Bi hùng hải chiến Trường Sa

Chủ nhật - 10/03/2013 21:09 - Đã xem: 1321
25 năm trước, ngày 14-3-1988, hải quân Trung Quốc đưa tàu đến gây sự ở 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong cuộc chiến không cân sức ấy, những người lính hải quân Việt Nam đã xả thân giữ đảo, để máu mình tô thắm cờ Tổ quốc.

Quyết tử vì Gạc Ma

Dù đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép nhưng trong cuộc hải chiến 14-3-1988, hình ảnh những cột cờ sống và “vòng tròn bất tử” vẫn khắc sâu trong tâm trí bao người...
 
Các chiến sĩ trên tàu HQ-604 bị hải quân Trung Quốc bắn chìm ngày 14-3-1988
được đồng đội ứng cứu (Ảnh do đại tá Trần Minh Cảnh cung cấp)
 
Anh hùng Nguyễn Văn Lanh, người vào sáng 14-3-1988 đã cùng thiếu úy Trần Văn Phương và các chiến sĩ hải quân (HQ) được cử từ tàu vận tải HQ-604 lên đảo Gạc Ma bảo vệ cờ Tổ quốc, nhớ lại: “HQ Trung Quốc (TQ) hạ xuồng từ tàu lớn mang theo nhiều lính trang bị vũ khí hạng nặng đổ bộ lên Gạc Ma. Chúng cho rằng công binh đang xây dựng đảo của ta ít, chỉ trang bị thô sơ, có người thậm chí không vũ khí trong tay, sẽ dễ dàng bị khuất phục. Nhưng chúng đã nhầm!”.

Còn cờ, còn đảo

Trong trận hải chiến  ngày 14-3-1988, trong 3 đảo Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao, cuộc đối đầu khốc liệt nhất diễn ra tại Gạc Ma. Theo đại tá Nguyễn Hữu Doanh, người chuyên lo kế hoạch cung ứng, tiếp tế nhu yếu phẩm và lên kế hoạch xây dựng nhà chủ quyền kiên cố trên các đảo ở Trường Sa những năm 1980, sở dĩ HQ TQ tấn công Gạc Ma dữ dội nhất vì đảo này nằm ở vị trí đắc địa trong khu vực quần đảo Trường Sa và biển Đông.
 
Thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ là một nghi lễ thường xuyên trong những chuyến tàu đến với Trường Sa
Ảnh: MẠNH DUY

Khi lính TQ đổ bộ lên Gạc Ma, đại úy Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ-604, giao nhiệm vụ cho thiếu úy Trần Văn Phương lên đảo cắm chốt, bảo vệ cờ Tổ quốc để xác định chủ quyền. Thấy lính TQ tiến vào đảo với số lượng lớn và sẵn sàng bắn vào ta, đại úy Trừ ra lệnh: “Ai bơi giỏi, lập tức vào hỗ trợ thiếu úy Phương”. “Tôi cùng 10 chiến sĩ nhảy xuống biển bơi vào đảo hỗ trợ anh Phương giữ cờ. Lúc ấy, trên đảo có khoảng 40 công binh của ta bị địch chĩa súng nã đạn không thương tiếc” - ông Nguyễn Văn Lanh hồi tưởng.

Ông Lanh không thể nào quên hình ảnh thiếu úy Phương hôm đó. Khi bị lính TQ bắn trọng thương, anh vẫn cố ngoi lên mặt nước, tay luôn giữ chặt lá cờ, tự biến mình thành cột cờ sống. “Khi bơi đến nơi, tôi đề nghị thiếu úy Phương về tàu cứu chữa nhưng anh ấy nói như ra lệnh: “Thà hy sinh chứ không thể để mất đảo. Hãy để cho máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của Quân chủng HQ”. Sau khi dặn tôi và đồng đội tiếp tục giữ cờ Tổ quốc bằng mọi giá, anh Phương hy sinh” - ông Lanh nghẹn ngào.

Thấy người trước ngã xuống, người sau vẫn tiếp tục lao tới tự biến mình thành cột cờ sống trên biển, lính TQ lao đến giằng lấy. “Chúng dùng lưỡi lê và báng súng đâm và uy hiếp chúng tôi. Trong tay không vũ khí nhưng tôi vẫn chiến đấu không chút run sợ. Hai tên lính TQ lao vào, một tên đâm xuyên lưỡi lê qua vai tôi. Lúc đó, nhiều đồng đội bơi tới yểm trợ tôi tiếp tục giữ cờ” - ông Lanh xúc động.

Lòng quả cảm, ý chí sắt đá

Ông Nguyễn Văn Lanh cho biết những người lính HQ Việt Nam trong gần 1 giờ quần thảo với lính TQ đã đứng kề vai nhau thành một “vòng tròn bất tử” để bảo vệ cờ, ngăn chặn chúng tiến sâu vào đảo. Chứng kiến ý chí chiến đấu quyết tử giữ đảo của HQ ta, lính TQ đành rút về tàu. Chúng nã pháo điên cuồng vào tàu HQ-604 neo đậu bên ngoài và những người lính trên đảo Gạc Ma. Trung tá Trần Đức Thông, Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và hầu hết cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh hoặc chìm theo tàu HQ-604 mất tích. Nhiều người bị thương nặng, trôi lênh đênh trên biển…

Anh hùng - đại tá Vũ Huy Lễ, người thuyền trưởng của tàu HQ-505 nhận trách nhiệm đóng giữ đảo Cô Lin năm xưa, xúc động: “Tôi nhìn sang vùng biển Gạc Ma, thấy nhiều đồng đội vừa ngã xuống. Không thể để anh em nằm lại giữa biển khơi, chúng tôi đưa xuồng sang cứu. Tuy nhiên, HQ TQ dùng súng AK bắn phá, không để chúng tôi cứu thương. Mặc, chúng tôi vẫn bình tĩnh, tiếp tục bơi xuồng sang. Suốt buổi sáng hôm ấy, chúng tôi đã vớt được 44 thương binh và tử sĩ”.

Đại tá Trần Minh Cảnh giờ đã bước sang tuổi 78 nhưng vẫn nhớ như in những giờ phút nóng bỏng 25 năm trước. Vị Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 HQ vào thời điểm đó, người được anh em HQ xem là “ra Trường Sa như đi xe buýt”, trầm mặc hồi tưởng những hình ảnh bi hùng của đồng đội năm xưa. “Đó là cuộc chiến không cân sức khi TQ với nhiều tàu chiến lớn, vũ khí hạng nặng; còn ta chủ yếu giữ đảo bằng lòng quả cảm và ý chí sắt đá bảo vệ chủ quyền” - ông tự hào.
 

Giữ vững Cô Lin, Len Đao

Sự kiện ngày 14-3-1988 được biết đến trong lịch sử HQ Nhân dân Việt Nam với tên gọi CQ88 hay “Chủ quyền 88”. Khi đó, Tư lệnh HQ là Đô đốc Giáp Văn Cương cùng Bộ Tham mưu đã trực tiếp chỉ huy Vùng 4 và các đơn vị có mặt ở Trường Sa chiến đấu, quyết giữ đảo. Một sở chỉ huy tiền phương được thành lập và đóng ở Quân cảng Cam Ranh - Khánh Hòa.

Đại tá Lê Xuân Bạ, nguyên chính ủy Lữ đoàn 146, Bí thư Huyện ủy Trường Sa, lúc đó là trung tá, Phó Chủ nhiệm Chính trị Vùng 4 HQ - thuộc Sở Chỉ huy tiền phương, cho biết: Ngày 11-3-1988, tàu HQ-604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ được lệnh đến đóng giữ Gạc Ma, tàu HQ-505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ đóng giữ Cô Lin và tàu HQ-605 nhận lệnh đến Len Đao. Phối hợp với các tàu này còn có 2 phân đội công binh thuộc Trung đoàn 83, 2 tổ chiến đấu thuộc Lữ đoàn 146 do trung tá - lữ đoàn phó Trần Đức Thông chỉ huy.

Sau trận hải chiến ngày 14-3-1988, dù chúng ta gặp tổn thất lớn về người với 64 chiến sĩ hy sinh nhưng HQ TQ không dám mở rộng phạm vi xâm lấn; các đảo Cô Lin, Len Đao được giữ vững.   
 
Kỳ Nam

 Kỳ tới: Xả thân giữ đảo

 

MẠNH DUY - HỒNG ÁNH

Nguồn tin: Người Lao Động

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây