Chị Ngọ (áo vàng ngồi phía trong) đang chăm sóc cho người vợ cả của chồng bị bại não suốt 27 năm ròng.
Thấy hoàn cảnh thương tâm, chị Hoàng Thị Ngọ lúc bấy giờ mới tròn 20 tuổi nhà ở cùng bản đã tự nguyện hàng ngày sang phụ giúp anh Chắn cho chị Nhu ăn uống, tắm rửa và các công việc cá nhân khác. Hơn một năm thì hai người xuất phát tình cảm, được sự nhất trí của cả 3 gia đình, chị Ngọ tự nguyên về làm vợ bé anh Chắn với một ý nghĩ rất đơn giản: “Tội nghiệp hai người quá’’. Từ đó người vợ cả và cô con gái được chị Ngọ trực tiếp chăm sóc rất tận tình bằng cả tình yêu thương và tấm lòng nhân ái.
Năm 1992, khi 2 đứa con trai là con chung giữa anh Chắn và chị Ngọ, đứa lớn lên 5, đứa nhỏ lên 2 tuổi, do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên cả gia đình dắt díu nhau vào thôn 3, xã Đăk Drông, huyện Cư Jút, tỉnh Đăk Nông tìm kế mưu sinh. Trước đó gia đình bên chị Nhu yêu cầu để chị ấy ở nhà cho chị em ruột nuôi nấng, chỉ cần khi làm có tiền thì gởi về phụ giúp là đủ, song chị Ngọ khăng khăng bảo: “Thật lòng tôi không lỡ xa chị ấy, gia đình cứ yên tâm, tôi sẽ chăm sóc cho chị ấy đến hết đời’’. Thế rồi mặc dù chị Nhu như cái xác không hồn chị Ngọ vẫn ẵm lên xe cùng chồng con vào Tây Nguyên.
Đến nơi ở mới, do không có nhiều tiền nên gia đình chỉ mua được một sào đất rẫy, dựng được căn nhà gỗ để tránh nắng, tránh mưa. Cuộc sống buổi đầu vô cùng khó khăn, vất vả, cả hai vợ chồng hết ngày này đến tháng nọ chuyên đi làm mướn. Ngày nào cũng như ngày nấy, chị Ngọ phải thức từ 4 giờ sáng để lo giặt giũ, nấu bữa ăn cho cả nhà, rồi sau khi làm vệ sinh và bón từng muỗm cơm cho chị Nhu, chị Ngọ mới ăn vội ăn vàng ít miếng và đi làm, có bữa còn không kịp ăn vì đã thấy muộn. Buổi trưa và tối ngay sau khi nghỉ chị đã có mặt ở nhà chứ không giám đi đến đâu vì việc vệ sinh cá nhân cho người vợ cả và bữa ăn cho chồng con chỉ có bàn tay chị mới hoàn thiện được. Thời điểm nông nhàn không kiếm được việc làm mướn chị Ngọ lại ra suối, ra ruộng bắt từng con hến, con ốc, xúc từng con tép đem ra chợ bán mua gạo về nấu ăn, song chị Nhu vẫn được tắm rửa sạch sẽ ngày 2 lần và chưa bao giờ chị Nhu bị bỏ đói lấy một bữa. Chị Ngọ kể rằng, mỗi năm có ít chị Nhu cũng bị bệnh 3 lần, những lúc ấy chị Nhu đau đớn, rên rỉ dữ dội, chị Ngọ phải vào ngủ chung và đấm bóp an ủi, có khi suốt nhiều đêm không chợp được mắt. Cho đến khi người con gái của chị Nhu đã lớn, song chị Ngọ không bắt con phải giúp làm vệ sinh cho mẹ, vì theo chị “tụi trẻ nó không kỹ càng’’, chỉ khi nào bắt buộc phải đi đâu chị mới nhờ chồng. Hai chiếc giường được kê sát nhau chỉ cách một vách ván mỏng, tối nào cũng vậy, chỉ khi mở mùng nhìn thấy chị Nhu đã ngủ say chị Ngọ mới leo lên giường.
Năm 1999, có lẽ do phải làm lụng quá sức mà anh Chắn mắc căn bệnh lao lực, gánh nặng lại đổ lên đầu chị Nhu, vừa chăm sóc người vợ cả của chồng bại não, vừa tiền thuốc men chữa trị bệnh cho chồng, vừa lo cơm gạo cho 6 miệng ăn trong nhà và lo tiền đóng góp cho các con ăn học... Năm 2003, anh chồng mất sau khi đã 4 năm trời đau nặng, chị nuốt nước mắt vào trong để vun vén đảm bảo cuộc sống cho gia đình, mặc dù cuộc sống vô cùng khó khăn, song chị cố nuôi tất cả các con học hết Trung học Cơ sở. 4-5 năm sau 3 đứa con đã khôn lớn song do nhà không có đất để sản xuất nên chúng cũng chỉ biết đi làm mướn lấy công về phụ giúp. Năm 2009, người con thứ hai đi nghĩa vụ quân sự, người con gái của chị Nhu đi lấy chồng, nhà chỉ còn cậu con cả và chị Ngọ vẫn cứ tiếp tục ‘’cái nghề’’ làm thuê vào thời điểm nông vụ và mò cua bắt ốc lúc nông nhàn.
Căn nhà tuềnh toàng mới chỉ xây được diện đằng trước để khỏi bị mưa tạt nằm sâu heo hút cuối thôn 3, xã Đăk Drông không có gì ngoài chiếc ti-vi cũ kỹ, nhưng ở đó có người phụ nữ với tấm lòng nhân hậu thương cảm và nuôi nấng yêu thương vợ cả của chồng như chị ruột.
Quả là một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu hiếm thấy trên đời!
HOÀNG NINH
xã Đăk Drông