nghe thông tin có khoai tây Trung Quốc đội lốt làm giả khoai Đà Lạt để bán giá cao, khoai Trung Quốc lại còn bị nhiễm độc, tôi chưa dám mua khoai về nấu. Nhưng chả lẽ suốt đời không ăn khoai, bây giờ nhiều loại khoai tây quá, tôi không phân biệt nổi đâu là khoai Đà Lạt, đâu là khoai Trung Quốc”.
Vỏ mỏng, mắt nhỏ là khoai Đà Lạt
Giải đáp thắc mắc này của chị em, ông Lại Thế Hưng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật Lâm Đồng cho hay: Bằng mắt thường rất dễ để nhận biết đâu là khoai tây Đà Lạt và đâu là khoai tây Trung Quốc chứ không khó như các chị em nội trợ vẫn nghĩ.
Cụ thể, ông Hưng chia sẻ: “Với khoai tây vàng của Trung Quốc thì củ to, thậm chí có củ dài như khoai lang, mẫu đẹp hơn, vỏ dày hơn nên quá trình vận chuyển đi xa không bị xước như khoai Đà Lạt. Do đó, nhìn cảm quan bề ngoài khoai tây Trung Quốc to hơn, đẹp hơn khoai tây Đà Lạt”.
Khoai tây Trung Quốc vỏ dày hơn (Ảnh: VNE)
Cụ thể hơn, về mắt củ, mắt khoai tây Đà Lạt sâu, nhỏ. Khoai tây Trung Quốc mắt củ rộng và nông, có thể phân biệt rất rõ.
Khoai tây Đà Lạt vỏ mỏng, mắt nhỏ và sâu hơn (Ảnh: VNE)
Đặc biệt, vỏ khoai tây Trung Quốc dày hơn vỏ khoai tây Đà Lạt, khi luộc vỏ khoai tây Đà Lạt dễ bóc hơn. Ở đặc điểm này, chị em có thể phân biệt rất dễ ở lúc gọt/cạo vỏ. “Nếu cạo bằng dao thì vỏ khoai tây Đà Lạt mỏng nên dễ bong còn khoai tây Trung Quốc đẹp, vỏ bền và khó bong. Chị em chỉ cần cạo thử là biết ngay”, ông Hưng nói.
Về màu sắc, khoai tây Trung Quốc còn tươi sẽ vàng hơn nhưng khi chiên, xào , nấu màu sắc sẽ nhạt hơn. Khi ăn thì bở hơn và không ngon bằng khoai tây của Đà Lạt.
Sự lo lắng của người tiêu dùng và các bà nội trợ trong nước lên cao khi bên cạnh những thông tin về sự mất an toàn của nhiều loại rau, củ, quả được nhập khẩu từ Trung Quốc, ngày 15/6, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng bắt và tiêu hủy 26 tấn khoai tây Trung Quốc do có dư lượng chất chlorpyrifos (chất diệt mối) cao gấp 16 lần mức cho phép của Bộ Y tế. 26 tấn khoai tây bị tiêu hủy nằm trong lô hàng 82 tấn của bà Nguyễn Thị Nguyệt, 44 tuổi, ngụ tại tổ Thái An, P.12, TP Đà Lạt nhập về thông qua Công ty TNHH MTV thương mại và xuất nhập khẩu Vân Linh (Lào Cai). Hiện, Chi Cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Lâm Đồng đang cùng phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp tục lấy thêm nhiều mẫu khoai tây trên địa bàn phân tích và làm rõ vụ việc, kết quả cuối cùng sẽ có vào khoảng thứ 3 tuần sau, chúng tôi sẽ liên tục cập nhật. |
Nguồn tin: khampha.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...