Một số trường đề ra quy định giáo viên (GV) phạm một trong những lỗi sau đây sẽ bị hạ thi đua: đi dạy trễ 2 lần, vắng họp tổ 2 lần, kể cả có lý do không đầy đủ sổ ghi chép... Có nơi còn hạ bậc GV vì không có sổ báo giảng - trong thực tế sổ này tồn tại làm tăng thêm những thủ tục hành chính không cần thiết. Rồi còn những lý do học sinh nghỉ học nhiều, học sinh nộp bài thi phong trào không đúng hạn...
Một ngàn lý do cắc cớ
Có những trường lại nặng về quy kết: GV không tham gia một buổi lễ nào đó của trường, như thế là… vi phạm đến đạo đức chính trị (!?). Cô N.T.B.T chia sẻ ngày trường làm lễ Giỗ Tổ Hùng Vương cũng là ngày gia đình cô làm lễ xả tang cho bố. Cô viết đơn xin phép vắng nhưng không được chấp nhận. Dù là GV dạy giỏi nhiều năm nhưng vẫn bị hạ một bậc thi đua.
Nhiều trường còn đề ra quy định hạ thi đua của GV khi tỉ lệ học sinh do lớp của GV đó phụ trách có điểm bình quân thấp hơn các lớp khác trong khối. Điều này không công bằng ở chỗ mặt bằng học sinh giữa các lớp không đồng đều. Hơn nữa, học sinh các lớp ban C, D có thiên hướng xã hội thường không học tốt các môn tự nhiên và ngược lại học sinh có thiên hướng tự nhiên ban A, B cũng không học tốt các môn xã hội. Điều quan trọng hơn đây là căn nguyên dẫn đến bệnh thành tích.
Và cũng có những lý do hết sức... trời ơi tưởng như bịa nhưng lại là sự thật và hết sức thiếu tính nhân văn: GV nộp trễ giấy chứng nhận “gia đình văn hóa”; gia đình cô H. có tang bố chồng, cô nghỉ 2 buổi gác thi quy ra 10 tiết dạy; không bảo đảm ngày công do GV nghỉ khi con ốm... Có những GV bị hạ thi đua chỉ do ý kiến của phụ huynh phản ánh, trường không cần điều tra chỉ nghe một phía và quy lỗi ngay cho GV.
Còn đối với những trường dân lập không xếp loại thi đua cuối năm thì tìm lỗi GV để không tăng lương năm sau. Những lỗi cắc cớ mà ai cũng có thể mắc: để lớp ồn ào sau khi học sinh thi xong đã biết hết điểm, đang ở trong lớp mà ngồi ngó ra cửa sổ. Tệ hơn có trường còn đặt camera trong lớp rồi tung lên mạng và kết án GV vô trách nhiệm.
Oan uổng, tổn thương
Hội đồng xét duyệt thi đua của các trường thường họp bí mật, căng thẳng. Sau khi họp xét duyệt chỉ công bố danh hiệu mà không giải thích cho GV lý do tại sao? Có trường hợp GV biết được lý do cắt thi đua của mình không chính đáng nên kiến nghị với hiệu trưởng, hiệu trưởng không những không giải thích mà còn gây áp lực phải nêu tên người tiết lộ tin mới chịu tiếp. Những trường hợp sai do hội đồng thi đua không nắm được thông tin hay do nhầm lẫn thì coi như sự đã rồi. GV bị oan phải chấp nhận.
Những năm gần đây, khi các trường được tự chủ thu chi, tiền thưởng theo xếp loại thi đua cũng có phần được cải thiện. Bởi vậy, những GV bị hạ bậc thi đua không chỉ bị tổn thương về mặt tinh thần mà còn tổn hại về vật chất.
Trong khi đó, ban giám hiệu nhà trường hầu như năm nào ai cũng đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua. Hiệu trưởng các trường lớn thường được ăn theo danh tiếng của trường, dễ dàng đạt được những khen thưởng cao nhất mặc dù nhiệm kỳ của họ so với tiền nhiệm không bằng. Còn đối với một trường bình thường dù hiệu trưởng trường đó có làm tốt công việc của mình nhưng những danh hiệu cao quý là điều không tưởng.
Có một nghịch lý nữa là GV đó khi đang còn đảm nhiệm chức vụ thì đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua, khi không đảm nhiệm nữa ngay lập tức bị cắt danh hiệu dù họ vẫn làm tốt công việc với cương vị hiện tại. Thậm chí, 2 người cùng gác thi một phòng và người có “chức sắc” để cho GV cùng phòng làm hết, khi xảy ra sự cố chỉ có người kia bị hạ bậc thi đua còn người có “chức sắc” vẫn bình yên vô sự.
Bên cạnh đó, xếp loại thi đua còn bị vướng những quy định vô lý. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, xếp loại chiến sĩ thi đua của mỗi đơn vị không quá 15%, điều này không hợp lý khi số lượng cán bộ, công nhân viên giữa các đơn vị, các tổ quá chênh lệch nhau. Nơi có nhiều người giỏi bị tỉ lệ khống chế, nơi ít thì không đủ người hoặc tỉ lệ đạt danh hiệu quá cao.
Giáo dục là nghề mang tính nhân văn và sư phạm, xếp loại đánh giá thi đua cho GV cũng phải thể hiện điều đó. Xếp loại thi đua là để ghi nhận sự đóng góp của GV, để động viên khích lệ lòng yêu nghề, yêu trường yêu lớp của họ, thể hiện sự tôn trọng chứ không phải làm cho người ta bất mãn, giảm đi nhiệt tình yêu nghề, thui chột sự sáng tạo.
Chất lượng bài giảng phải được đặt hàng đầu
Điều quan trọng nhất của một GV là năng lực chuyên môn và sự tận tâm với nghề. Chất lượng của bài giảng phải được đánh giá hàng đầu là ngày công bảo đảm chứ không phải hội họp, sổ sách giấy tờ các loại.
GV có dạy tốt thì học sinh mới học tốt. Dạy và học là điều cốt lõi của nhà trường. Người đánh giá GV chính xác nhất là học sinh. Tại sao không lấy phiếu thăm dò ý kiến của học sinh làm một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại GV. Tất nhiên, lấy phiếu thăm dò cũng cần tế nhị trong câu hỏi và nên căn cứ vào đa số chứ không nên dựa vào ý kiến của thiểu số để rồi quy kết, chụp mũ GV. Khi đánh giá thi đua cần đối sánh với những gì mà GV đã đóng góp nỗ lực trong suốt năm học, chứ không nên nhìn vào những sơ sẩy có tính chất tiểu tiết. Không nên đánh giá theo chức vụ hay những hoạt động có tính chất bề nổi mà phải dựa trên chất lượng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Nguồn tin: Người Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...