Phản ứng về việc Crimea trưng cầu dân ý gia nhập Nga

Thứ sáu - 07/03/2014 10:00 - Đã xem: 1012
Quyết định trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Crimea vào Nga đã gây ra nhiều phản ứng ở cả Ukraine lẫn Âu-Mỹ.
Theo Reuters, Quốc hội Crimea đã bỏ phiếu ngày 6/3 về việc gia nhập Liên bang Nga và tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 16/3/2014.
Trong cuộc biểu quyết ngày 6/3 tại Quốc hội Crimea, có tới 78 nhà lập pháp của Cộng hòa tự trị Crimea đã bỏ phiếu tán thành việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc  sáp nhập với Nga. Có 8 người không bỏ phiếu và không có phiếu chống.
Uraine tiến hành thủ tục giải tán Quốc hội Crimea
Ngày 6/3, Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov cho biết Quốc hội Ukraine đã bắt đầu thủ tục giải tán Quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea, sau khi cơ quan này kêu gọi gia nhập Liên bang Nga.

Phản ứng về việc Crimea trưng cầu dân ý gia nhập Nga - Ảnh 1

Tổng thống tạm quyền Ukraine Oleksandr Turchynov cho biết Quốc hội Ukraine đã bắt đầu thủ tục giải tán Quốc hội Cộng hòa tự trị Crimea.

Ngày 6/3, vài giờ sau khi Nghị viện Crimea thông qua một kiến nghị trở thành một phần thuộc Liên bang Nga, ông Turchynov cho biết: “Rada (Quốc hội Ukraine) sẽ bắt đầu thủ tục giải tán Nghị viện Crimea".
Thủ tướng Ukraine tạm quyền Arseniy Yatsenyuk và cựu vô địch quyền Anh thế giới Vitali Klitschko cũng mô tả động thái trưng cầu dân ý của Crimea là “một quyết định phi pháp” và là “một sự khiêu khích khủng khiếp chống lại Ukraine”.
Sau khi gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU ngày 6/3, Thủ tướng Ukraine tạm quyền Arseny Yatseniuk cho biết Các lực lượng vũ trang của Ukraine sẽ hành động, nếu hành động can thiệp quân sự của Nga vào lãnh thổ nước này leo thang hơn nữa.
Phản ứng của phương Tây  
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 6/3, Tổng thống Obama nói trưng cầu dân ý ở khu vực Crimea của Ukraine được ấn định vào ngày 16/3 về việc bán đảo này có nên trở thành một phần của Nga hay không sẽ vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Obama nói rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về tương lai của Ukraine "phải bao gồm chính phủ hợp pháp của Ukraine".

Phản ứng về việc Crimea trưng cầu dân ý gia nhập Nga - Ảnh 2

Tổng thống Obama nói trưng cầu dân ý ở khu vực Crimea của Ukraine về việc bán đảo này có nên trở thành một phần của Nga hay không sẽ vi phạm luật pháp quốc tế.

Ông Obama cũng cho biết sắc lệnh mà ông ký ngày 6/3 cho phép áp đặt trừng phạt đối với những người xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc đánh cắp tài sản của Ukraine. Sắc lệnh của Tổng thống Obama cũng ngăn chặn việc chuyển ra ngoài nước Mỹ tài sản thuộc về bất cứ ai đã làm suy yếu những định chế dân chủ ở Ukraine, chiếm dụng tài sản kinh tế hoặc đe dọa chủ quyền lãnh thổ của nước này. Sắc lệnh không nêu tên bất kỳ cá nhân bị nhắm mục tiêu nào.
Đặc sứ của Liên minh Châu Âu tại Ukraine, Jan Tombinski, nói rằng Crimea không thể tách khỏi Ukraine và sát nhập với Nga dựa vào một cuộc trưng cầu dân ý chỉ giới hạn trong vùng Crimea. Viện dẫn điều khoản 73 trong hiến pháp Ukraine, ông nói một cuộc trưng cầu dân ý như thế là bất hợp pháp. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kiev, đặc sứ EU Tombinski nói chỉ một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc mới có thẩm quyền pháp lý để cho phép một sự ly khai như vậy.
Trước đó, Liên minh Châu Âu đã phong tỏa tài sản ở Châu Âu của 18 công dân Ukraine, trong đó có Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovich, cựu Thủ tướng Mykola Azarov và 16 cựu bộ trưởng, doanh nhân và lãnh đạo an ninh. Trong danh sách còn có 2 người con trai của ông Yanukovich và con trai của ông Azarov.
Cơ quan cảnh sát quốc tế Interpol cho biết đang xem xét một yêu cầu của nhà chức trách Ukraine về việc đưa ra  "thông báo đỏ" về việc bắt giữ Yanukovich về tội "lạm dụng quyền lực và giết người".
Văn Linh (tổng hợp)

Nguồn tin: www.doisongphapluat.com

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây