Văn hóa - Mục tiêu và động lực phát triển kinh tế - xã hội

Thứ tư - 14/08/2013 21:35 - Đã xem: 1193
Sáng nay (8/8), tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm (1998-2013) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Toàn cảnh Hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân dự Hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm và chăm lo phát triển văn hóa, coi văn hóa là một mặt trận quan trọng trên lĩnh vực tư tưởng, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của đất nước ta, của nhân dân ta.

Nghị quyết Trung ương 5 thể hiện tầm nhìn chiến lược và tư duy cách mạng của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới, với việc đánh giá cao vai trò, sứ mệnh cao cả của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - chính trị - xã hội; sự hình thành, phát triển nhân cách trí tuệ con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng, phát triển văn hóa là sự nghiệp cách mạng lâu dài của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết, nhận thức về vai trò, vị trí văn hóa trong Đảng, trong toàn xã hội được nâng lên rõ rệt. Chủ trương của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa lan tỏa rộng sâu rộng trong đời sống xã hội. Nguồn lực văn hoá, mà trước hết là nguồn lực con người ngày càng được phát huy, phát triển toàn diện. Quan hệ hợp tác quốc tế về văn hóa ngày càng được mở rộng và phát huy sức mạnh. Nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) cần đặt trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011). Theo đó, nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời gian tới là rất nặng nề.

Vì vậy, ngành VHTTDL phải chủ động phối hợp với các ngành, các cấp nghiên cứu, có những cách làm hay, sáng tạo, thực hiện các giải pháp hiệu quả nhất để tranh thủ cơ hội, phát huy những tiềm năng, lợi thế, những mặt tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực, mặt trái của cơ chế thị trường đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thủ tướng cho rằng quá trình hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, để dân tộc ta “không đánh mất bản sắc của mình” trong thế giới luôn phát triển và biến động khó lường, để hội nhập mà không hòa tan, toàn ngành VHTTDL phải tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa, tích cực triển khai Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020.

Xây dựng các kế hoạch hành động phù hợp nhằm phát huy nội lực, khai thác các lợi thế, thành tựu đã đạt được và thế mạnh của công nghệ thông tin, truyền thông toàn cầu, hội nhập quốc tế để chủ động hội nhập văn hoá, vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, vừa giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, làm giàu truyền thống văn hoá dân tộc từ tinh hoa văn hoá nhân loại, đồng thời có đóng góp tích cực vào kho tàng văn hoá nhân loại.

Bên cạnh đó, phải kế thừa tinh hoa trong nhân cách văn hóa Việt Nam từ ngàn đời để xây dựng con người Việt Nam với các giá trị văn minh mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là nhiệm vụ trọng tâm của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa.

Mỗi người dân, gia đình, làng xã, công sở, đơn vị, doanh nghiệp và cả xã hội cùng nỗ lực, sáng tạo, chung tay xây dựng môi trường văn hóa quốc gia lành mạnh, văn minh và là nền tảng cho quá trình nhập thân văn hóa của mỗi người chúng ta hôm nay và các thế hệ mai sau.

Thủ tướng lưu ý, ngành VHTTDL cần phải tăng cường hơn nữa vai trò và trách nhiệm quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực đời sống văn hóa xã hội; tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa Việt Nam văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc, truyền thống dân tộc với những thiết chế văn hóa mới xứng tầm thời đại, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân ta cả trước mắt và mai sau.

Theo Chinhphu.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây