|
Quân đội Nga hoạt động tại bán đảo Crimea từ cách đây hơn 200 năm khi Nữ hoàng Catherine xây dựng một căn cứ hải quân ở Sevastopol. Căng thẳng nổ ra giữa Ukraine và Nga về cách phân chia Hạm đội biển Đen sau khi Liên Xô tan rã. Đáng chú ý nhất là vụ binh biến trên tàu tuần tra hải quân 112. Ngày 20.7.1992, thủy thủ đoàn đã treo cờ Ukraine và nhổ neo tiến về thành phố Odessa của Ukraine. Ba tàu trung thành với Nga thuộc hạm đội đã đuổi theo và đâm vào tàu 112. Sau cuộc binh biến, tàu 112 trở thành con tàu đầu tiên của hải quân Ukraine. Ngày 28.5.1997, Nga và Ukraine đồng ý phân chia Hạm đội biển Đen theo tỷ lệ lần lượt 80% và 20%. Thỏa thuận này cho phép Nga thuê cảng Sevastopol đến 20 năm (2017). Hiện tại, cả hải quân Ukraine và Nga đều hoạt động ở Sevastopol.
Thực lực của Hạm đội biển Đen bao gồm một tàu tuần dương tên lửa, một tàu tuần dương chống ngầm, một tàu khu trục và hai khinh hạm, một số tàu đổ bộ và một tàu ngầm chạy diesel. Căn cứ chính của Nga ở Crimea là đại bản doanh của Hạm đội biển Đen và căn cứ của một lữ đoàn lính đánh bộ tại Sevastopol. Ngoài ra, còn có 4 trung đoàn tên lửa ở 4 căn cứ khác nhau, một số trung tâm liên lạc và căn cứ không quân. Lữ đoàn đánh bộ có khoảng 2.500 thủy thủ và khoảng từ 200 đến 300 biệt kích.
Lần giao chiến gần đây nhất của Hạm đội biển Đen là vào tháng 8.2008 khi nổ ra cuộc chiến giữa Nga và Georgia. Trong lúc tham gia sứ mệnh đổ bộ, Hạm đội biển Đen chống 4 tàu Georgia tấn công và đánh chìm 1 tàu chỉ trong 90 giây. Theo tường thuật, Hạm đội biển Đen đã áp sát Georgia chỉ trong vòng 1 ngày sau khi chiến sự nổ ra.
Ngày 21.4.2010, Tổng thống Ukraine lúc bấy giờ là Viktor Yanukovych ký hiệp ước Kharkov gia hạn việc thuê Sevastopol đến năm 2042 nhằm đổi lại thỏa thuận bán khí đốt giá rẻ. Hiệp ước Kharkov bị những người Ukraine thân châu Âu phản ứng dữ dội. Chính quyền hiện tại ở Kiev đang đe dọa hủy bỏ hiệp ước Kharkov và đuổi Hạm đội biển Đen khỏi Sevastopol vào năm 2017.
Trong khi đó, tờ The New York Times dẫn lời Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ quân sự ở Moscow Ruslan Pukhov nhận xét quân đội Ukraine tuy đông đảo và thiện chiến (130.000 binh sĩ thường trực, hơn 1 triệu quân dự bị) nhưng sử dụng khí tài lạc hậu và yếu kém nên khó có đủ khả năng đơn độc giành lại quyền kiểm soát Crimea. Theo ông Pukhov, vũ khí hiện nay của Ukraine chủ yếu là từ thời Liên Xô. “Hơn 20 năm qua, do liên tục suy thoái kinh tế nên Ukraine hầu như không thể đầu tư nâng cấp gì nhiều cho quân đội”, ông Pukhov nói. Có lẽ vì vậy mà hôm 2.3, Đại sứ Ukraine tại LHQ Yuriy Sergeyev tuyên bố nước ông sẽ kêu gọi trợ giúp từ bên ngoài nếu Nga mở rộng hành động quân sự, theo Reuters.
Tuy nhiên, chuyên gia Igor Sutyagin nhận định với The New York Times rằng Nga sẽ không tiến quân thêm đến những nơi khác vì sẽ vấp phải sự chống trả toàn lực của lực lượng Ukraine cũng như đối diện nguy cơ các đối tác bên ngoài nhảy vào.
Sơn Duân
Nguồn tin: Báo Thanh Niên Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
<img alt="dsc00041" height="720" src="/uploads/photos/dsc00041.jpg" width="1280"...