Kịch bản về Ngân sách và kế hoạch phát triển .....

Thứ năm - 27/06/2013 18:57 - Đã xem: 1040
Ngày 25/6, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Chỉ thị nêu rõ, mục tiêu tổng quát của năm 2014 là đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế đi đôi với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Triển khai thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.


Đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế
đi đôi với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2014, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013-2020. Tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6%.

Đồng thời tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển nền kinh tế. Tập trung nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội hóa từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nhất quán thực hiện mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện chính sách tiền tệ với mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam và bảo đảm cung ứng vốn một cách có hiệu quả cho nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Phấn đấu kiềm chế lạm phát khoảng 7%. Tiếp tục lành mạnh hóa thị trường tiền tệ, giảm dần tỷ lệ nợ xấu. Đẩy mạnh các kênh huy động vốn ngoài hệ thống ngân hàng. Triển khai có hiệu quả Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam và thực hiện tốt Đề án cơ cấu lại các ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa phối hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tăng cường quản lý ngân sách Nhà nước, kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ xấu của doanh nghiệp Nhà nước. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả.

Về vấn đề an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách tạo việc làm mới và giải quyết việc làm. Tăng cường kiểm tra giám sát điều kiện lao động, an toàn, bảo hộ lao động. Thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo, nhất là đối với các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Đồng thời tập trung thực hiện các nhiệm vụ củng cố và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế dự phòng, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để các dịch bệnh lớn xảy ra. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp để giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Quản lý chặt chẽ giá thuốc và chất lượng thuốc chữa bệnh.

Về phát triển giáo dục đào tạo, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu năm 2014 đẩy mạnh thực hiện xã hội học tập; chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, liên kết đào tạo; nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nhất là đại học ngoài công lập; nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, nhất là giáo dục tiểu học, phổ thông cơ sở; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực với cơ cấu hợp lý.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và nhân dân. Nâng cao chất lượng, khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật và việc ban hành văn bản không phù hợp, không khả thi.

Bên cạnh đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; hạn chế thấp nhất các đoàn khiếu nại đông người.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014 phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá sát khả năng thực hiện thu ngân sách năm 2013, dự báo tình hình đầu tư, phát triển sản xuất - kinh doanh và hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu năm 2014.

Tăng cường theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp; chỉ đạo quyết liệt chống thất thu, thu số thuế nợ đọng từ các năm trước, các khoản thu từ các dự án đầu tư đã hết thời gian ưu đãi, các khoản thu được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán...

Trên cơ sở đó, đặt mục tiêu huy động vào ngân sách nhà nước năm 2014 từ thuế, phí khoảng 18-19% GDP. Dự toán thu nội địa phấn đấu tăng bình quân khoản 12-13% so với đánh giá ước thực hiện năm 2013. Dự toán thu từ họat động xuất nhập khẩu phấn đấu tăng bình quân khoảng 8-9% so với đánh giá ước thực hiện năm 2013.

Đối với dự toán chi ngân sách nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần thực hiện năm 2014, lập dự toán chi ngân sách nhà nước theo đúng các quy định pháp luật về chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách hiện hành.

Đối với các chương trình, dự án, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cần chủ động sắp xếp thứ tự ưu tiên theo mức độ cấp thiết, khả năng triển khai trong năm 2014 để hoàn thành nhiệm vụ chính trị trên cơ sở nguồn lực ngân sách nhà nước được phân bổ.

Thủ tướng cũng yêu cầu, trong từng ngành, từng lĩnh vực, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án, công trình đã hoàn thành và đã bàn giao, đưa vào sử dụng trước năm 2014 nhưng chưa bố trí đủ vốn; thanh toán nợ xây dựng cơ bản; các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014; vốn đối ứng cho các dự án ODA theo tiến độ thực hiện dự án; các dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 nhưng chưa được bố trí đủ vốn để hoàn thành, phát huy hiệu quả./.

PV

 
ĐỂ HOÀN THÀNH DỰ TOÁN THU NGÂN SÁCH CẦN PHẢI NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM CÁC DOANH NGHIỆP ĐỐI NGHĨA VỤ NỘP THUẾ
Hiện nay nước ta tình hình hình kinh tế khó khăn nên có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ, nợ vay ngân hàng không thanh tóan được, nên chưa thực hiện được nghĩa vụ nộp thuế đúng thời gian quy định. Tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp họat động kinh doanh có lãi , có khả năng nộp ngân sách, nhưng vẫn cố tình không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Do cơ chế chính sách quy định kéo dài thời gian cho các đối tượng nộp thuế, có nhiều trường hợp chuyển sang năm sau mới nộp, do vậy đã ảnh hưởng đến chỉ tiêu thu nộp ngân sách ở các địa phương, như năm 2012 vừa qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 83, hướng dẫn chi tiết các cơ chế, thủ tục, đối tượng được hưởng gói hỗ trợ thuế của Chính phủ. Cụ thể, các Doanh nghiệp được giãn 6 tháng thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, thời hạn nộp tháng 4 được giãn đến ngày 20.11.2012; tháng 5 giãn đến 20.12.2012; tháng 6.2012 giãn đến 21.1.2013. Việc giãn thuế cho các doanh nghiệp là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ, giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, tuy nhiên thời điểm Bộ Tài chính cho phép giãn nợ không hợp lý kéo dài qua năm sau, chính vì lẽ đó nên có trên 30 địa phương không thành chỉ tiêu thu nộp ngân sách trong năm 2012, không có nguồn để đảm bảo chi ngân sách của cấp mình. Năm 2013 ngày 8 tháng 2 Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 16/2013/TT-BTC Gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Thời gian gia hạn là 6 tháng, chính vì vậy tình hình thu ngân sách ngay từ đầu năm 2013 rất bấp bênh, theo số liệu của Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ, tổng thu NSNN 6 tháng đầu năm mới đạt 40% dự toán. Do tình trạng kéo dài thời gian nộp thuế nên những năm qua vấn đề nợ đọng thuế của các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh liên tục gia tăng, mặc dù chính quyền địa phương các cấp và ngành thuế đã tích cực có nhiều biện pháp tích cực nhưng cũng chưa chuyển biến . Bộ tài chính chỉ đạo phấn đấu nợ tồn đọng thuế cuối năm chỉ dưới 5% , nhưng thực tế các địa phương đều nợ thuế tồn đọng trên 10% , cá biệt có địa phương hơn 50% nợ thuế tồn đọng. Trong những năm qua có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm ăn có tinh thần trách nhiệm , đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đúng theo thời gian quy định, tuy nhiên có doanh nghiệp, hộ kinh doanh cố tình trốn thuế, sau thời gian được gia hạn nộp thuế, khi biết đến thời điểm ngành thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế hành chính thì các đơn vị này đã tẩu tán tài sản, nơi kinh doanh chỉ là nơi thuê mặt bằng để kinh doanh, nơi ngân hàng đăng ký tài khoản thì không còn số dư . Cuối cùng cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra để xử lý , nhưng không xử lý được do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm tội trốn thuế, vì các tổ chức này chỉ nợ thuế chứ không phải trốn thuế. Để khắc phục các vấn đề nêu trên cần phải nghiêm khắc xử lý các hành vi cố tình không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của người tham gia kinh doanh , đối các nước trên thế giới vấn đề trốn thuế là tội rất nặng, được điều chỉnh trong bộ luật hình sự, nhưng đối với nước ta chỉ xử lý biện pháp hành chính là chủ yếu, nên không mang tính răn đe. Xác định thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân, đề nghị Chính phủ nên có hướng dẫn quy định thời gian cụ thể yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế , nếu quá thời gian các đối tượng phải nộp thuế mà không nộp thì coi như tội trốn thuế phải xử lý theo bộ luật hình sự. Đề nghị Bộ Tài chính không nên ban hành chính sách kéo dài thời gian nộp thuế nữa, sẽ tạo sự cố tình chay ì của các doanh nghiệp trong nghĩa vụ nộp thuế nhà nước như trong thời gian vừa qua, nên giao cho các chính quyền địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể của các doanh nghiệp thật sự khó khăn, dưới sự tham mưu của ngành thuế của địa phương sẽ cho phép kéo dài thời gian nộp thuế không quá 180 ngày như quy định của Bộ Tài chính, có như vậy mới đảm bảo hòan thành chỉ tiêu nộp ngân sách đối với ngành thuế đã được cấp trên giao dự tóan thu ngay từ đầu năm. Bên cạnh đó các tổ chức thanh tra nhà nước hoặc thanh tra chuyên ngành thuế tăng cường công tác thanh tra các đơn vị nào có dấu hiệu hoạt động tài chính không lành mạnh,không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, hy vọng năm 2013 các địa phương trong cả nước sẽ hòan thành chỉ tiêu thu nộp ngân sách và sẽ là nền tảng để năm 2014 có thể tiếp tục hoàn thành chỉ tiêu thu nộp ngân sách theo sự chỉ đạo của Chính phủ.
Phúc Vinh

Nguồn tin: Báo Tầm Nhìn Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây