Nhật - Ấn chia sẻ thông tin về biển Đông

Thứ sáu - 03/04/2015 02:51 - Đã xem: 1083
Nhật Bản và Ấn Độ cam kết tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh, đặc biệt là an ninh biển, trong bối cảnh có những chuyển biến phức tạp trong khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar (bìa phải) thăm tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật ngày 31.3 - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar (bìa phải) thăm tàu sân bay trực thăng Izumo
của Nhật ngày 31.3 - Ảnh: Reuters
Theo Hãng thông tấn Ấn Độ Press Trust India, cam kết trên được đưa ra trong chuyến thăm Nhật của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar từ ngày 29.3 đến 1.4. Hồi tháng 9.2014, Tokyo và New Delhi đã nhất trí nâng cấp quan hệ an ninh nhằm duy trì an ninh trên biển và giải quyết hòa bình các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa các nước.
Theo tờ Tribune, Ấn Độ và Nhật đã thảo luận về một mạng lưới chuyên biệt gồm 24 quốc gia nhằm trao đổi dữ liệu trong thời gian thực về việc đi lại trên biển của cả tàu buôn lẫn tàu chiến hoạt động tại Ấn Độ Dương, các khu vực của Thái Bình Dương và đặc biệt tại biển Đông. Về khả năng chia sẻ thông tin với Nhật, tờ The Times of India dẫn một nguồn tin Ấn Độ nhấn mạnh: “Ấn Độ có thể cung cấp dữ liệu về Ấn Độ Dương, nơi chúng tôi có nguồn lực giám sát mọi thứ. Đổi lại, Nhật có thể chia sẻ cho chúng tôi thông tin về biển Đông, nơi Ấn Độ có một số lợi ích chiến lược”.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Tokyo, ông Parrikar cũng đã gặp Thủ tướng Shinzo Abe và người đồng cấp Nhật Gen Nakatani tại cuộc đối thoại quốc phòng thường niên giữa hai nước. “Một mối quan hệ đối tác mạnh giữa Ấn Độ và Nhật không chỉ vì quyền lợi của hai nước mà còn quan trọng với hòa bình và an ninh trong khu vực”, PTI dẫn lời Thủ tướng Abe nói tại buổi tiếp Bộ trưởng Parrikar.
Những mối bận tâm chung về kinh tế và an ninh đang thúc đẩy hai nước có chi tiêu quân sự lớn thứ hai và thứ ba châu Á xích lại gần nhau trong bối cảnh tình hình khu vực có những diễn biến phức tạp. Nhật đang nới lỏng các quy định về xuất khẩu thiết bị quốc phòng trong khi Ấn Độ, nước nhập khẩu thiết bị quốc phòng lớn nhất thế giới, đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội để đối phó với những thách thức mới.
Tại cuộc gặp giữa ông Parrikar với ông Nakatani, 2 bên đã thảo luận những lĩnh vực hợp tác tiềm năng về thiết bị quốc phòng và “nhấn mạnh sự cần thiết theo đuổi các dự án hợp tác cùng có lợi trong tương lai”. Hai bên cũng “rà soát lại những diễn biến chiến lược liên quan đến tình hình an ninh quốc tế với trọng tâm là các khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”.
Nhật có thể mở rộng hoạt động đến Ấn Độ Dương
Theo Reuters, Tư lệnh Hạm đội 7 của Mỹ, Đô đốc Robert Thomas, ngày 31.3 tuyên bố nỗ lực của Thủ tướng Abe vận động quốc hội Nhật cho phép vận dụng quyền phòng vệ tập thể sẽ giúp các lực lượng Mỹ và Nhật hợp tác chặt chẽ hơn trên khắp châu Á.
 Cụ thể, các sứ mệnh chung có thể mở rộng từ Nhật qua biển Đông đến Ấn Độ Dương. Phát biểu tại một cuộc họp báo trên tàu chỉ huy USS Blue Ridge ở Yokohama, Đô đốc Thomas khẳng định người Nhật “có khả năng và năng lực hoạt động trên các vùng biển và không phận quốc tế ở bất kỳ đâu trên toàn cầu”.
Trong phản ứng đưa ra cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh cảnh báo liên minh Mỹ - Nhật “không nên vượt quá phạm vi song phương, cũng không được gây tổn hại an ninh và quyền lợi của các nước trong khu vực”. Trong một diễn biến liên quan, không quân Trung Quốc ngày 30.3 đã tiến hành cuộc tập trận đầu tiên trên không phận tây Thái Bình Dương.
Theo đó, các máy bay Trung Quốc đã bay qua vùng trời eo biển Bashi nằm giữa Đài Loan và Philippines rồi quay lại trong ngày.

Trùng Quang

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây