Hội thi nông dân tìm hiểu pháp luật: Một sân chơi ý nghĩa, thiết thực

Thứ hai - 19/10/2015 21:55 - Đã xem: 680
Theo dõi hội thi nông dân tìm hiểu pháp luật lần thứ I năm 2015, ai cũng phải thừa nhận một điều rằng cán bộ hội nông dân, nông dân ngày càng am hiểu pháp luật.

Ở phần thi tiểu phẩm, 8 đội thi đến từ các huyện, thị xã đã mang đến hội thi những tác phẩm vô cùng ý nghĩa, nhiều kiến thức pháp luật được khéo léo lồng vào từng lời thoại của nhân vật. Nhiều tình huống được đẩy lên cao trào đem đến cho người xem những cảm xúc rất thật cùng với các “diễn viên” không chuyên.

Phần thi tiểu phẩm của huyện Đắk R’lấp

Cụ thể như đội Krông Nô đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng về đạo cụ, trang phục, nhà sàn nhằm tái hiện khung cảnh một hộ gia đình dân tộc Tày. Gia đình này đã có một cô con gái nhưng ông bố vẫn rất vui mừng vì vợ mới sinh cô con gái thứ hai. Vì quá mừng biết tin vợ sinh mẹ tròn con vuông và háo hức nhìn mặt bé, ông bố đã điều khiển xe lên bệnh viện huyện mà không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe.

Anh Phạm Văn Thoại, đến từ đội huyện Krông Nô cho biết: “Vấn đề trọng nam khinh nữ, vi phạm luật Giao giao thông đường bộ vẫn còn tồn tại khá nhiều tại các vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện. Do đó, đội chọn chủ đề này làm trọng tâm nhằm tuyên truyền kiến thức pháp luật cho hội viên. Rất vui là tiểu phẩm nhận được sự cổ vũ, khen ngợi của ban giám khảo, khán giả. Đây chính là động lực cho chúng tôi tiếp tục đem những quy định của pháp luật đến gần hơn với nhà nông”.

Hay như tình huống của đội Chư Jút đã xây dựng cốt truyện gồm 2 gia đình, một cậu con trai quý tử và một cô con gái ăn chơi. Hai cô cậu hẹn hò, yêu đương nhưng hai bên gia đình không hay biết. Chỉ khi cô gái mới 14 tuổi đã mang bầu được 3 tháng thì hai bên gia đình mới vỡ lẽ. Gia đình cô gái ép nhà trai phải hỏi cưới, nhưng gia đình bên kia không chịu. Chỉ khi có sự giải thích của cán bộ hội nông dân thì 2 gia đình mới đi đến thỏa thuận là để cô gái sinh con, lúc nào đủ 18 tuổi mới được kết hôn, hai bên đều có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cháu bé khi sinh ra.

Tiểu phẩm này đã đan xen quy định của pháp luật về độ tuổi kết hôn đối với nam là đủ 20 tuổi và nữ là đủ 18 tuổi; đồng thời nói lên thực trạng đáng buồn về quan hệ tình dục trước hôn nhân, không sử dụng các biện pháp tránh thai dẫn đến có thai ngoài ý muốn.

Đội thị xã Gia Nghĩa lại xây dựng bối cảnh gia đình có một ông bố nghiện ma túy, với thân hình gầy còm, quần áo lôi thôi lếch thếch. Nhân vật này bị buộc xích vào chân, khuôn mặt lúc đờ đẫn lúc dữ tợn khi lên cơn nghiện, cào xé khắp nơi...

Chị Nguyễn Thị Vi, hội viên nông dân ở huyện Đắk R’lấp cổ vũ tại hội thi không dấu được niềm vui nói: “Đội nào cũng diễn như thật. Có lúc, tôi cũng đã rơi nước mắt vì hoàn cảnh nhân vật. Pháp luật mà được đưa vào các tiểu phẩm như thế này thì tôi hiểu và nhớ lâu lắm”.

Không chỉ ở phần tiểu phẩm, những phần thi khác như tình huống, trắc nghiệm, các đội đều chứng tỏ họ là những người hiểu đúng và đầy đủ về pháp luật. Nhiều tình huống, câu hỏi được ban giám khảo đưa ra ở những lĩnh vực khác nhau nhưng đều được các đội trả lời chính sách, hợp lý.

Khán giả cổ vũ nhiệt tình tại hội thi

Đánh giá về kết quả hội thi, ông Nguyễn Văn Xá, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng Ban giám khảo cho biết: Dù mới tổ chức lần đầu nhưng hội thi đã đạt được những kết quả trên cả mong đợi. Các đội là các cán bộ hội, hội viên nông dân ở 8 huyện, thị xã đã thể hiện mình là người am hiểu và làm đúng pháp luật. Ở phần chơi cho khán giả, nhiều câu hỏi cũng được khán giả có mặt tại hội thi trả lời nhanh chóng làm cho ban tổ chức hết sức hài lòng. Đây chính là điều mà chúng tôi hướng tới, mỗi hội viên, nông dân phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức trên tất cả các lĩnh vực để sống và làm việc không vi phạm pháp luật.

Bài, ảnh: Hồng Thoan

Nguồn tin: Báo Đăk Nông Online

 Từ khóa: nông dân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

emc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây