Coi thường người Việt, 4 năm ở Việt Nam, du học sinh Nhật đã thất bại

Thứ sáu - 28/03/2014 03:42 - Đã xem: 1028
"Sau 4 năm ở Việt Nam mà bạn chỉ nhìn ra được những điều xấu ấy thì tôi cũng cho là bạn thất bại, chí ít về mặt nhân văn...".

Liên quan đến bài viết về văn hóa con người Việt Nam gây xôn xao dư luận của một bạn du học sinh Nhật, nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã đưa ra quan điểm đáng chú ý.

Tòa soạn xin giới thiệu đến bạn đọc chia sẻ của nhà văn.

"Mấy hôm nay, người ta chú ý nhiều về một bức tâm thư được cho là một sinh viên Nhật, từng ở Việt Nam 4 năm và viết về những cái xấu của người Việt Nam. Trong tất cả những điều bạn ấy viết, bạn ấy chê đúng chứ không sai:

Nào là chúng ta cứ mê mải với "rừng vàng biển bạc", mê mải "4000 năm truyền thống", mà ra đường gặp người chửi nhau, thóa mạ, vứt rác, ăn cắp vặt, tham nhũng, hối lộ...đủ hết.

"Một vài vụ hôi của khi xảy ra tai nạn ở Việt Nam, không thể nói luôn Việt Nam là đất nước của ăn cắp và hôi của. Dứt khoát như thế" - nhà văn Nguyễn Quang Vinh. 
 (Xem thêm: Coi thường người Việt - du học sinh Nhật đang mất cội nguồn)

Một số câu đáng chú ý trong bài viết của bạn này: “Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường. Thật buồn vì đó cũng là điều tôi thấy mỗi ngày”.

"Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư…”.

“Người Việt có một nền di sản độc đáo, một nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, ai cũng nhìn thấy, chỉ có người Việt là không thấy hoặc từ chối nhìn thấy. Vì sao nên nỗi? Tôi đang nhìn thấy một thế hệ, họ không còn biết phải tin vào điều gì, thậm chí còn không dám tin vào chính mình”...

Tôi tiếp cận bài viết, đọc rất kỹ và nhiều lần, nhưng không dẫn lên facebook và không bình luận. Dù có bạn kêu lên sau khi đọc, đúng quá, xấu hổ quá.

Cảm giác ấy cũng đúng luôn. Nhưng tôi muốn nói với bạn người Nhật (nếu thật) và mọi người thế này:

Không ai chọn nơi để sinh ra, tôi là người Việt, bất luận thế nào, tôi phải là người yêu nước mình, tự hào về dân tộc mình, kính trọng nhân dân và lịch sử, văn hóa nước mình.

Trong mọi thứ lổn nhổn của một đất nước, thói hư tật xấu, văn hóa xuống cấp, đạo đức tha hóa, quyền lực lũng đoạn... hầu như ở quốc gia nào cũng có, cũng đang báo động, vấn đề là cấp độ...Việt Nam không nằm ngoài điều báo động đó và cả Nhật Bản, bạn thân mến, cũng không thể nằm ngoài điều báo động đó.

Nếu chỉ nhăm nhăm kể xấu từng nước, thì xin lỗi, tôi biết Nhật Bản phát triển rất rực rỡ, nhưng cho tôi kể xấu, tôi cũng kể nhiều như bạn kể xấu về Việt Nam vậy.

Ví dụ bạn dẫn chứng một vụ việc mới nhất là vụ doanh nghiệp Nhật hối lộ quan chức Việt, thì đúng rồi, quan chức Việt nếu nhận hối lộ thì quá xấu, phải trừng trị, nhưng liệu công ty Nhật vốn có truyền thống làm ăn minh bạch và rõ ràng. Tại sao lại phải hối lộ? Tôi không đưa ra để đôi co, bởi vì không một quốc gia nào không có những tính xấu, thậm chí cực xấu, nhưng điều đó không có nghĩa là quốc gia đó xấu.

Mỗi quốc gia đang tồn tại dù giàu nghèo khác nhau, văn minh khác nhau, cao thấp khác nhau, lịch sử và văn hóa khác nhau, nhưng cho đến hôm nay, sự tồn tại chính danh của từng quốc gia chứng tỏ lòng tự trọng cao cả của chính quốc gia đó.

Nhờ vào lòng tự trọng, từng quốc gia độc lập về lãnh thổ, về văn hóa, về chính trị, dù đôi khi không phải sự độc lập nào cũng toàn bích. Nhưng chí ít, dù quốc gia tồi tệ nhất thì họ cũng đang đứng vững bởi cái tên mình, cùng nhân dân mình, lịch sử nước mình và văn hóa nước mình.

"Việt Nam - đó là quốc gia của chúng tôi, chúng tôi tự hào, chúng tôi xây dựng, chúng tôi bảo vệ, chúng tôi gìn giữ bằng ý chí, lòng tự trọng, sự nỗ lực vô tận và đấu tranh kiên nhẫn, bền bỉ cho một xã hội tốt đẹp hơn" - Nhà văn Nguyễn Quang Vinh. 
(Xem thêm: Coi thường người Việt - du học sinh Nhật đang mất cội nguồn)


Thói xấu thì phải lên án, phải vạch mặt, dù là thói xấu của dân thường hay của chính khách, dù đạo đức tệ hại của dân thường hay của chính khách, đã xấu thì phải trừng trị, loại bỏ. Quốc gia nào cũng thế. Chỉ ra thói xấu, sự trì trệ hay sự ngạo mạn, sự tha hóa là rất cần thiết, nhưng điều đó nó không thể đại diện của hai tiếng Quốc gia.

Một số công ty Nhật đi hối lộ ở các nước trên thế giới để trúng thầu, không thể nói nước Nhật là một quốc gia hối lộ. Một vài vụ hôi của khi xảy ra tai nạn ở Việt Nam, không thể nói luôn Việt Nam là đất nước của ăn cắp và hôi của. Dứt khoát như thế.

Cám ơn bạn đã chỉ ra những thói hư tật xấu của người Việt để mọi người cùng ngẫm, cùng cố gắng hoàn thiện. Nhưng sự hoàn thiện theo từng vai trò của mình vì lòng tự trọng của quốc gia mình, chính khách điều chỉnh theo cách của chính khách, người dân tự điều chỉnh hành vi sống theo cách của từng công dân, bằng sự giao tiếp. Bằng quá trình hội nhập, cuộc sống là cuộc vận động và sàng lọc, hy vọng cái tốt sẽ khỏe lên, mạnh lên để lấn át đi những thói hư tật xấu.

Sau 4 năm ở Việt Nam mà bạn chỉ nhìn ra được những điều xấu ấy thì tôi cũng cho là bạn thất bại, chí ít về mặt nhân văn. Chúng tôi còn biết rõ hơn, thấm hơn, đau hơn nhiều lần điều bạn đang thấy và đang viết ra nhưng chúng tôi không vì thế mà giảm đi trong lòng tình yêu Tổ Quốc mình.

Vì chúng tôi, người Việt, chắc chắn là hiểu hơn bạn ngàn lần những lý do sâu thẳm. Chất chứa vì sao còn xảy ra những điểm khiếm khuyết đó, và dù không ngụy biện, thì không thể không nói tới sự suy kiệt toàn diện của một quốc gia mòn mỏi trong nửa thế kỷ bị nhiều cuộc chiến tranh chà đi xát lại.

Chúng tôi không khoan nhượng với sự trì trệ, với cái ác, với thói hư tật xấu, không thỏa hiệp với lạc hậu và những hành vi kém văn minh, luôn mong ước cho đất nước hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn, khỏe hơn, nhưng cũng không vì những tồn tại. Trong đó có những cái xấu như bạn viết, mà chúng tôi nhạt nhòa đi tình yêu nước mình, kém đi sự tự hào về lịch sử và văn hóa của quốc gia mình.

Việt Nam - đó là quốc gia của chúng tôi, chúng tôi tự hào, chúng tôi xây dựng, chúng tôi bảo vệ, chúng tôi gìn giữ bằng ý chí, lòng tự trọng, sự nỗ lực vô tận và đấu tranh kiên nhẫn, bền bỉ cho một xã hội tốt đẹp hơn.

Chúng tôi sẵn sàng, dù rất cay đắng để nghe những nhận xét về hành vi của một người, nhóm người xấu, về một chính sách sai, về một hành động trái đạo lý.

Nhưng không ai có quyền xúc phạm đến hai chữ Việt Nam".

 

Nguyễn Quang Vinh sinh năm 1959 ở Quảng Bình, là nhà văn, nhà biên kịch (điện ảnh, truyền hình, sân khấu), đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật. Các tiểu thuyết trước đây của ông: Người và dã thú, Dòng sông vàng, Người thất bại trở về, Phía Mặt trời lặn, Đêm thức.

Ông cũng là biên kịch của Chuyện tình bên dòng sông, bộ phim do Lê Khanh đóng vai chính (giành giải Nữ diễn viên xuất sắc tại LHP Việt Nam lần thứ 10 năm 1993).

 

 

Nguồn tin: giaoduc.net.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây