Nga cười nhạo lệnh trừng phạt

Thứ tư - 19/03/2014 10:00 - Đã xem: 1052
Quốc hội Nga thảo luận biện pháp trả đũa Mỹ và EU theo đề nghị của bà Olga Batalina thuộc Đảng Nước Nga Thống nhất

Tổng thống  Nga Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo Crimea hôm 18-3 đã ký kết hiệp ước về việc nước cộng hòa này trở thành một phần của nước Nga tại điện Kremlin.  Hiệp ước này còn cần được các đại biểu Quốc hội Nga thông qua.

Muốn bị trừng phạt (!?)

Lễ ký trên diễn ra ngay sau khi ông Putin có bài phát biểu quan trọng trước Quốc hội Nga, theo đó khẳng định cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga của Cộng hòa Crimea hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc dân chủ.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định Moscow không can thiệp quân sự vào Crimea, không vi phạm các thỏa thuận về số lượng binh sĩ tại bán đảo và trong suốt quá trình trưng cầu dân ý đã không xảy ra một tiếng súng, không có một nạn nhân nào.

Trong khi đó, theo báo Izvestia, Duma Quốc gia (hạ viện) Nga cam đoan hỗ trợ Crimea phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển tiếp. Các nghị sĩ Duma còn thảo luận một số phương án sáp nhập Crimea. Một là, Crimea sáp nhập vào Nga với quyền lợi của một cộng hòa tự trị, như một chủ thể nằm trong quân khu miền Nam với Sevastopol là thủ phủ. Hai là, Crimea và Sevastopol là những chủ thể riêng biệt của liên bang nhưng Crimea cũng sẽ là cộng hòa tự trị.

Những diễn biến trên cho thấy dường như Nga đang phớt lờ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố hôm 17-3, được xem là đòn trừng phạt gay gắt nhất kể từ thời chiến tranh lạnh.

Phó Chủ tịch Duma Sergei Zheleznyak chế giễu những lệnh trừng phạt này là vô nghĩa và thậm chí là như trò trẻ con. Các nghị sĩ Nga còn soạn một bản tuyên bố đề nghị Tổng thống Mỹ Barack Obama và các quan chức EU đưa tất cả đại biểu Duma đã tán thành sáp nhập Crimea vào “danh sách đen”!

Báo Vzglyad của Nga nhận định lệnh trừng phạt chỉ làm suy yếu vị thế của phương Tây và đẩy mạnh uy tín của các nhà lãnh đạo nước này. Tỉ lệ ủng hộ ông Putin đã lên đến mức 71,6%, cao nhất kể từ khi ông trở lại làm tổng thống hồi năm 2012.

Cũng theo Vzglyad, hành động trừng phạt cho thấy phương Tây đã chọn con đường đối đầu và Ukraine chỉ là quân bài trong trò chơi địa - chính trị chống lại Nga.

 

Tổng thống Putin phát biểu tại Quốc hội Nga về Crimea ngày 18-3Ảnh: IT
Tổng thống Putin phát biểu tại Quốc hội Nga về Crimea ngày 18-3Ảnh: IT

 

Ukraine lép vế

Hôm 18-3, Tổng thống Mỹ Obama đe dọa sẽ có thêm trừng phạt nếu Nga lấn tới ở Ukraine trong khi người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney không loại trừ khả năng ông Putin cũng bị trừng phạt. Cùng ngày, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết Nga đã bị đình chỉ quy chế thành viên nhóm G8. Tuy nhiên, ngay cả báo chí phương Tây cũng ngờ vực về tác dụng của các lệnh trừng phạt.

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin từng nói Nga sẽ không đáp trả phương Tây vì điều đó “thật ngốc nghếch”. Tuy nhiên, theo hãng tin RIA Novosti, các đại biểu Quốc hội Nga đã đồng ý thảo luận về những biện pháp trừng phạt trả đũa Mỹ và EU theo đề nghị của bà Olga Batalina thuộc Đảng Nước Nga Thống nhất.

Về phần mình, Kiev đối mặt với một thực tế là áp lực của phương Tây chẳng đủ quay ngược quyết định của Nga. Trong trường hợp toan tính dùng vũ lực để giành lại Crimea, Kiev sẽ ở vào thế David “chọi” Goliath.

Có lẽ Kiev không còn đường nào khác ngoài buông Crimea nhưng qua đó thắt chặt quan hệ với phương Tây. Dự kiến, vào ngày 21-3 tới, EU và Ukraine sẽ ký kết một phần hiệp định liên kết trong khi các cường quốc phương Tây cũng đang bàn về gói cứu trợ cho Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga hôm 17-3 đã nêu kế hoạch đưa Ukraine ra khỏi khủng hoảng với tên gọi “kế hoạch Lavrov”, trong đó đề nghị Ukraine và phương Tây thông qua hiến pháp mới, củng cố chế độ liên bang và vị thế của tiếng Nga. Các chuyên gia Nga cho rằng phương Tây sẽ nhanh chóng hiểu ra rằng không có Moscow, họ sẽ không thể cứu Ukraine thoát khỏi sự sụp đổ về tài chính. 

 

Kinh tế có dấu hiệu khủng hoảng

Theo hãng tin Reuters, nhiều nhà kinh tế dự báo Nga bước vào thời kỳ suy thoái, được xem là hậu quả của cuộc đối đầu tệ hại nhất với phương Tây kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ. Phát biểu tại một hội nghị kinh doanh hôm 17-3, Thứ trưởng Kinh tế Nga Sergei Belyakov thừa nhận: “Đã có những dấu hiệu rõ rệt của một cuộc khủng hoảng”.

Kể từ ngày 4-3, khi Tổng thống Putin khẳng định quyền đưa quân vào Ukraine để bảo vệ những người nói tiếng Nga, các nhà kinh tế cảnh báo Moscow sẽ phải trả giá đắt. Thực vậy, từ đó, chỉ số MICEX đã mất 66 tỉ USD trên thị trường và ngân hàng trung ương Nga phải chi hơn 16 tỉ USD trong nguồn dự trữ để bảo vệ đồng rúp. Ngoài ra, trong năm nay, giá trị đồng rúp đã giảm 11% so với USD và vẫn tiếp tục rớt giá.

LỤC SAN

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây