Tòa sơ thẩm phán quyết “tréo ngoe” với luật?

Thứ ba - 16/07/2013 05:55 - Đã xem: 973
Vụ kiện Công ty Thông tin di động “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” Không đồng ý với phán quyết của TAND quận Cầu Giấy, Hà Nội tại bản án sơ thẩm trong vụ kiện “đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” mà Công ty Thông tin di động là bị đơn, anh Nguyễn Thế Đức đã đến Báo Lao Động với mong muốn được xem xét, lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động  

Tháng 2.2009, sau thời gian thử việc, anh Nguyễn Thế Đức được Cty Thông tin di động (TTDĐ), có địa chỉ tại lô VP1, đường Trần Thái Tông, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) số 99/2009 từ ngày 24.2.2009 đến ngày 23.2.2010. Sau khi hết hạn HĐLĐ trên, Cty TTDĐ ký tiếp HĐLĐ số 189/2010 với anh Đức từ ngày 24.2.2010 đến ngày 23.2.2012. Theo sự phân công của Cty, anh Đức làm việc tại Chi nhánh TTDĐ Bắc Giang, thuộc Trung tâm di động khu vực V. Sau khi HĐLĐ số 189/2010 hết hạn, Giám đốc (GĐ) Chi nhánh TTDĐ Bắc Giang vẫn giao việc và anh Đức vẫn làm việc bình thường.

Ngày 27.2.2012, anh Nguyễn Thế Đức nhận được bản photocopy thông báo số 376/VMSC5
ngày 24.2.2012 của GĐ Chi nhánh TTDĐ Bắc Giang thông báo không gia hạn HĐLĐ với anh. Do thông báo trên là bản photocopy và người ký thông báo chưa có ủy quyền của Tổng GĐ Cty TTDĐ - người đã ký hai HĐLĐ trước đó với anh Đức - nên sau ngày 27.2.2012 anh Đức vẫn đi làm. Ngày 8.3.2012, anh Đức có đơn khiếu nại gửi Cty TTDĐ về thông báo nói trên. Ngày 9.3.2012, anh Đức nhận được CV số 376/VMSC5 (bản chính) của Giám đốc Cty TTDĐ khu vực 5 thông báo không ký tiếp HĐLĐ với anh.  Ngày 13.3.2012, Tổng GĐ Cty TTDĐ  có văn bản số 893/VMS – TCHC ủy quyền cho Giám đốc Trung tâm TTDĐ khu vực V “trực tiếp hoặc ủy quyền cho người có thẩm quyền giải quyết đơn khiếu nại của ông Nguyễn Thế Đức”.

Sau hai lần gửi đơn khiếu nại, vụ việc không được giải quyết thoả đáng, ngày 10.9.2012, anh Đức đã gửi đơn khởi kiện Cty TTDĐ tới TAND quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ngày 15.3.2013, TAND quận Cầu Giấy đã xét xử sơ thẩm việc Cty TTDĐ đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với anh Nguyễn Thế Đức.

Tại bản án số 02/2013/LĐ – ST, tòa án cấp sơ thẩm đã bác bỏ yêu cầu khởi kiện của anh  Nguyễn Thế Đức.

Quyền lợi của người lao động phải được đảm bảo

Sau khi HĐLĐ số 189/2010 hết hạn vào ngày 23.2.2012, anh Đức vẫn tiếp tục làm việc, được chấm công và trả lương tại chi nhánh TTDĐ Bắc Giang từ ngày 24.2 đến hết ngày 27.2.2012.

Theo khoản 4, Điều 4 Nghị định 44/2003/NĐ – CP hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động (BLLĐ) về HĐLĐ, thì “Khi HĐLĐ có xác định thời hạn mà người LĐ vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày HĐLĐ hết hạn hai bên phải ký kết HĐLĐ mới. Trong thời gian chưa ký được HĐLĐ mới, hai bên phải tuân theo HĐLĐ đã giao kết. Khi hết thời hạn 30 ngày mà không ký HĐLĐ mới, HĐLĐ đã giao kết trở thành HĐLĐ không xác định thời hạn...”.

Như vậy, sau khi HĐLĐ số 189/2010 hết hạn, anh Đức vẫn làm việc, được chấm công và trả lương thì giữa các bên đã xác lập một HĐLĐ mới.  Trước đó, anh Đức và Cty TTDĐ đã giao kết 2 HĐLĐ xác định thời hạn, nên HĐLĐ mới xác lập lần này phải là HĐLĐ không xác định thời hạn, kể từ ngày 24.2.2012.

Tuy nhiên, bản án sơ thẩm số 02/2013/LĐ – ST của TAND quận Cầu Giấy cũng viện dẫn khoản 4, Điều 4 Nghị định 44/2003/NĐ – CP làm căn cứ  pháp luật, nhưng lại có cách lý giải và vận dụng khác để tuyên Cty TTDĐ đã chấm dứt HĐLĐ đối với anh Đức là đúng pháp luật.

Nhưng tương tự trường hợp của anh Nguyễn Thế Đức, tại CV số 1997/LĐTBXH – LĐTL ngày 22.6.2011, Bộ LĐTBXH trả lời Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương về việc chấm dứt HĐLĐ khi hết hạn hợp đồng, đã hướng dẫn: “HĐLĐ hết hạn vào ngày 31.5.2011 nhưng những ngày sau đó Cty vẫn tiếp tục sử dụng lao động (ngày 1, 2.6.2011) thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hết hạn HĐLĐ (31.5.2011) hai bên phải ký HĐLĐ mới. Trong thời gian chưa ký HĐLĐ mới, hai bên phải tuân theo HĐLĐ đã giao kết.

Như vậy, trường hợp Cty ra thông báo chấm dứt HĐLĐ với hàng loạt người LĐ vào ngày 4.6.2011 (sau 4 ngày kể từ ngày HĐLĐ hết thời hạn) là không đúng quy định của Nhà nước”. Vậy, có thể nói việc vận dụng quy định  pháp luật của TAND quận Cầu Giấy “tréo ngoe” gây bất lợi cho người LĐ.    

Với những căn cứ pháp luật nêu trên, việc Công ty TTDĐ chấm dứt HĐLĐ đối với anh Nguyễn Thế Đức là trái pháp luật, vì thế công ty phải nhận anh Nguyễn Thế Đức trở lại làm việc và phải bồi thường theo quy định tại khoản 1, Điều 41 BLLĐ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của anh Nguyễn Thế Đức theo đúng các quy định của pháp luật.

Liên Minh

Nguồn tin: laodonglaodong.com.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây