Coi rẻ nghĩa tình

Thứ ba - 25/06/2013 10:13 - Đã xem: 1051
Những toan tính ích kỷ, vì tiền đã khiến nghĩa tình, lòng biết ơn, tình cảm ruột thịt trở nên xa xỉ

Giữa tháng 6-2013, phòng xử C của Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM xét xử một vụ tranh chấp đòi tài sản. Nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện đã vào tuổi xế chiều, có quan hệ cô - cháu.


Minh họa: Zara

Đòi 500 triệu đồng công sức quản lý

Theo trình bày của bà L.P (SN 1947), căn nhà 77 m2 trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh, TP HCM) là của cha mẹ bà. Năm 1985, cha mẹ bà xuất cảnh sang Úc và đã làm giấy tặng, cho toàn bộ căn nhà này cho bà. Cuối năm 1989, bà cũng xuất cảnh sang Úc nên làm giấy ủy quyền cho ông L.G (SN 1952, cháu gọi bằng cô) quản lý căn nhà.

Cách đây 2 năm, ông G. xuất cảnh sang Canada nhưng không trao trả căn nhà cho bà P. mà ủy quyền cho một người khác trông coi. Bà P. gửi văn bản thông báo đòi lại nhà cho ông G. nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao. Do đó, bà khởi kiện yêu cầu tòa án buộc ông G. có trách nhiệm trả lại căn nhà.

Ông G. đồng ý trả lại căn nhà với điều kiện bà P. phải trả lại tiền sửa chữa nhà và công sức trông coi, quản lý trong thời gian 23 năm với số tiền 500 triệu đồng.

Cấp sơ thẩm nhận định yêu cầu khởi kiện của bà P. là có căn cứ, buộc ông G. trả lại nhà và bà trả 500 triệu đồng công sức trông coi, bảo quản nhà. Tuy nhiên, do bà P. hiện cư trú tại Úc nên không đủ điều kiện sở hữu nhà tại Việt Nam, chỉ có thể lấy giá trị căn nhà.

Bà P. kháng cáo toàn bộ bản án. Theo đó, bà yêu cầu được giao trả căn nhà để sử dụng, đồng thời không đồng ý trả số tiền 500 triệu đồng cho người cháu.

"Một cắc cũng không đưa…"

"Tôi thấy hoàn cảnh nó khó khăn, không có chỗ ở, bản thân bị thương tật khó tìm việc làm, lại phải nuôi 2 con nhỏ nên tôi thương, làm giấy ủy quyền cho nó quản lý, sử dụng nhà. Gia đình chúng tôi có nhiều người thân hiện đang sinh sống tại Việt Nam. Nếu lúc đó nó từ chối, tôi sẽ nhờ người khác quản lý căn nhà giùm" - người cô nói.

Chưa hết ấm ức, bà lôi tất cả giấy tờ liên quan ra rồi nói: "Trước khi ủy quyền, tôi để lại toàn bộ tiệm thuốc bắc cho gia đình nó mưu sinh. Sau này, nó bán tiệm lấy tiền tiêu xài rồi chuyển sang cho thuê nhà, cho thuê mặt bằng. Như vậy, gia đình nó vừa có chỗ ở ổn định vừa được hưởng lợi từ căn nhà một thời gian dài mà nhiều người khác mơ ước cũng không có…".

Nghe người cô trình bày, đại diện ủy quyền của người cháu phản bác: "Lúc trước, bà P. hứa nếu gia đình bà ấy được xuất cảnh hết sẽ cho ông G. căn nhà luôn. Bây giờ, lời nói gió bay, bà ấy về rồi chửi rủa um sùm đòi nhà. Rõ ràng bà ấy lợi dụng người khác để coi nhà giùm…". Người cô đứng phắt dậy lên tiếng: "Tôi chỉ ủy quyền cho ở thôi. Bây giờ nó định cư ở nước ngoài còn tôi đang muốn hồi hương về Việt Nam nên lấy lại nhà để ở. Theo lẽ, không ở nữa thì phải trả nhà nhưng nó không chịu trả, ủy quyền cho người khác sử dụng, âm mưu cướp nhà của tôi. Nó hành hạ tôi đi đi về về mấy năm trời".

Lắng nghe ý kiến của hai bên, vị chủ tọa nói với bà L.P: "Dù sao cũng máu mủ ruột thịt, cháu bà đã có công giữ gìn, bảo quản tài sản cho gia đình bà trong 23 năm, bà có thể suy nghĩ lại mà đồng ý cho ông L.G số tiền 500 triệu đồng không ?". Bà P. lắc đầu quầy quậy: "Nó âm mưu cướp nhà tôi, tôi không cho, một cắc cũng không cho".

Thở dài, vị chủ tọa quay sang đại diện của người cháu: "Đành rằng trông coi nhà nhưng gia đình ông G. đã sử dụng căn nhà để cho thuê nên cũng có thêm thu nhập, lại không tốn tiền thuê nhà, phía các anh có thể giảm bớt số tiền yêu cầu không?". Đại diện cho người cháu kiên quyết: "Nhà của bà ấy giá trị đến 7 tỉ đồng, bỏ ra 500 triệu đồng có là gì đâu? 23 năm trông coi chứ ít gì?".

Giờ nghị án, hai bên không ngừng lời qua tiếng lại, gây náo động cả phòng xử. Nhìn cảnh ấy, nhiều người thở dài ngao ngán. Vẫn biết đồng tiền có sức mạnh vạn năng nhưng không phải là tất cả. Nhiều thứ cho dù có rất nhiều tiền vẫn không thể mua được, chẳng hạn tình ruột thịt.

Hủy bản án

Để làm rõ về chi phí sửa chữa và cho thuê nhà của người cháu, bảo đảm việc xét xử có tình, có lý và công bằng, sau một thời gian nghị án, HĐXX đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để xét xử lại. "Trong những vụ tranh chấp như thế này, dù HĐXX có tuyên thế nào cũng khó làm vừa lòng cả hai bên. Chỉ có lòng vị tha, biết đặt tình cảm máu mủ ruột rà lên trên hết mới có thể cởi bỏ những ân oán, thù hằn bởi những toan tính ích kỷ" - một vị thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP HCM nói.

Kha Miên

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây