Đà Lạt xứng với danh hiệu Thành phố Festival hoa

Thứ ba - 29/12/2015 23:55 - Đã xem: 880
Đêm 29.12, tại quảng trường Lâm Viên (Đà Lạt, Lâm Đồng), Festival hoa Đà Lạt lần thứ VI - 2015 đã chính thức khai mạc với sự tham dự của khoảng 10.000 người dân và du khách. Theo bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở VHTTDL: “Festival hoa Đà Lạt lần này không những là festival hoa lớn nhất từ trước đến nay mà còn là một festival hoa nhằm khẳng định thương hiệu thành phố Festival hoa - một thương hiệu đã được công nhận vào dịp Festival hoa Đà Lạt lần thứ IV - 2009”.

Những làng hoa tiền tỉ

Chuyện trồng hoa thu tiền tỉ - nông dân Đà Lạt đã đạt được cách nay khoảng 5 - 7 năm. Trong cả nước, Đà Lạt được xem là nơi trồng hoa công nghệ cao sớm nhất. Theo ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cả tỉnh hiện có đến 2.500ha hoa công nghệ cao, tập trung ở Đà Lạt, trong đó, không ít vườn hoa cho thu nhập hơn 1,5 tỉ đồng/năm. Bởi vậy, nhà vườn Đà Lạt hiện được ví như những “nông dân salon” chỉ ngồi một chỗ “bấm nút” chứ không còn kiểu chân lấm tay bùn như cách nay vài chục năm.

Ở Đà Lạt hiện có 3 làng hoa nổi tiếng nhất, đã được công nhận là làng nghề truyền thống: Làng hoa Hà Đông; Làng hoa Vạn Thành; Làng hoa Thái Phiên. Cứ mỗi lần festival, người ta lại nhắc đến làng hoa Hà Đông như để tri ân những người đầu tiên đặt nền móng cho nghề trồng hoa Đà Lạt (và cũng là một trong những làng hoa Đà Lạt khá hiện đại ngày nay). Làng hoa Hà Đông (nay thuộc phường 8, TP. Đà Lạt) nổi tiếng vì ở đây có một số người lần đầu tiên (gốc người Hà Đông) đưa hoa từ miền Bắc vào trồng, hiện đang còn sống, như cụ Ngô Văn Ngôn (hơn 80 tuổi). Cụ Ngôn kể lại: Chuyến di dân từ Hà Đông vào Đà Lạt năm ấy (1936) chỉ có 35 người đi. Nhưng sau đó, do khí hậu Đà Lạt quá khắc nghiệt, có lúc lạnh xuống dưới 0 độ C, đóng cả băng, nên đã một số người bỏ về. Gia đình tôi mang vào đây 2.000 củ hoa layơn và từ đó nhân ra. Sau đó, cả làng đông lên, nhà nào cũng trồng hoa, trồng rau để bán cho người Pháp. Sau nữa, rau hoa Đà Lạt còn đưa xuống tận Sài Gòn... Giờ nghĩ lại, hồi đó nếu dân Hà Đông bỏ về hết thì nghề trồng hoa của Đà Lạt sẽ như thế nào...”.

Lễ hội của người Đà Lạt

Người dân Đà Lạt đã làm nên thương hiệu thành phố Festival hoa, và để củng cố thương hiệu này, tại Festival hoa Đà Lạt 2015, chính người dân Đà Lạt cũng được xem là một trong “những nhà tổ chức” mới là điều rất đáng được quan tâm. Ông Võ Ngọc Hiệp - Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt, cho biết: “Trong các hoạt động Festival hoa Đà Lạt 2015, chúng tôi “lôi kéo” họ vào để cùng chính quyền và cơ quan hữu trách tổ chức thành công nhằm củng cố thương hiệu chung của Đà Lạt là thành phố Festival hoa. Người dân Đà Lạt tham gia vào Festival hoa Đà Lạt 2015 bằng nhiều cách: Người bình thường trồng thêm trong vườn nhà của họ một vài luống hoa. Người kinh doanh nhà nghỉ - khách sạn chỉ cần thêm một nụ cười niềm nở với du khách và đặc biệt là kinh doanh theo phong cách thanh lịch của người Đà Lạt cũng là một cách”.

9 chương trình chính và 19 chương trình phụ của Festival hoa Đà Lạt lần thứ VI - 2015 hầu hết đều được xã hội hóa, nguồn kinh phí nhà nước chỉ bỏ ra tổ chức 3 chương trình là lễ khai mạc, đêm tôn vinh những người trồng hoa và cuộc thi sáng tác ca khúc về Festival hoa Đà Lạt.

Trong thời gian trước khi diễn ra lễ hội hoa, UBND tỉnh Lâm Đồng và TP. Đà Lạt đã ban hành không ít văn bản nhằm chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh, buôn bán, đặc biệt là giá cả phòng trọ, nhà nghỉ để không làm mất hinh ảnh đẹp của thành phố Festival hoa Đà Lạt trong mắt du khách. Du khách đến Đà Lạt trong dịp này dự kiến khoảng 500.000 lượt người, nên UBND TP. Đà Lạt đã có chủ trương cho phép nhà dân vùng trung tâm có điều kiện sẽ được mở cửa đón du khách.

Với Festival hoa Đà Lạt lần thứ VI - 2015 “muôn màu sắc hoa”, người dân Đà Lạt và cả du khách đặt ra khá nhiều kỳ vọng, trong đó việc khẳng định thương hiệu thành phố Festival hoa là một trong những nội dung rất đáng được quan tâm.


Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây