|
>> Học sinh lớp 6 chết đuối trong lúc học bơi
Nạn nhân là em Quách Gia Phú (13 tuổi, học sinh (HS) lớp 6 Trường THCS Trần Quang Khải, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú), bị đuối nước trong khi đang học bơi theo chương trình giảng dạy của trường. Ngày 7.3, Công an Q.Tân Phú (TP.HCM) xác nhận vụ việc và cho biết đang tiến hành điều tra về cái chết của em Phú.
Bị nạn ngay buổi đầu
Trong con hẻm nhỏ nằm trên đường Nguyễn Văn Săng (P.Tân Sơn Nhì), rất đông người đến thắp nhang cho nạn nhân. Với giọng nói yếu ớt, đôi mắt thâm quầng, chị Nguyễn Thị Thanh Hà (37 tuổi, mẹ của Phú) kể lại: "Lúc 8 giờ 30 ngày 6.3, tôi chở Phú đến Trường THPT Tây Thạnh để học bơi theo lịch của trường. Đến đây, tôi đứng ở ngoài cổng. Đến khoảng 9 giờ 20 cùng ngày, tôi nghe nhiều HS và thầy cô hô hoán có HS đuối nước. Một lúc sau, có một giáo viên (GV) chạy ra cổng thông báo Phú bị đuối nước, phải chở đến bệnh viện cấp cứu. Khi đến Phòng khám đa khoa Thành Công thì nghe tin con tôi đã mất”.
Theo chị Hà, Phú là đứa con ngoan hiền và học giỏi. Khi nghe Phú về bảo đăng ký học bơi do trường tổ chức và có thầy cô hướng dẫn thì chị yên tâm cho học. “Việc con tôi vào hồ bơi để học theo sự chỉ định của nhà trường thì phía trường phải có trách nhiệm quản lý và giúp đỡ con tôi, tại sao lại đến nông nỗi này?”, chị Hà nói trong nước mắt.
Trả lời PV Thanh Niên, thầy Phạm Ngọc Trân, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải, cho biết: “Môn học bơi là tự chọn nằm trong chương trình dạy thể dục của nhà trường. Trường hợp đồng với Công ty phát triển thể thao cộng đồng (có trụ sở tại P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) để dạy bơi cho các em. Theo hợp đồng, nhà trường sẽ cử GV để điểm danh và quản lý các em trên bờ. Còn công ty chịu trách nhiệm dạy bơi và quản lý các em dưới nước. Sáng 6.3 là buổi học bơi đầu tiên của khóa học này, có tất cả 102 HS nam của khối lớp 6. Bên phía nhà trường cử hai GV là thầy Lưu Quốc Trường (GV biên chế) và cô Phan Thị Cẩm Hường (GV hợp đồng) đến điểm danh và quản lý các em. Đây là một trường hợp đáng tiếc. Sau khi xảy ra sự cố, trường đã tạm dừng chương trình học bơi lại. Trước mắt nhà trường đã hỗ trợ bước đầu để lo hậu sự cho cháu Phú”.
|
Đứng giám sát nhưng không biết ?
Liên quan đến vụ việc trên, chiều 7.3, ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty phát triển thể thao cộng đồng (đơn vị đứng ra quản lý hồ bơi tại Trường THPT Tây Thạnh cũng như cử GV dạy bơi và quản lý các em tại hồ), nói: “Buổi học hôm đó bên phía công ty cử ba GV gồm thầy Thượng, thầy Ly và cô Hòa đứng ra quản lý và dạy các em bơi. Theo như các thầy cô báo lại, đây là buổi học đầu tiên nên các thầy cô phân loại các em thành 2 nhóm "biết bơi" và "không biết bơi". Cháu Phú nằm trong nhóm biết bơi nên các thầy cho ra đường bơi riêng để hướng dẫn”. Cũng theo ông Phong, hồ bơi này có chiều dài 25 m, rộng 10 m, điểm cạn nhất 1,2 m và sâu nhất là 2 m. Vị trí em Phú gặp nạn có độ sâu 1,6 m. “Chúng tôi đang chờ kết luận điều tra từ phía công an rồi sẽ có hình thức xử lý những người có trách nhiệm ngày hôm đó”, ông Phong nói và cho biết thêm thầy Thượng và cô Hòa (hai người trực tiếp đứng ra dạy bơi cho HS) đều tốt nghiệp đại học chuyên ngành bơi lội, có chứng chỉ cứu hộ.
Còn theo GV Phan Ngọc Thượng (người trực tiếp đứng ra dạy và quản lý các em HS hôm 6.3), 102 HS được chia làm hai nhóm. Một nhóm do thầy Thượng quản lý, nhóm còn lại do cô Hòa quản lý, thầy Ly ngồi trên bờ phụ trách quan sát toàn khu vực hồ bơi. “Gần hết giờ học, nhóm HS không biết bơi đùa nghịch gây mất trật tự nên tôi tới yêu cầu các em lên bờ xếp hàng chuẩn bị ra về. Lúc đó, một HS la lớn có bạn Phú lặn sâu dưới hồ mà không thấy lên, lập tức tôi chạy tới vớt Phú lên và thực hiện sơ cấp cứu, sau đó đưa đến bệnh viện nhưng không kịp nữa”, thầy Thượng kể lại. Cũng theo lời GV này, lúc đó cô Hòa phụ trách nhóm bên kia, thầy Ly làm gì thì không rõ.
Trả lời câu hỏi sau khi điểm danh HS thì thầy Trường và cô Hường (hai giáo viên Trường THCS Trần Quang Khải) đi đâu, thầy Trân cho biết: "Sau khi điểm danh, hai GV của trường vẫn ở đó với trách nhiệm quan sát HS trong khuôn viên hồ bơi. Khi xảy ra vụ việc, hai thầy cô này vẫn có mặt ở đó nhưng không phát hiện kịp. Xét về trách nhiệm, chắc chắn hai GV này phải chịu liên đới. Nhà trường đang chờ kết quả điều tra từ công an sẽ xem xét hướng xử lý".
Giáo viên, huấn luyện viên chưa làm hết trách nhiệm Chiều 7.3, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Khắc Huy, Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên Sở GD- ĐT TP.HCM, cho biết đề án phổ cập bơi lội cho HS toàn thành phố triển khai từ năm 2010. “Trong chỉ đạo của Sở thì công tác đảm bảo an toàn cho HS đặt lên hàng đầu, nhưng trong quá trình thực hiện nhiều đơn vị chưa quan tâm chú ý đến việc này. Đây là trường hợp đáng tiếc xảy ra do GV, huấn luyện viên không thể hiện hết trách nhiệm của mình”, ông Huy nói. Cũng theo ông Huy, bên cạnh việc yêu cầu Trường THCS Trần Quang Khải báo cáo để nắm rõ trách nhiệm, Sở đang soạn thảo văn bản để lãnh đạo ký vào thứ hai (ngày 10.3) nhằm chấn chỉnh hoạt động này. “Văn bản này một lần nữa sẽ yêu cầu các trường phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho HS. Khi thực hiện phải có sự chuẩn bị và phân công trách nhiệm cho từng người cụ thể từ hiệu trưởng đến GV... Đặc biệt khi ký kết hợp đồng với đơn vị trực tiếp thực hiện, đưa HS đến hồ bơi thì nhà trường phải có trách nhiệm toàn bộ buổi học ngày hôm đó chứ không thể phó mặc cho người phụ trách hồ bơi”, ông Huy nhấn mạnh. Ông Tạ Tân, Trưởng phòng GD Q.Tân Phú, nhìn nhận: “Sự việc xảy ra do khâu quản lý và tổ chức thực hiện không chặt chẽ, sẽ làm phụ huynh dao động khi cho con em tham gia hoạt động này”. Theo ông Tân, sắp tới quận sẽ nâng cao trách nhiệm của từng trường, sàng lọc đội ngũ huấn luyện viên; đồng thời có thể quận sẽ tổ chức học bơi thành các buổi ngoại khóa và cho phụ huynh tham gia để cùng giám sát. B.Thanh |
Công Nguyên
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...