Dạy sử, học sử ở Mỹ và Việt Nam

Thứ ba - 16/04/2013 23:44 - Đã xem: 1242
Việc hàng trăm học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) xé đề cương môn sử trắng xóa sân trường khi biết môn này không thi tốt nghiệp khiến chúng ta phải nhìn lại cách dạy và học môn sử ở Việt Nam.

(
Đề cương môn sử bị xé ném trắng xóa sân trường THPT Nguyễn Hiền. )


Bài viết dưới đây của một nghiên cứu sinh người Việt tại Mỹ, so sánh cách học sử ở Việt Nam và Mỹ, là một góc nhìn tham chiếu.

Bài 1: Học để khám phá chứ không theo công thức

Công thức của môn sử

Học sinh ở Việt Nam ngày càng có xu hướng xa rời các môn học khoa học xã hội nhân văn, trong đó có môn sử. Người ta lý giải rằng, vì môn sử khó học do phải nhớ nhiều sự kiện, mốc thời gian hoặc khi không công bố là môn thi tốt nghiệp thì việc học lẫn dạy bị xem nhẹ. Theo tôi, điều này chỉ đúng một phần. Nhớ lại thời kỳ học sinh, dù là người yêu thích các môn học khoa học xã hội, nhưng tôi cũng ngán học môn sử bởi cách thức học và dạy thô cứng.

Sử học, như muôn đời quy luật hấp dẫn của nó là luôn chứa đựng sự bí ẩn để nó không ngừng được khám phá và đồng hành cùng thời đại. Tuy nhiên, môn sử mà tôi học dường như chẳng có gì mới, chẳng có gì gọi là khám phá vì tất cả đều có sẵn một công thức: Ta thắng địch thua. Trong lớp học không có sự phản biện, nhất loạt đều nói và nghe một chiều nhàm chán trong khi mục đích của việc học sử là để thấu hiểu những thăng trầm của dân tộc, lĩnh hội những kinh nghiệm bao hàm cả kinh nghiệm thành công lẫn thất bại.

Khác với cách dạy và học sử ở Việt Nam, tôi bất ngờ về cách thức giảng dạy lịch sử rất linh hoạt và hấp dẫn ở Mỹ. Tôi có dự  một lớp học về chiến tranh Việt Nam của giáo sư từng là cựu binh Mỹ ở Pleiku năm 1971 và rất lấy làm hứng khởi bởi cách dạy và học sinh động như là một cuộc du ngoạn vào quá khứ. Tất cả các bài giảng đều có trích đoạn những thước phim tài liệu, phim truyện, âm nhạc phản chiến minh họa cực kỳ sinh động.

Một tiết học hơn một tiếng rưỡi nhưng giáo sư chỉ giảng bài chừng 20 đến 30 phút, phần còn lại là xem sử liệu minh họa và tranh luận, thuyết trình theo nhóm về các chủ đề. Nội dung giáo trình do giáo sư tự biên soạn rất phong phú, không bị ràng buộc theo công thức“ta thắng địch thua” nên những cái được cái mất của Chính phủ Mỹ, sự thất bại cay đắng của quân đội Mỹ, tinh thần chiến đấu của người lính cộng sản như Nhật ký Đặng Thùy Trâm hay Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh đều được khảo xét kỹ càng.

Không có phương pháp

Trong khi giới sử học trên thế giới đã và đang mở ra những đường hướng mới để nghiên cứu sử học từ góc nhìn ký ức tập thể, ký ức cá nhân, hiện đại, hậu hiện đại với những cách tiếp cận đa diện, thậm chí chú trọng vào ý nghĩa của sự kiện hơn là bản thân sự kiện từ lịch sử truyền khẩu, ở Việt Nam vẫn chưa vượt qua những bài giảng mang nặng tính ý thức hệ và duy ý chí.

Một nghiên cứu sinh tiến sĩ sử học ở trong nước có gặp tôi tại một cuộc hội thảo ở Mỹ nhờ tôi giúp đưa anh sang học một khóa học về phương pháp nghiên cứu. Tôi băn khoăn không biết khi anh làm luận văn cử nhân, luận văn cao học thì làm như thế nào. Không lẽ, ở Việt Nam, không có phương pháp nghiên cứu sử học hay sao mà phải cất công sang tận xứ người để học?

Câu hỏi đó thúc giục tôi tìm hiểu phương pháp nghiên cứu sử học ở một lớp học của Giáo sư sử học Barbara Hahn tại Viện Đại học công nghệ Texas. Giáo sư Hahn có bằng tiến sĩ sử học từ Đại học North Carolina, là tác giả của nhiều bài nghiên cứu về lịch sử của kinh tế Mỹ.

Lớp học của Giáo sư Hahn có tên gọi là Nature of History, tập trung vào những khuôn mẫu và phương pháp nghiên cứu sử học dành cho các sinh viên cao học và tiến sĩ, bao gồm xác định lĩnh vực nghiên cứu, phương pháp tiếp cận đề tài, cách thức thu thập tài liệu, trích dẫn nguồn, chú thích... Ban đầu tôi thầm nghĩ đây là môn học khó lòng gây hứng thú bởi chủ yếu là lý thuyết và lý luận. Nhưng tôi đã nhầm bởi trải qua gần 5 tháng, tôi dường như trải qua một hành trình nghiên cứu và khám phá thế giới sử học rất thú vị và hữu ích, tạo nên một niềm đam mê sử học và học sử trong tôi.

Bài cuối: Cần phương pháp đúng để đam mê học sử.


Hai Nguyen (Nghiên cứu sinh Viện Đại học Công nghệ Texas (Mỹ)
 


Từ khi có dư luận trong xã hội các em học sinh không thích học môn lịch sử, đồng thời qua các đợt thi do các đài truyền hình trung ương và địa phương tổ chức tìm hiểu về kiến thức phổ thông trong đó có môn lịch sử, qua đó phần lớn các em không trả lời được những câu hỏi liên quan đến lịch sử của nước ta mặc dù là câu hỏi rất đơn giản và hết sức phổ thông nhưng các em không trả lời được. Do vậy ngay từ đầu năm Bộ Giáo dục quán triệt trong ngành sẽ đưa môn lịch sử là môn thi chính thi tốt nghiệp hàng năm giống như môn toán, văn. Do vậy các trường trung học phổ thông trong cả nước đã đưa môn lịch sử vào ôn tập ngay từ học kỳ 1. Đây là việc hết sức cần thiết để các em học sinh quan tâm đến môn học lịch sử nước ta, tuy nhiên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay Bộ Giáo dục không giữ lời hứa, đã không đưa môn thi lịch sử vào môn thi tốt nghiệp THPT, chính vì vậy đã gây bức xúc cho các em học sinh, các em học sinh còn trẻ nhiều nông nổi đã gây ra phản ứng như việc hàng trăm học sinh Trường THPT Nguyễn Hiền (TPHCM) xé đề cương môn sử trắng xóa sân trường khi biết môn này không thi tốt nghiệp. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên thực hiện lại lời hứa, nên đưa môn lịch sử vào môn thi tốt nghiệp THPT không thay đổi, nếu đã lỡ công bố môn thi có thể bổ sung thêm môn này để các em lựa chọn thi môn lịch sử hoặc địa lý vẫn còn kịp.
MINH TRÍ

Nguồn tin: laodonglaodong.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây