Nhật Bản ra mắt bản dịch Hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
Thứ tư - 14/08/2013 21:50
- Đã xem: 966
Tại Hội quán văn hóa quốc tế ở thủ đô Tokyo, nhóm các dịch giả Nhật Bản thuộc Công ty xuất bản Coal Sack chiều 6/8 đã công bố bản dịch cuốn hồi ký nổi tiếng “Gia đình, bạn bè và đất nước” của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.
|
Dịch giả Hisao Suzuki với bản dịch tiếng Nhật cuốn Hồi ký "Gia đình, bạn bè và đất nước" của nguyên PCT Nguyễn Thị Bình. (Nguồn: Hữu Thắng/Vietnam+) |
Việc công bố bản dịch cuốn Hồi ký được cho là một trong những sự kiện hết sức ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản.
Cuốn Hồi ký bản tiếng Nhật là một cơ hội để bạn bè quốc tế có dịp tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của bà với tư cách là nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên của Việt Nam, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hòa đàm Paris, đồng thời cũng cung cấp một góc nhìn chân thực về một Việt Nam kiên cường và con người Việt Nam bất khuất trong đấu tranh giải phóng dân tộc-thống nhất đất nước.
Trong trang đầu của cuốn sách, cựu Thủ tướng Nhật Bản Tomiichi Murayama ngày 10/7 vừa qua đã viết những dòng chia sẻ đầy xúc động: “Việc có thể đọc được cuốn Hồi ký của một nhân vật nổi tiếng thế giới như bà Nguyễn Thị Bình, có trong mơ tôi cũng không dám nghĩ tới… Tôi nhận thức được rằng chiến tranh Việt Nam, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là cuộc chiến tranh nhân dân lớn nhất thế kỷ 20 còn lưu lại trong lịch sử nhân loại.”
Cựu Thủ tướng Murayama cũng cho biết 50 năm trước, ông từng tham gia các cuộc biểu tình phản chiến, ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam và phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam. Ông bày tỏ hy vọng không chỉ có những người bạn của Việt Nam, những người mong muốn “hòa bình cho Việt Nam!” (trong phòng trào phản chiến), mà cả những bạn trẻ yêu chuộng hòa bình trên thế giới cần đọc cuốn hồi ký này.
Giáo sư Đại học Seisa, ông Konaka Yotaro, một thời từng tham gia phong trào phản chiến, cho rằng cuốn hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình không chỉ là câu chuyện về gia đình-bạn bè mà còn là câu chuyện về đất nước Việt Nam anh dũng, bất khuất. Là người Nhật may mắn hai lần diện kiến tác giả cuốn Hồi ký, ông Yotaro bày tỏ sự khâm phục trước nhân cách và trí tuệ của nguyên Phó Chủ tịch nước, về cuộc đời và sự nghiệp của bà cũng như khâm phục nhân dân Việt Nam kiên cường, bất khuất, luôn giành chiến thắng trước mọi kẻ thù xâm lược dù cho kẻ thù đó có hùng mạnh đến đâu để giành lấy độc lập-tự do cho dân tộc.
Vị giáo sư cho rằng thế hệ trẻ Nhật Bản cần hiểu hơn về quá khứ hào hùng của Việt Nam và cuốn hồi ký bằng tiếng Nhật là một trong những cơ hội hết sức quý báu.
Cùng ngày, nhóm dịch giả Nhật Bản và Việt Nam do ông Hisao Suzuki, dịch giả kiêm Chủ tịch Công ty Coal Sack, chủ biên cũng công bố tuyển tập thơ về độc lập và tự do của Việt Nam tuyển chọn từ 105 bài thơ và những áng văn bất hủ của các nhà thơ và danh nhân đất Việt cùng 70 bài thơ của các nhà thơ Nhật Bản. Cuốn sách dày hơn 630 trang này không chỉ là những vần thơ và câu văn được xếp vào hàng tuyệt tác của văn học mà còn chứa đựng trong đó cả những câu chuyện lịch sử, pho sử vẻ vang về dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Trong số, 105 nhà thơ trong tuyển tập có cả những danh nhân lịch sử, danh nhân văn hóa như Lê Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, các chí sĩ cách mạng như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cùng các danh sỹ và thi nhân nổi tiếng từ thuở xưa cho đến hiện tại như Trương Hán Siêu, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn-Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Huy Cận, Tố Hữu, Tế Hanh…
Điểm đặc biệt của cuốn sách là nhóm tác giả đã dịch sang ba thứ tiếng Nhật, Việt và Anh mà theo ông Suzuki, ông không chỉ muốn người Nhật đọc được những vần thơ tuyệt vời này mà cả bạn đọc trên toàn thế giới có dịp hiểu sâu hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Tác giả tuyển tập thơ Hisao Suzuki cho biết có những lúc dịch thơ, ông đã khóc vì sự đồng cảm và rung động sâu xa trước những “lời tự sự” trong các bài thơ về nỗi mất mát, chia ly của các gia đình Việt Nam trong chiến tranh, về lòng quả cảm và đức hy sinh của những người vợ, người mẹ và cả lòng vị tha của người Việt Nam sau những mất mát to lớn.
Điều đọng lại của tuyển tập thơ và cũng là tư tưởng xuyên suốt mà nhóm dịch giả muốn truyền tải đến bạn đọc ở Nhật Bản và trên thế giới đó là khát vọng vươn tới độc lập-tự do của dân tộc Việt Nam, một chân lý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của chúng ta, từng khẳng định trong bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ngày 2/9/1945: “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”.
Nguồn TTXVN