Bức tranh viễn thông năm 2018: Gam màu nào là chủ đạo?

Thứ tư - 16/01/2019 21:21 - Đã xem: 1997
Hàng loạt chính sách như các thuê bao phải bổ sung thông tin, thuê bao 11 số chuyển về 10 số hay thực thi chính sách chuyển mạng giữ nguyên số, không dùng thẻ cào thanh toán dịch vụ nội dung là những điểm nhấn trong thị trường viễn thông Việt Nam năm 2018.
Đầu năm 2018, Viettel nghị Bộ TT&TT sớm triển khai đấu giá băng tần 2.6 GHz cho 4G bởi băng tần 1800 MHz cấp cho 4 nhà mạng không đủ để đảm bảo chất lượng dịch 4G cho khách hàng.
Nhiều chính sách tác động đến người dùng di động
Một trong những điểm nhấn của bức tranh ICT Việt Nam năm 2018 được đưa ra từ đầu năm là chính sách siết khuyến mại thuê bao di động trả trước tác động đến hơn 100 triệu người dùng di động. Theo đó từ 1/3/2018 các thuê bao di động trả trước chỉ nhận mức khuyến mại tối đa 20%, thuê bao trả sau được áp dụng mức khuyến mãi tối đa 50%.
Sở dĩ Bộ TT&TT đặt hạn mức khuyến mại này để quản lý chặt chẽ hơn các thuê bao di động trả trước. Bộ TT&TT cho biết, trên thực tế, doanh nghiệp di động vẫn tiếp tục đua nhau thu hút thuê bao trả trước đăng ký mới bằng cách liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại cho thuê bao trả trước để cạnh tranh không lành mạnh, buông lỏng quản lý đăng ký thông tin thuê bao nên hiện tượng lợi dụng đăng ký thuê bao trả trước để nhắn tin quảng cáo, đe dọa, nhắn tin độc hại vẫn xuất hiện tràn lan. Vì vậy, lượng tin nhắn rác phát sinh từ thuê bao trả trước đăng ký mới vẫn lớn hơn so với số tin nhắn rác, cuộc gọi rác được các cơ quan liên quan xử lý chặn lọc được.
Tuy nhiên, sau khi áp dụng chính sách này cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VinaPhone và MobiFone cho biết, chính sách siết khuyến mại 20% không tác động nhiều đến việc phát triển thuê bao trả sau. Trong khi đó, hành vi tiêu dùng của các thuê bao di động trả trước (chiếm khoảng 95% số thuê bao di động của Việt Nam) sụt giảm và thay đổi hẳn thói quen tiêu dùng. Trước vấn đề này, Cục Viễn thông cho biết đang làm việc với Bộ Tài chính để nghiên cứu đề xuất của các nhà mạng điều chỉnh mức trần khuyến mại cho thuê bao trả trước từ mức 20% hiện nay lên 50%.
Trong năm 2018, Bộ TT&TT đã yêu cầu các nhà mạng rà soát lại và yêu cầu khách hàng phải bổ sung thông tin tin cá nhân của thuê bao nếu thiếu, nếu thuê bao không đăng ký lại sẽ phải dừng liên lạc, thậm chí là cắt hợp đồng và hạn chót cho việc đăng ký lại thông tin là ngày 24/4/2018. Để thực thi chính sách này rất nhiều thuê bao trả trước phải đi đăng ký lại thông tin khiến các cửa hàng, điểm đăng ký của nhà mạng bị quá tải. Đây là lần đâu tiên tất cả nhà mạng đều phải mở các điểm giao dịch đến tận đêm khuya để cho thuê bao đăng ký lại thông tin cá nhân.
Cũng liên quan đến chính sách cho các thuê bao di động là việc tất cả thuê bao 11 số sẽ chuyển về 10 số. Theo đó, từ ngày 15/9/2018 có khoảng 60 triệu thuê bao 11 số chuyển về 10 số. Sau khi thuê bao 11 số về 10 số thì những số 11 số đó sẽ để phát triển cho các thuê bao là kết nối với những thiết bị máy móc thông minh. Theo Bộ TT&TT, với quy hoạch kho số mới, Việt Nam sẽ có trên 500 triệu số thuê bao di động 10 chữ số cho liên lạc người với người và khoảng 1 tỷ số thuê bao di động cho liên lạc thiết bị với thiết bị để phát triển Internet vạn vật.
Thuê bao 11 số đã được chuyển sang 10 số.
Một trong những sự kiện lớn trong năm 2018 có ảnh hưởng đến lĩnh vực viễn thông là xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ lớn nhất từ trước đến nay. Đây là đường dây tổ chức đánh bạc trực tuyến với tổ chức tinh vi, quy mô hoạt động lớn, thu hút hàng nghìn tỉ đồng và hàng triệu con bạc tham gia đánh bạc và dính líu đến ông Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát) và ông Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50). Điều tra bước đầu xác định, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán là 9.583,2 tỉ đồng. Hệ lụy của vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng là Chính phủ yêu cầu dừng việc thanh toán bằng thẻ cào đối với các dịch vụ nội số.
Sau khi nhà mạng thông báo tạm dừng thanh toán thẻ cào, các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nội dung số và game online cho biết, doanh thu của họ đã giảm từ 50-60%, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 90%. Trước vấn đề này, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng hính phủ xem xét cho phép sử dụng thẻ cào viễn thông để nạp tiền cho các dịch vụ nội dung số, nhằm phát triển các dịch vụ nội dung số theo quy định của pháp luật. Thẻ cào viễn thông không phải là phương tiện thanh toán, càng không phải là trung gian thanh toán.
Đưa ra chính sách bảo vệ khách hàng khi thị trường bão hòa
Trong bối cảnh nhận được rất nhiều khuyến nghị của các tổ chức, liên minh viễn thông thế giới cũng như để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy cạnh tranh trong thị trường viễn thông, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã phê duyệt Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao.
Theo đó, từ ngày 16/11/2018, Viettel, VinaPhone, MobiFone cung cấp dịch vụ cho thuê bao trả sau được chuyển mạng giữ nguyên số. Từ 1/1/2019, nhà mạng sẽ đồng loạt cung cấp dịch vụ chuyển mạng cho cả thuê bao di động trả trước. Dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường viễn thông, doanh nghiệp viễn thông, thuê bao di động và đáp ứng mục tiêu quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với thuê bao di động sẽ đem lại khả năng lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình trong khi vẫn giữ được số điện thoại, xóa bỏ rào cản phải thay số điện thoại mới, gây rắc rối trong công việc và sinh hoạt của người sử dụng. Đối với doanh nghiệp viễn thông, đây là động lực cho doanh nghiệp di động tăng cường năng lực cạnh tranh của mình bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng nhất là các khách hàng lâu năm đã gắn bó với mình. Đây có thể coi là một kênh phát triển thuê bao trong bối cảnh thị trường viễn thông di động đang dần bão hòa.
Một năm vật lộn với cấp phép 4G
Các mạng di động cho biết, họ đang thiếu băng tần để phát triển dịch vụ 4G trong khi đó chưa thể đấu giá tần số 2.6 Ghz cho 4G được. Trước vấn đề này, từ đầu năm 2018 Viettel vừa kiến nghị Bộ TT&TT sớm triển khai đấu giá băng tần 2.6 GHz cho 4G bởi băng tần 1800 MHz cấp cho 4 nhà mạng không đủ để đảm bảo chất lượng dịch 4G cho khách hàng. Phía Viettel đưa ra giải pháp nếu trong trường hợp việc đấu giá 4G chưa thực hiện được thì cho doanh nghiệp mượn băng tần này và vẫn đóng phí tần số như quy định hiện hành để đảm bảo chất lượng dịch vụ 4G cung cấp cho khách hàng.
Trước kiến nghị của Viettel, Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, với băng tần 1800 MHz đã cấp cho 4 nhà mạng thì không đủ để cung cấp dịch vụ 4G có chất lượng đúng tiêu chuẩn. Việc cung cấp dịch vụ 4G đúng nghĩa 4G sẽ chỉ được thực hiện khi cấp phép cho nhà mạng băng tần 2.6 GHz. Tuy nhiên, đấu giá băng tần 2.6 GHz đang gặp khó khăn bởi phải tuân thủ theo Luật Đấu giá mới nên phải tạm dừng. Bộ TT&TT đang kiến nghị với Thủ tướng về những khó khăn này.
Chỉ đạo về một số vấn đề liên quan đến Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải khẩn trương phân bổ quyền sử dụng băng tần 2.6GHz cho các doanh nghiệp viễn thông để nâng cao chất lượng dịch vụ 4G và phát triển 5G bởi thực tế việc phân bổ băng tần viễn thông phục vụ phát triển, hoàn thiện chất lượng dịch vụ mạng 4G, tiến tới 5G còn lúng túng, chậm trễ. Theo thống kê thì tốc độ mạng 4G tại Việt Nam đứng thứ 75 trên thế giới.
Một trong những gam màu sáng là năm 2018 các doanh nghiệp viễn thông lớn vẫn giữ được đà tăng trưởng tốt. VNPT cho biết, năm 2018, VNPT đạt lợi nhuận 6.445 tỷ đồng, vượt 9,4% kế hoạch và tăng 25% so với năm 2017. Đây là năm thứ 5 liên tiếp VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%. Cho dù gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến vụ việc AVG, nhưng Tổng Công ty Viễn thông MobiFone đã phấn đấu để đạt được những kết quả nhất định trong năm 2018 cụ thể như sau về chỉ tiêu lợi nhuận ước tính đạt 100% kế hoạch được giao và MobiFone thuộc Top 20 doanh nghiệp có lợi nhuận lớn nhất Việt Nam.
Theo Ictnews.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây