Vì sao Bộ VHTTDL “phớt lờ” cảnh báo của Bộ Tài chính?

Thứ tư - 02/04/2014 05:20 - Đã xem: 1037
Khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trong phiên họp thường kỳ của Chính phủ ngày hôm qua rằng chưa được báo cáo cụ thể phương án thế nào, chi cái gì, kế hoạch cụ thể ra sao trong kế hoạch đăng cai ASIAD của VN thì không ít người giật mình: Lẽ ra việc đăng cai ASIAD, chi phí cụ thể phải được đệ trình, tính toán trước khi ra tranh quyền đăng cai, chứ không phải đợi đến khi “đã bị cài vào thế” như hiện nay.
Con số 150 triệu USD mà Bộ VHTTDL đưa ra để xin Chính phủ được vận động tranh quyền đăng cai ASIAD 18 là “rất sơ sài và không dựa trên những tính toán cụ thể nào” như nhận xét của nguyên Vụ trưởng vụ Thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh. Từ những đánh giá sơ sài về hệ thống cơ sở vật chất, khoản kinh phí chi cho việc đào tạo VĐV..., Bộ VHTTDL đã “vẽ” ra một kế hoạch đăng cai ASIAD rất “ngon, bổ, rẻ” và được đồng ý. 

Điều đáng tiếc là thời điểm năm 2011, việc đăng cai này lại rất thiếu ý kiến phản biện. Chỉ có cảnh báo từ phía Bộ Tài chính trong công văn gửi Bộ VHTTDT do Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh ký, cho rằng đề xuất đăng cai ASIAD là gánh nặng cho ngân sách và số thực chi có thể còn cao hơn con số mà Bộ VHTTDL đề ra. Bộ Tài chính cũng đã đề nghị không tổ chức ASIAD, chờ đến khi điều kiện kinh tế đất nước cho phép.

Trước cảnh báo của Bộ Tài chính, Bộ VHTTDL đã điều chỉnh các con số từ 300 triệu USD (từ dự toán ban đầu) xuống 150 triệu USD, điều chỉnh kinh phí ngân sách trung ương từ 96% xuống 28% (kinh phí xã hội hóa 72% mà không kề có kế hoạch kêu gọi tài trợ nào).
Một minh chứng khá cụ thể cho bản đề án đăng cai ASIAD rất sơ sài và “cầm đèn chạy trước ô tô” của Bộ VHTTDL là việc kiêu gọi đối tác nước ngoài đầu tư vào trường đua xe lòng chảo trong khi không đáp ứng được điều kiện của họ là được kinh doanh cá cược, dù luật pháp hiện hành chưa cho phép.
Một minh chứng nữa là Bộ VHTTDL đã không hề đưa ra con số cụ thể về số tiền xây mới các công trình như sân hockey, trường đua ngựa, sân bóng chày. Theo một quan chức ngành thể thao, bản dự án ấy “quên mất” một hạng mục quan trọng buộc phải có là các công trình cho môn đua thuyền, canoing, rowing với kinh phí ít nhất là 500 tỉ đồng.

Có vẻ như thể thao VN sẽ phải trả giá cho một kế hoạch rất ẩu, bởi từ con số 150 triệu USD ngay từ đầu đã thiếu minh bạch...

Nguồn tin: Lao Động Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây