Mỹ hỗ trợ Cộng đồng kinh tế ASEAN như thế nào?

Thứ tư - 09/12/2015 02:32 - Đã xem: 1093
Đại sứ Mỹ tại ASEAN Nina Hachigian đã chia sẻ về dự án đặc biệt dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời đánh giá cao sự thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN.
Mở đầu cuộc họp báo qua điện thoại ngày 2.12, Đại sứ Hachigian nhấn mạnh “2015 là một năm hoành tráng cho ASEAN”, cũng như cho quan hệ giữa ASEAN - Mỹ.
Theo số liệu do Nhà Trắng cung cấp, ASEAN là đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của Mỹ. 10 quốc gia ASEAN là đối tác giao thương hàng hóa lớn thứ 4 của Mỹ, thậm chí còn đứng trước Nhật Bản. Tổng kim ngạch song phương đạt 216 tỉ USD trong năm 2014. Trong khi đó, đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) của Mỹ vào ASEAN đạt 226 tỉ USD trong năm qua, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm trước và vượt tổng FDI của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc gộp lại. Theo Đại sứ Hachigian, trong vòng 5 năm qua, Mỹ đã chi khoảng 4 tỉ USD cho công tác hỗ trợ phát triển của ASEAN.
Hiện Mỹ và ASEAN đang tăng cường các quan hệ thương mại và kinh tế song phương, tạo ra những cơ hội kinh doanh và nghề nghiệp cho cả đôi bên, thông qua các chương trình và sáng kiến như Hiệp định khung về thương mại và đầu tư Mỹ - ASEAN (TIFA), sáng kiến Gắn kết kinh tế mở rộng (E3) và chương trình Kết nối ASEAN thông qua thương mại và đầu tư (ACTI).
Theo nhận định của đại sứ Mỹ, việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ càng mang lại lợi ích to lớn hơn nữa cho toàn bộ 10 nước thành viên cũng như Mỹ. Nhà nữ ngoại giao cho rằng AEC đóng vai trò vô cùng quan trọng vì nó cho thấy sự cam kết chính trị ở tầm cao nhất nhằm đạt được một tương lai hòa nhập mạnh mẽ hơn.
Cầu nối SME
Trong các hoạt động hợp tác chung giữa Mỹ - ASEAN, bao gồm việc triển khai sáng kiến Một cửa sổ ASEAN (ASW), cải thiện kết nối và cơ sở hạ tầng, bà Hachigian nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường năng lực các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), đặc biệt tại các thành viên kém phát triển hơn trong cộng đồng.
Vào tuần trước, Hãng Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc Tập đoàn The Economist đã nhận định rằng sẽ có nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy Campuchia, Lào, Myanmar và VN tăng tốc để bắt kịp những nền kinh tế lớn hơn của khu vực, với mục tiêu tạo ra những tiêu chuẩn đồng nhất trong nội bộ ASEAN. “Ví dụ như chính quyền Myanmar không chắc sẽ cảm thấy nhu cầu bức thiết phải mở cửa nền kinh tế thu hút cạnh tranh như giới chức Singapore, do cộng đồng SME vẫn chưa được chuẩn bị thỏa đáng”, theo ghi nhận của EIU.
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc liệu Washington có điều chỉnh chính sách về ASEAN sau khi AEC được thành lập hay không, Đại sứ Hachigian cho hay Mỹ luôn là nước ủng hộ mạnh mẽ cộng đồng ASEAN, chẳng hạn từ năm 2008 đã hỗ trợ sáng kiến Một cửa sổ ASEAN. Đây là một cơ chế hải quan mà khi hoàn tất, doanh nghiệp nào muốn xuất hay nhập khẩu vào ASEAN chỉ cần điền vào giấy tờ đăng ký trong lần duy nhất, sau đó tài liệu này sẽ được chia sẻ với mọi nước thành viên. “Do vậy, sáng kiến này thật sự đẩy nhanh tốc độ lưu thông hàng hóa dọc theo các biên giới đồng thời giảm thiểu những trường hợp nhũng nhiễu”, theo bà Hachigian.
Đại sứ Hachigian cũng dành nhiều thời gian nhấn mạnh vào chương trình hỗ trợ SME và đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp trẻ trong khu vực, với mục tiêu rút ngắn khoảng cách giữa các nền kinh tế khu vực và tiến tới mục tiêu thực hiện cam kết hỗ trợ ASEAN tạo ra một sân chơi chung cho các thành viên trong khối.
Nữ đại sứ cho biết Mỹ vẫn tiếp tục tổ chức các khóa huấn luyện cho những người đứng đầu các SME thông qua chương trình do Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) hợp tác với Hội đồng Thương mại ASEAN. Chương trình này đã mang lại nhiều kỹ năng cần thiết cho hơn 3.500 chủ doanh nghiệp. Trong năm nay, một chương trình huấn luyện về thương mại điện tử sẽ được lên kế hoạch.
Triển vọng Ngân hàng SME ASEAN
Với vai trò xương sống trong phát triển kinh tế ở gần như mọi nước ASEAN, SME là đối tượng của nhiều sáng kiến nhằm kích thích tăng trưởng. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính II của Malaysia Ahmad Husni Hanadzlah cho biết nước này đang vận động thành lập Ngân hàng SME ASEAN nhằm hỗ trợ các SME trong khu vực. Theo ông Ahmad Husni, ở một số nước ASEAN, các doanh nghiệp SME có sản phẩm nhưng do nằm ở vùng nông thôn nên họ khó tiếp cận được nguồn tài chính. “Chúng tôi hy vọng mọi quốc gia trong ASEAN sẽ đồng ý về việc thành lập ngân hàng vì lợi ích của doanh nghiệp ở mỗi nước”, ông Ahmad Husni nói với Hãng tin Bernama.

Thụy Miên

Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây