Chiến tranh kinh tế với Nga, Đức phải trả giá đắt

Thứ tư - 19/03/2014 10:02 - Đã xem: 1014
Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt lệnh trừng phạt mới - hình thức chiến tranh kinh tế - nhằm ngăn ngừa Tổng thống Nga Vladimir Putin leo thang hơn nữa cuộc khủng hoảng ở Ukraine, trong đó Đức đóng vai trò chủ đạo trong các hành động trừng phạt, bất chấp cộng đồng doanh nghiệp nước này phản đối.

Ngay từ những ngày đầu xảy ra tình trạng rối loạn ở Kiev, Đức đã nhận lãnh vai trò thủ lĩnh trong các nỗ lực cảnh báo người Nga. Đầu năm nay, Ngoại trưởng Đức Frank-Wal-ter Steinmeier cam đoan nước Đức sẽ tích cực hơn trong chính sách đối ngoại của mình và sáng kiến trừng phạt Nga vừa qua được xem là một sự biểu thị tham vọng đó.

Angela Merkel and Russian President Vladimir Putin at the Hanover Trade Fair on April 8. The chancellor may be forced to make sanctions decisions that could negatively effect German businesses.
Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhà lãnh đạo châu Âu phản ứng gay gắt với Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến vấn đề Crimea. Ảnh: DPA

Thế nhưng, rõ ràng là những tham vọng đó đi kèm với cái giá của nó. 

Các nhà lãnh đạo Mỹ và EU hiện muốn trả đũa Nga bằng cách “đánh” vào sự phụ thuộc của nền kinh tế nước này vào phương Tây. Vai trò chính ở đây vẫn thuộc về Đức vì nước này có mối quan hệ thương mại rất chặt chẽ với Nga và có khả năng gây áp lực lớn nhất. Thêm vào đó, các doanh nghiệp Đức cũng sẽ dễ bị tổn thất nếu như Nga áp dụng các biện pháp trả đũa.

Thực vậy, Đức có thể phải trả giá đắt cho cuộc chiến tranh kinh tế và điều đó đẩy Thủ tướng Merkel rơi vào một tình thế khó khăn bởi vì bà có thể buộc phải thuc đẩy đến cùng các biện pháp chính trị có thể gây hại cho các lợi ích kinh tế của Đức. Tuy nhiên, một khi đã nhận lãnh vai trò đi đầu, Berlin chẳng thể quay lại.

Hậu quả của lệnh trừng phạt có thể gây tổn thất không nhỏ cho cả 2 phía. Năm ngoái, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Đức và Nga lên đến 77 tỉ euro: Nga cung cấp xăng và khí đốt thiên nhiên, còn Đức xuất khẩu sang Nga các sản phẩm kỹ thuật cơ khí, dược phẩm, xe lửa và ô tô. Hơn 6.000 công ty Đức hiện đăng ký kinh doanh ở Nga và trong mấy năm qua, tất cả đã đầu tư tổng cộng 20 tỉ euro vào Nga.

Về phần mình, nếu không có các loại hóa chất đặc biệt nhập khẩu từ Đức, Nga sẽ khó có thể chế biến dầu thô của mình. Do đó, một khi Thủ tướng Merkel xoay chuyển chính sách, mối quan hệ kinh tế Đức-Nga sẽ lãnh đủ. Tất nhiên là, cộng đồng doanh nghiệp Đức cũng nhận lãnh những thiệt hại nặng nề.

Ông Joe Kaeser, giá đốc điều hành mới được bổ nhiệm của tập đoàn Siemens, đã đến Nga 3 lần chỉ trong vòng 100 ngày sau khi nhậm chức để sắp xếp công cuộc đầu tư. Trong khi đó, nhà sản xuất nguyên liệu xây dựng Knauf tuyển dụng hơn 5.000 lao động tại các nhà máy ở Nga. Tất cả các hoạt động đó hiện đang lâm nguy.

Graphic: Stats on German companies in Russia
Những số liệu của các công ty Đức làm ăn ở Nga. Ảnh: DER SPIEGEL

Thực ra, mặc dù các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc vẫn chưa được áp dụng, các doanh nghiệp Đức đã cảm nhận được mối đe dọa đến chuyện làm ăn của họ.

Nhà bán lẻ Metro muốn ra mắt các chi nhánh tại Nga trong năm nay nhưng kế hoạch này hiện lâm vào tình thế khó khăn. Hãng xe Volkswagen cũng muốn đầu tư thêm 1,2 tỉ euro để mở rộng các nhà máy ở Nga nhưng lúc này người ta không chắc liệu dự định đó có được thực hiện hay không. Tuần trước, Ngân hàng Phát triển KfW đã định ký hợp đồng đầu tư trị giá 900 triệu euro với Ngân hàng VEB của Nga nhưng phía Đức đã hủy kế hoạch này vào phút cuối.

Hơn nữa, nếu như Tổng thống Putin vẫn không khoan nhượng về vấn đề Crimea, Berlin cũng sẽ xem xét việc hủy cuộc hội đàm chính phủ Đức-Nga ở Leipzig vào tháng 4 tới.

Người Đức cũng nhận thức rõ rằng các biện pháp trừng phạt như vậy ít có khả năng không bị Nga trả đũa. Một thượng nghị sĩ thuộc Đảng Nước Nga Thống nhất đã lên tiếng kêu gọi truất quyền sở hữu tài sản của các công ty nước ngoài đang làm ăn ở Nga. Moscow cũng có thể phản ứng bằng cách phong tỏa các tài khoản của người nước ngoài tại các ngân hàng Nga cũng như chiếm hữu các tài sản đó.

Một mối nguy cơ khác nữa mà người Đức có thể gánh chịu từ cuộc chiến kinh tế với người Nga, đó là nguồn cung cấp năng lượng có thể lâm nguy và có đến 300.000 việc làm bị đe dọa. Vì thế, cuộc thăm dò mới đây của tổ chức Forsa cho thấy 2/3 người Đức phản đối lệnh trừng phạt chống lại Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Crimea. 

Hoài Vy (Theo Spiegel)

Nguồn tin: Người Lao Động

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây