Nỗ lực thu hồi nợ thuế để giảm áp lực cho ngân sách

Thứ sáu - 21/06/2013 08:19 - Đã xem: 992
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến 31/3/2013, nợ thuế chuyên thu quá hạn của ngành hải quan là khoảng 6.003 tỷ đồng, so với thời điểm 31/12/2012 tăng khoảng 221 tỷ đồng. Đây là những con số rất đáng lo ngại trong bối cảnh nguồn thu ngân sách cực kỳ khó khăn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến 31/3/2013, nợ thuế chuyên thu quá hạn của ngành hải quan là khoảng 6.003 tỷ đồng, so với thời điểm 31/12/2012 tăng khoảng 221 tỷ đồng. Trong khi đó, số liệu của Cục Hải quan Tp. Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tính đến 31/5/2013, tổng số thuế nợ quá hạn tại đơn vị trên 1.900 tỷ đồng. Trong đó, nợ không có khả năng thu hồi khoảng trên 600 tỷ đồng, giảm 27 tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2012. Đây là những con số rất đáng lo ngại trong bối cảnh nguồn thu ngân sách cực kỳ khó khăn.

Nhiều hạn chế do cơ chế chính sách

Lý giải con số 6.003 tỷ đồng nợ thuế chuyên thu quá hạn của ngành hải quan, bà Lỗ Thị Nhụ, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng cục Hải quan) cho biết, số nợ này đa số là nợ phát sinh trước khi Luật Thuế xuất nhập khẩu có hiệu lực thi hành (trước 1/1/2006). Theo đó, doanh nghiệp (DN) được nợ thuế mà không ràng buộc điều kiện phải là DN chấp hành tốt pháp luật thuế như Luật Quản lý thuế nên có một số DN chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn, sau đó bỏ trốn hoặc tự giải thể. Hiện số nợ thuế giải thể, phá sản, bỏ trốn tại thời điểm này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.



Trong khi đó, ngay cả khi Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ 1/7/2007 thì một số quy định của Luật vẫn gây khó khăn. Điển hình là quy định cho phép ân hạn nộp thuế trong thời gian dài đối với hàng tạm nhập - tái xuất và hàng hoá nhập khẩu khác (trừ hàng tiêu dùng) mà không phải bảo lãnh, dẫn đến khi đã giải phóng hàng, một số DN chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn hoặc dù có khả năng thanh toán vẫn dựa vào chính sách của Nhà nước để chiếm dụng vốn, không nộp thuế đúng hạn. Đã thế, việc thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 93 Luật Quản lý thuế sẽ không thật sự hiệu quả do quy trình thủ tục còn rườm rà, phức tạp.

Bên cạnh đó, tuy Luật Quản lý thuế có hiệu lực nhưng trong quá trình thực hiện một số điều Luật còn hạn chế như việc cho ân hạn nộp thuế trong thời gian dài đối với hàng tạm nhập - tái xuất và hàng hoá nhập khẩu khác (trừ hàng tiêu dùng) nhưng không phải bảo lãnh, nên khi đã giải phóng hàng, một số DN chây ỳ, không nộp thuế đúng hạn hoặc dù có khả năng thanh toán vẫn dựa vào chính sách của Nhà nước để chiếm dụng vốn, không nộp thuế đúng hạn.

Một nguyên nhân nữa, đó là các biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Điều 93 Luật Quản lý thuế cũng bộc lộ những mặt hạn chế và chưa thực sự đủ răn đe. Trong khi đó, trong những tháng đầu năm 2013, số nợ thuế đang tăng lên điều này là do DN giải thể và phá sản khá nhiều. Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2013 có 13.011 DN ngừng hoạt động, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm 2012 và giảm 1,7% so với quý trước đó. Trong đó, số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động là 3.567, gần 9.500 đơn vị khác ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng thuế…

Nhiều giải pháp mạnh mẽ

Trước tình trạng chây ỳ, nợ đọng thuế đang diễn biến khá phức tạp, Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan cũng đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ để thu hồi các khoản thuế nợ đọng, tránh thất thu cho ngân sách.

Tổng cục Hải quan đã chú trọng tích cực triển khai các biện pháp thu đòi nợ thuế, cụ thể đã ban hành để chỉ đạo một cách quyết liệt công tác đôn đốc thu hồi nợ đọng và không để phát sinh nợ mới. Hiện Tổng cục Hải quan đang xây dựng Quy trình theo dõi và quản lý nợ thuế. Quy trình này sẽ quy định nội dung, trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện công tác theo dõi quản lý nợ thuế đối với hàng hoá XNK. Bên cạnh đó, Quy trình cũng áp dụng để theo dõi quản lý nợ thuế đối với hàng hóa XNK tại cơ quan Hải quan các cấp. Cụ thể, Quy trình đưa ra các tiêu chí phân loại nợ (nhóm nợ khó thu, nhóm nợ chờ xử lý, nhóm nợ có khả năng thu), các bước thực hiện quản lý nợ…

Bà Lỗ Thị Nhụ cho biết, để khắc phục tình trạng nợ thuế, ngành hải quan đã kiến nghị sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế; Nghị định 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007, Nghị định 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ; Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Luật sửa đổi bổ sung Luật Quản lý thuế, theo hướng tăng cường công tác quản lý nợ thuế. Theo đó, sẽ quy định chặt chẽ hơn điều kiện áp dụng thời hạn nộp thuế 275 ngày đối với nguyên liệu vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu nhằm đảm bảo tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý thuế; khắc phục tình trạng chây ỳ, dây dưa, kéo dài việc nộp thuế sau đó bỏ trốn gây thất thu thuế, thực hiện thu đúng, đủ, kịp thời tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Tổng Cục Hải quan cũng sẽ bổ sung quy định về xóa nợ tiền thuế, tiền phạt đối với khoản nợ thuế đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế nhưng không có khả năng thu hồi, góp phần làm trong sạch nợ thuế. Cùng với đó, bổ sung quy định về nộp dần tiền thuế trên cơ sở có cam kết của người nộp thuế và bảo lãnh của tổ chức tín dụng để giảm các trường hợp phải cưỡng chế thuế và hỗ trợ cho người nộp thuế.

Ngoài ra, ngành hải quan cũng kiến nghị sửa đổi các biện pháp cưỡng chế để tăng chế tài đối với việc nợ thuế. Cụ thể, sửa đổi bổ sung trong trường hợp người nộp thuế có hành vi bỏ trốn tẩu tán tài sản thì người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế quyết định việc áp dụng biện pháp cưỡng chế phù hợp để đảm bảo thu hồi nợ thuế kịp thời cho ngân sách nhà nước.

Ngoài các kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách, công tác về tổ chức thực hiện cũng được Tổng cục Hải quan chú trọng như: nâng cấp hệ thống kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thành lập Ban thu hồi nợ thuế để định hướng, chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện công tác thu hồi nợ; hướng dẫn các Cục, Chi cục Hải quan nâng cao trách nhiệm trong việc xử lý, thu hồi nợ, gắn trách nhiệm của cán bộ công chức với việc khen thưởng kỷ luật nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong công tác thu hồi nợ; phối hợp cùng với các cơ quan Công An, cơ quan pháp luật, cơ quan Thuế có liên quan để thu hồi nợ…

Cùng với ngành hải quan, ông Trịnh Hoàng Cơ, Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ, Tổng cục Thuế cho biết, từ nay đến hết năm 2013, ngành thuế cũng sẽ triển khai nhiều biện pháp thu hồi nợ đọng. Thứ nhất, ban hành văn bản hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, trong đó có liên quan đến vấn đề quản lý nợ vì luật sửa đổi, bổ sung có nhiều điều khoản tháo gỡ khó khăn cho DN. Thứ hai, xử lý vướng mắc với DN nảy sinh trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giúp đối tượng nộp thuế hiểu cách tính của cơ quan thuế, từ đó nộp thuế đúng quy định. Thứ ba, đôn đốc đối với DN nợ thuế khác theo đúng quy định, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Thứ tư là phối hợp với các ban ngành tạo điều kiện tháo gỡ các vướng mắc chung trên địa bàn, để DN yên tâm nộp thuế. "Cuối cùng, đối với những DN chây ỳ, chúng tôi sẽ tổ chức cưỡng chế" - ông Cơ nhấn mạnh.


                                                                                                                Quốc Huy

 
TÌNH TRẠNG CHAY Ì NỢ ĐỌNG THUẾ HIỆN NAY ĐÂU LÀ NGUYÊN NHÂN ?
Hiện nay nước ta tình hình hình kinh tế khó khăn , thị trường bất động sản bị đóng băng , nên có nhiều doanh nghiệp kinh doanh bị thua lỗ, nợ vay ngân hàng không thanh tóan được, nên chưa thực hiện được nghĩa vụ nộp thuế đúng thời gian quy định. Tuy nhiên vẫn có nhiều doanh nghiệp họat động kinh doanh có lãi , có khả năng nộp ngân sách, nhưng vẫn cố tình không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Do cơ chế chính sách quy định kéo dài thời gian cho các đối tượng nộp thuế, có nhiều trường hợp chuyển sang năm sau mới nộp, nên những năm qua vấn đề nợ đọng thuế của các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh liên tục gia tăng, mặc dù chính quyền địa phương các cấp và ngành thuế đã tích cực có nhiều biện pháp tích cực nhưng cũng chưa chuyển biến . Bộ tài chính chỉ đạo phấn đấu nợ tồn đọng thuế cuối năm chỉ dưới 5% , nhưng thực tế các địa phương đều nợ thuế tồn đọng trên 10% , cá biệt có địa phương hơn 50% nợ thuế tồn đọng. Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, về mặt khách quan do chế độ chính sách nộp thuế các đối tượng nộp thuế trước đây được kéo dài đến 90 ngày, nay quy định cho phép kéo dài đến 180 ngày, nếu quá thời gian đó ngành thuế mới áp dụng các biện pháp hành chính để xử lý . Trong thời gian này các đối tượng nộp thuế chỉ nộp tiền phạt thuế do nộp chậm, số tiền nộp phạt chậm thấp hơn so với mức lãi vay hiện nay của các ngân hàng, do vậy không doanh nghiệp, hộ kinh doanh nào lại đi vay ngân hàng để nộp thuế. Về mặt chủ quan có nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm ăn có tinh thần trách nhiệm , đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đúng theo thời gian quy định, tuy nhiên có doanh nghiệp , hộ kinh doanh cố tình trốn thuế ,khi biết đến thời điểm ngành thuế sẽ áp dụng các biện pháp hành chính thì các đơn vị này đã tẩu tán tài sản , nơi kinh doanh chỉ là nơi thuê mặt bằng để kinh doanh , nơi ngân hàng đăng ký tài khoản thì không còn số dư . Cuối cùng cơ quan thuế chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra để xử lý , nhưng không xử lý được do chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm tội trốn thuế , vì các tổ chức này chỉ nợ thuế chứ không phải trốn thuế. Ngoài ra việc hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng xuất khẩu cũng là vấn đề báo động , vì có nhiều doanh nghiệp đã làm hồ sơ khống để hoàn thuế giá trị gia tăng, nhiều vụ đã có đến hàng trăm tỷ đồng. Nếu trước đây việc mua bán, sử dụng trái phép hoá đơn VAT chủ yếu là dùng hóa đơn thật để lập hồ sơ, xuất khẩu hàng hóa khống, chiếm đoạt tiền thuế thì hiện nay các đối tượng lại có những mánh mới: gian lận, chiếm đoạt tiền thuế Nhà nước thông qua việc mua bán hóa đơn, hợp thức hóa đầu vào, tăng chi phí, giảm thu nhập chịu thuế, hợp thức hóa hàng nhập lậu... Nguồn cung cấp hóa đơn chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp ảo lập ra, mục đích các doanh nghiệp này không phải để sản xuất kinh doanh mà để bán hóa đơn hoặc chỉ kinh doanh trá hình, qua mắt cơ quan chức năng. Với những hành vi mua bán hóa đơn đã làm thất thu thuế nhà nước rất lớn Để khắc phục các vấn đề nêu trên cần phải nghiêm khắc xử lý các hành vi mua bán hóa đơn, cố tình không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của người tham gia kinh doanh , đối các nước trên thế giới vấn đề trốn thuế là tội rất nặng, được điều chỉnh trong bộ luật hình sự, nhưng đối với nước ta chỉ xử lý biện pháp hành chính là chủ yếu, nên không mang tính răn đe. Xác định thuế là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi công dân, đề nghị Chính phủ nên có hướng dẫn quy định thời gian cụ thể yêu cầu phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế , nếu quá thời gian các đối tượng phải nộp thuế mà không nộp thì coi như tội trốn thuế phải xử lý theo bộ luật hình sự. Đề nghị Bộ Tài chính không nên ban hành chính sách kéo dài thời gian nộp thuế như các năm qua, vì không phải tất cả các doanh nghiệp đều không có khả năng nộp thuế, điều đó dễ dẫn đến các doanh nghiệp sẽ cố tình trì hoãn việc nộp thuế, nên giao cho các chính quyền các địa phương dưới sự tham mưu của ngành thuế sẽ xem xét cụ thể các doanh nghiệp nào thật sự có khăn làm ăn bị thua lỗ không có điều kiện nộp thuế, thì cho phép kéo dài thời gian nộp thuế không quá 180 ngày như quy định của Bộ Tài chính. Do thời gian kéo dài thời gian nộp thuế không hợp lý các năm qua ,rất nhiều các địa phương không hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách của cấp trên giao năm 2012, hiện nay 6 tháng đầu năm 2013 tiến độ thu thuế rất ì ạch, nhiều địa phương thu mới đạt từ 20 đến 30 % con số quá thấp không đảm bảo chi thường xuyên, chi lương và các chế độ chính sách đây là vấn đề hết sức báo động. Để đảm bảo hòan thành chỉ tiêu nộp ngân sách đối với ngành thuế đã được cấp trên giao dự tóan thu ngay từ đầu năm cho các địa phương. Đề nghị các tổ chức Thanh tra nhà nước , Thanh tra chuyên ngành thuế tăng cường công tác thanh tra các đơn vị nào có dấu hiệu hoạt động tài chính không lành mạnh,không chấp hành nghĩa vụ nộp thuế. Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, hy vọng trong năm 2013 tình hình chay ì ,nợ đọng thuế sẽ giảm, các địa phương sẽ hoàn thành công tác thu ngân sách.
MINH TRÍ

Nguồn tin: Báo Tầm Nhìn Online

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây