Trung Quốc đã đề cập vấn đề này với phía Nhật Bản trong cuộc gặp của các quan chức ngoại giao 2 nước tại Tokyo hồi cuối tháng 2, hãng tin Kyodo ngày 20.3 dẫn nguồn tin cho biết.
Tuy nhiên, Nhật bản đã bác bỏ đề nghị của Trung Quốc và cho rằng cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận việc Bắc Kinh bồi đắp đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hoá Biển Đông.
Tại cuộc gặp trợ lý ngoại trưởng Nhật Shinsuke Sugiyama ngày 29.2, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc, ông Khổng Huyễn Hựu (Kong Xuanyou) đã mạnh mẽ phản đối việc Nhật công khai chỉ trích Trung Quốc về các vấn đề Biển Đông. Ông Kong nói rằng Nhật Bản không phải là bên tranh chấp tại Biển Đông mà cứ hành xử như là phía có liên quan.
Ông Sugiyama đáp rằng việc thay đổi hiện trạng tại Biển Đông bằng biện pháp quân sự là không thể tha thứ và ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng quốc tế trong việc thành lập quy tắc về luật biển.
Mối quan hệ Nhật - Trung hục hặc thời gian qua về vấn đề tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: AFP |
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang có ý định nhấn mạnh tầm quan trọng của luật quốc tế đối với vấn đề Biển Đông trong tuyên bố chung của lãnh đạo các nước G7 vào tháng 5, đồng thời bảo đảm tính gắn kết về vấn đề Biển Đông tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao các nước G7 tại Hiroshima vào tháng 4.
Tuy nhiên, hãng tin Kyodo cho rằng nếu Nhật nêu vấn đề này tại hội nghị G7, Trung Quốc có thể sẽ giận dữ và gây ảnh hưởng trong việc cải thiện mối quan hệ 2 nước, vốn đã hục hặc về tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông.
Mối quan hệ Nhật-Trung đã xuống mức thấp nhất trong vài năm qua sau khi chính phủ Nhật mua lại hầu hết các đảo tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tại biển Hoa Đông hồi tháng 9.2012 từ một chủ sở hữu người Nhật.
Hội nghị G7 gồm các nước Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý sẽ diễn ra tại tỉnh Mie (Nhật Bản) từ ngày 26-27.5.
Bảo Vinh