Theo UBND xã Đắk D’rông nếu như việc thực hiện nội dung về nước sạch khá thuận lợi thì công tác vận động nhân dân thay đổi tập quán trong chăn nuôi gia súc, gia cầm đòi hỏi phải có thời gian dài, cách làm phù hợp. Bởi vì, chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu theo hình thức nhỏ lẻ, thả rông nên chất thải không được thu gom.
Để hạn chế tình trạng này, địa phương đã chú trọng vào lực lượng nòng cốt của các tổ chức đoàn thể nhất là hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên tại các thôn, tổ dân cư... Công tác tuyên truyền, vận động được đặt lên hàng đầu gắn với nhân rộng các mô hình về chăn nuôi an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường. “Mưa dầm thấm lâu”, từ từ, đa số hộ chăn nuôi đều nhận thức được và thực hiện xây dựng chuồng trại kiên cố, xa khu vực nhà ở, không xả chất thải, nước thải chăn nuôi ra môi trường xung quanh mà thu gom, xử lý đúng cách…
Bà Chu Thị Nga ở thôn 14 cho biết: “Mỗi lứa, gia đình nuôi 80 con heo thịt. Chất thải, nước thải đều được thu gom và xử lý nên đảm bảo cho đàn heo không bị mắc các bệnh thông thường. Xung quanh khu vực nuôi thì không bốc mùi hôi thối nên không ảnh hưởng tới sức khỏe của gia đình, chòm xóm, đảm bảo việc phát triển kinh tế lâu dài ”.
Còn về rác thải sinh hoạt, theo ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đắk D’rông thì vấn đề này cơ bản đã được thu gom và xử lý đúng cách. Theo đó, rác thải của nhân dân các thôn đều được công ty TNHH MTV Quyết Thắng thu gom theo định kỳ.
Còn theo Ban Quản lý Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới xã Nam Dong thì việc thực hiện đạt tiêu chí môi trường trên địa bàn lại được nhấn mạnh vào các nội dung về đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp. Hiện nay, xã đã có trên 90% số hộ đã thực hiện cải tạo vườn, chỉnh trang nhà cửa, hàng rào, cổng ngõ không lầy lội.
Để đạt được những chỉ tiêu nhỏ này thì xã gắn với việc vận động, phát huy sức dân trong triển khai các tiêu chí liên quan, hỗ trợ nhau, nhất là giao thông, nhà ở dân cư. Cụ thể khi đã thực hiện kiên cố các tuyến đường nội thôn, liên thôn thì hầu hết bà con đều có nhu cầu chỉnh trang lại cổng ngõ, tường rào để đi lại thuận tiện, sạch sẽ.
Một số nơi, bà con còn chủ động trồng thêm cây xanh, lắp đèn điện để tạo cảnh quan thêm xanh, sạch, đẹp. Về vấn đề này, theo ông Bùi Trọng Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nam Dong thì điều đáng mừng nữa là trên 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đều đạt tiêu chuẩn môi trường, trên 70% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ đúng các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Trần Văn Diêu, Phó Chủ tịch UBND huyện, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM huyện Chư Jút cho biết: “Việc đạt các nội dung nhỏ trong tiêu chí môi trường là kết quả đáng ghi nhận tại các xã. Tuy nhiên, các xã không vì thế mà bằng lòng với kết quả đạt được mà hơn hết là phải nâng cao chất lượng tiêu chí. Trong đó, việc tuyên truyền, vận động nhân dân vẫn cần được đặt lên hàng đầu để nâng cao nhận thức, hành động cho bà con. Hoạt động sản xuất nông sản an toàn với môi trường, bảo vệ tài nguyên đất, nước cũng cần chú trọng, cụ thể như việc sử dụng phân bón cân đối, thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, sử dụng tiết kiệm và hợp lý nguồn nước…”.
Bài, ảnh: Trần Lê
Nguồn tin: Đăk Nông Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...