Chiều 2-6, Tổng công ty Ba Son tổ chức lễ bàn giao hai tàu tên lửa M3, M4, phiên hiệu 379 và 380, cho Quân chủng Hải quân. Dự lễ có Thượng tướng Trương Quang Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP HCM.
Hai tàu trên được khởi công tháng 10-2011 và đến tháng 4-2015 được thử nghiệm thu kỹ thuật bắn đạt thật thành công. Tàu M3 và M4 là những tàu chiến hiện đại có hỏa lực mạnh, quy tụ nhiều thành tựu kỹ thuật tiên tiến.
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Trương Quang Khánh biểu dương cán bộ, công nhân viên của Tổng công ty Ba Son đã khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đóng những tàu tên lửa hiện đại và nhấn mạnh việc bàn giao cặp tàu thứ hai là một sự kiện đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam nói chung, ngành đóng tàu quân đội nói riêng, Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật đóng tàu quân sự hiện đại.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu Tổng công ty Ba Son tập trung ưu tiên bố trí các phương tiện, nhân lực có trình độ cao để hoàn thành, nghiệm thu và bàn giao cặp tàu tên lửa thứ ba còn lại theo đúng thời hạn, bảo đảm chất lượng, an toàn tuyệt đối.
Việc bàn giao và đưa vào sử dụng cặp tàu trên sẽ góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hiện tại, Tổng công ty đang thực hiện đóng cặp tàu thứ ba M5, M6, dự kiến sẽ hoàn thành và bàn giao giữa năm 2016. Trước đó, cặp tàu thứ nhất M1, M2 đã bàn giao cho Vùng 2 Hải quân vào tháng 6-2014 và được khai thác và sử dụng hiệu quả.
Theo hợp đồng năm 2009, 6 tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya (hay còn gọi là loạt tàu M, hay tàu tên lửa 12418) do Nga chuyển giao công nghệ cho Việt Nam được triển khai đóng tại Tổng công ty Ba Son (TP HCM), một trong những cơ sở đóng tàu hàng đầu của quân đội.
Tàu tên lửa Molniya là một trong những tàu tên lửa tấn công hiện đại, được đánh giá là hoàn thiện và hoạt động ổn định hàng đầu thế giới hiện nay do Viện thiết kế Hải quân Almaz (Liên bang Nga) thiết kế. Việc đóng mới thành công 4 tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya đã ghi nhận dấu mốc quan trọng trong lịch sử lĩnh vực đóng tàu quân sự Việt Nam.
Tàu tên lửa tấn công nhanh Molniya thuộc lớp 1241.8 là một trong những loại tàu có thiết kế phức tạp thể hiện thành tựu mới nhất của tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tàu có lượng giãn nước 560 tấn, có tính năng đi biển rất cao với vận tốc tối đa gần 70 km/h trong điều kiện tiêu chuẩn. Thời gian hoạt động trên biển là 10 ngày, cự ly hoạt động khi chạy ở tốc độ trung bình từ 1.650 đến 2.400 hải lý. Tàu được thiết kế để tiêu diệt các đội hoặc nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các đội tàu khác của đối phương một cách độc lập; bảo vệ các tàu ngầm, tàu đổ bộ; thực hiện nhiệm vụ trinh sát…
Trên tàu tích hợp nhiều hệ thống thiết bị công nghệ cao, kết hợp tốt nhất giữa khả năng tiến công và phòng thủ như: Các hệ thống vũ khí khí tài, hệ thống động lực, hệ thống thiết bị điều khiển, hệ thống bảo vệ và kết cấu đảm bảo sức sống tàu, tính năng đi biển, hoạt động độc lập và các thiết bị khác.
Hệ thống hỏa lực trên tàu được trang bị hệ thống tên lửa Kh-35 Uran-E với 16 quả đạn tên lửa được bố trí ở 4 bệ phóng 2 bên sườn tàu. Loại tên lửa này có khả năng đánh chìm chiến hạm có lượng giãn nước cỡ 5.000 tấn, với tầm bắn lên đến 130 km.
Ngoài hệ thống tên lửa Uran-E, tàu còn được trang bị một pháo hạm tự động AK-176M cỡ nòng 76,2mm tầm bắn 15 km, tốc độ 130 phát/phút, 2 pháo phòng không cao tốc Ak-630M với tốc độ bắn lên đến 5.000 phát/phút, 2 pháo 6 nòng tự động AK-630M có tầm bắn 4-5 km và nhịp bắn 4.000-5.000 phát/phút.
Dưới đây là một số hình ảnh tại lễ bàn giao 2 tàu tên lửa tấn công nhanh 379 và 380:
Hệ thống hỏa lực trên tàu được trang bị hệ thống tên lửa Kh-35 Uran-E với 16 quả đạn tên lửa được bố trí ở 4 bệ phóng 2 bên sườn tàu
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...