Việc giãn lộ trình theo giải thích của Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi vì biên chế quá đông.
Lý do này hoàn toàn đúng. Ngoài ra, theo giải thích trên, ngân sách có hạn trong khi công chức ngày càng tăng nên tinh giản biên chế hết sức cần thiết. Tuy nhiên, nếu phải chờ tinh giản biên chế mới cải cách được tiền lương thì chẳng biết khi nào việc này mới được thực hiện.
Thực tế cho thấy, việc giảm biên chế thời gian qua hết sức ì ạch. Thậm chí, càng hô hào giảm, bộ máy hành chính lại càng phình to. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Nội vụ, sau 4 năm thực hiện giảm biên chế, đến nay bộ máy hành chính đã tăng thêm 25% do đầu ra thì khiêm tốn nhưng đầu vào vẫn tăng.
Ngay trong lúc Bộ Nội vụ đang xây dựng đề án tinh giản thì tổng biên chế năm 2013 của cả nước vẫn tăng so với năm 2012. Trong đó, theo công bố tờ trình về tổng biên chế trên địa bàn Hà Nội, tổng biên chế sự nghiệp toàn TP năm 2013 là 143.610 biên chế, tăng so với năm 2002 là 4.704 biên chế. Dù không tăng mạnh như Hà Nội nhưng biên chế tại TP.HCM năm 2013 cũng đã tăng 339 người so với năm 2012...
Đó chỉ là những con số gần nhất, mới nhất, còn nhiệm vụ tinh giản biên chế thì đã được đặt ra cách đây… 41 năm. Nói như vậy để thấy rằng nếu chờ giảm biên chế mới điều chỉnh lương thì không biết đến bao giờ, lương tối thiểu mới đáp ứng nhu cầu sống.
Việc giãn lộ trình tăng lương càng khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân thêm khó khăn. Ảnh: Hồng Đào
Đề án cải cách tiền lương một lần nữa trễ hẹn đã gây thất vọng không chỉ cho những đối tượng hưởng lương ngân sách mà rất nhiều người dân. Bởi lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng chưa tới 40% nhu cầu sống tối thiểu trong khi giá cả mỗi ngày mỗi tăng. Nên bị "treo" một ngày thì thu nhập của người dân bị teo tóp đi một phần, áp lực cuộc sống của họ tăng lên một bậc.
Nhưng thất vọng hơn khi chính các cơ quan có thẩm quyền thừa nhận, khoảng 30 - 50% công chức hiện nay chỉ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" và hưởng lương. Cảnh công chức chơi game, lướt web, rủ nhau shopping, đi chùa... trong giờ làm việc đã trở nên quen thuộc nhưng nhà nước vẫn cứ phải trả lương. Câu hỏi đặt ra là, tại sao biết rõ mà chúng ta không thể cắt bỏ một bộ phận công chức vô dụng này? Bởi cả nể, bởi không ít trong số đó là "dây mơ rễ má" của ông nọ, bà kia; bởi sợ "động chạm", bởi trót nhận tiền "chạy công chức", bởi đã lót tay, đi đêm; bởi "ưa" người dốt hơn mình...
Không cắt giảm biên chế thì không có tiền để cải cách lương. Nhưng cắt giảm biên chế thì có tiền sử ì ạch mấy chục năm nay và đến lúc này, vẫn chưa thể thực hiện. Vậy người dân phải chờ đến bao giờ mới được hưởng một vấn đề tất yếu, lương đủ sống?
Theo Nguyên Khanh (Thanh Niên)
LÀM THẾ NÀO CÓ THỂ TINH GIẢN ĐƯỢC BIÊN CHẾ?
Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào” – Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức. Trước đây cũng có ý kiến của ông Đặng Như Lợi, nguyên phó chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội có ý kiến cần cắt giảm 40% cán bộ công chức hiện nay để có nguồn bổ sung cho cải cách tiền lương, nếu không cải cách tiền lương sẽ thất bại. Vấn đề ở đây là cắt giảm biên chế như thế nào, ở đâu, ngành nào, cấp nào ? Chúng ta cần phân biệt biên chế cán bộ công chức, viên chức ở đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp. Số lượng biên chế hiện nay của đơn vị sự nghiệp là rất lớn, tập trung ngành giáo dục và y tế. Ở cấp huyện hiện nay, biên chế hành chính thì biến động trong khoảng từ 80 đến 110 biên chế. Trong khi đó riêng khối sự nghiệp giáo dục, y tế thì tùy theo đầu dân số và số lượng học sinh, ước tính biên chế cho các ngành giáo dục và y tế gấp từ 20 lần trở lên so với biên chế hành chính cấp huyện. Nếu như ở các đô thị lớn đông dân cư thì biên chế cho khối này còn gấp nhiều lần hơn nữa. Trong thời gian vừa qua, để thực hiện chủ trương trong việc xã hội hóa đối với ngành giáo dục, y tế, chúng ta đã chuyển một số trường công lập thành tư thục, đồng thời có nhiều nhà đầu tư đã xây dựng các trường tư thục từ hệ mầm non mẫu giáo đến các trường đại học, cũng có nhiều bệnh viện tư nhân đi vào hoạt động có hiệu quả . Việc thực hiện đó đã góp phần giảm chi tiêu ngân sách nhà nước,giảm biên chế nhà nước, đáng lẽ phải được bố trí hàng năm để chi trả lương, xây dựng cơ sở vật chất cho trường học và bệnh viện. Tuy nhiên số lượng cơ sở giáo dục, y tế qua chủ trương xã hội hóa hiện có rất khiêm tốn, đối với các tỉnh, thành phố lớn đông dân cư như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì¦dễ dàng kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước triển khai thực hiện, nhưng đối với cấp huyện, nhất là đối với huyện thuộc vùng núi cao, trung du, hải đảo, việc triển khai thực hiện xã hội hóa rất khó khăn. Có huyện cố gắng thực hiện nhưng không hiệu quả vì hầu như các huyện vùng núi cao tỷ lệ hộ nghèo còn nhiều phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có con đi học còn nhiều khó khăn, chưa có khả năng đóng góp tiền học phí cũng như các khoản quy định khác của nhà trường giống như các trường tư thục ở các thành phố lớn. Chính vì vậy, hầu như các huyện miền núi phải bao cấp ngân sách nhà nước cho các ngành giáo dục, y tế. Hiện nay Nghị định số 13, 14/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Tuy nhiên qua xem xét các sở ban ngành của tỉnh, trước đây có các phòng ban trực thuộc sở cùng làm việc trong trụ sở, biên chế chỉ có từ 5 đến 7 công chức. Nhưng hiện nay nâng cấp rất nhiều các phòng ban thành các Chi cục trực thuộc sở, bộ máy rất cồng kềnh biên chế phải từ 20 công chức trở lên, ngoài ra phải xây dựng trụ sở riêng để hoạt động, rõ ràng rất tốn kém ngân sách nhà nước. Như một sở nông nghiệp phát triển nông thôn của một tỉnh có đến gần 10 chi cục trực thuộc , tương tự các sở khác như sở y tế, sở công thương vv.. Nếu tính trong phạm vi cả nước không biết số lượng biên chế các chi cục là rất lớn. Đối với các bộ ban ngành của trung ương theo quy định cũng có các cục, vụ, viện vv… trực thuộc, tuy nhiên hiện nay cũng thành lập rất nhiều các đơn vị Tổng cục trực thuộc bộ dưới tổng cục cũng rất có nhiều cục trực thuộc, do vậy biên chế rất lớn. Xem xét tình hình thực tế của bộ máy hành chính sự nghiệp của nước ta hiện nay, xin đề xuất giải pháp hướng tinh giảm biên chế để có nguồn để cải cách tiền lương trong thời gian tới. Trước tiên đối với đơn vị hành chính các cấp, nên xem xét rà soát lại chức năng nhiệm vụ các chi cục trực thuộc sở, nếu thật cần thiết thì để lại, còn nên chuyển thành các phòng trực thuộc sở, vì trước đây các phòng ban cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nếu thực hiện được chắc chắn biên chế hành chính trong cả nước sẽ giảm đi rất nhiều. Còn đối với các đơn vị sự nghiệp giáo dục, y tế , cần rà soát lại các địa phương nào có điều kiện thực hiện được xã hội hóa giáo dục, hoặc bệnh viện thì đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa, từng Bộ Giáo dục và Bộ Y tế phải có lộ trình thời gian cụ thể. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên trong thời gian tới sẽ có nguồn cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ công chức viên chức nhà nước.
MINH TRÍ