Là một trong những người tiên phong đưa giống vải thiều vào sản xuất, đến nay, gia đình ông Đinh Quang Thọ, thôn Trung Tâm, xã Đăk Wil đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Thọ cho biết: Sau khi trồng thử nghiệm hơn 100 cây vải thiều, qua nhiều năm chăm sóc cho th ấy cây trồng rất phù hợp với khí hậu khô hạn ở địa phương. Do đó, năm 2018, ông nhân rộng mô hình lên diện tích 2 ha với hơn 600 cây vải. Trong năm 2022, gia đình ông đã thu được hơn 15 tấn vải, với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg, mang lại cho gia đình nguồn thu gần 600 triệu đồng. Theo ông Thọ, trồng vải thiều đến năm thứ 5 sẽ cho năng suất ổn định. Vụ mùa năm 2023, ông ước tính thu được khoảng 15 - 20 tấn vải, cao hơn năm trước. Chỉ còn hơn 2 tháng nữa vườn vải sẽ cho thu hoạch, năm nay thời tiết không thuận lợi đối với cây vải nên nhiều vườn sẽ mất mùa, giá vải có thể sẽ đẩy lên cao hơn hiện tại. Cây vải thiều được người dân xã Đăk Wil đưa vào phát triển từ năm 2015. Đến nay địa phương đã có gần 20 ha trồng vải, với sản lượng gần 300 tấn/năm. Nhờ lợi thế chín sớm hơn khoảng gần hai tháng so với vải miền Bắc, đã tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ. Để hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất, Hội ND xã phối hợp với ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tích cực hướng sản xuất theo quy trình VietGAP giúp cây vải phát triển bền vững. Đồng thời, tích cực kết nối tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất; khuyến cáo bà con nông dân không mở rộng diện tích nhằm tránh tình trạng “cung vượt cầu”
Ông Lê Văn Toản (áo sơ mi), Chủ tịch Hội ND xã Đăk Wil
Từ hiệu quả kinh tế của mô hình trồng vải thiều, địa phương sẽ đồng hành, hướng dẫn người dân phát triển diện tích cây vải lên từ 50 - 70 ha, tập trung xây dựng vùng chuyên canh trồng vải tại xã Đăk Wil.
Thực hiện: Tùng Nhi