Theo Russia Today, lãnh đạo đảng Lao động New Zealand Andrew Little vừa thông báo thông tin trên. Đảng này có kế hoạch thảo luận việc thi hành hệ thống được biết đến với tên gọi “hệ thống phổ quát thu nhập cơ bản” (UBI) vào cuối tháng này.
UBI sẽ cung cấp cho tất cả người dân mức trợ cấp thường xuyên, bất kể tài sản hay thu nhập của họ. Phúc lợi xã hội, trợ cấp sinh viên hay lương hưu sẽ không còn.
Theo ông Andrew Little, UBI là cần thiết vì tỷ lệ thất nghiệp cao hiện nay. Người New Zealand có xu hướng đi làm rồi nghỉ làm giữa các trách nhiệm gia đình hay sở thích cá nhân khác.
Việc trả tiền hằng tháng và thường xuyên sẽ tạo điều kiện linh hoạt cho người dân làm việc theo ý họ và không hoàn toàn bỏ việc. Biện pháp này sẽ tạo cơ sở để người dân có thể sống đủ trong những giai đoạn khó khăn, và sống tốt khi công việc làm ăn thuận lợi.
Những người phản đối UBI cho rằng hệ thống này sẽ làm tăng thuế, và hệ quả không tránh khỏi của nó là kéo cao chi phí sinh hoạt và tác động đến lợi ích mà UBI mang lại. Hiện kế hoạch của New Zealand đang ở giai đoạn đầu.
New Zealand không phải là nước duy nhất thử nghiệm mô hình thu nhập cơ bản. Phần Lan, Hà Lan cũng có kế hoạch khởi động chương trình tương tự trong năm 2016. Canada thì gần đây mới thảo luận ý tưởng này, còn Thụy Sĩ đã định ngày thực hiện trưng cầu dân ý trong năm nay.
Theo trang Business Insider, thu nhập cơ bản hằng tháng ở Phần Lan sẽ vào khoảng 900 USD. Một số thành phố tại Hà Lan dự kiến trả gần 1.000 USD cho người dân mỗi tháng.
Thu nhập cơ bản lần đầu được đề xuất vào những năm 1960 và từng được thử nghiệm trong thời gian ngắn ở Mỹ và Canada. Ý tưởng này trở nên phổ biến trong những năm gần đây vì nó có thể gia tăng mức thu nhập và giảm bất bình đẳng giàu nghèo.
Thu Thảo